Gia tăng nội lực mềm cho sản phẩm vùng Đông Nam Bộ

Cập nhật: 09-08-2024 | 11:17:49

(BDO) Để thật sự xây dựng thị trường vững mạnh, các tỉnh, thành Đông Nam bộ cần có nhiều giải pháp đồng bộ, theo hướng liên kết, để nắm bắt cơ hội khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, thực thi các cam kết thương mại tự do, phát triển chuỗi cung ứng bền vững.


Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng đề nghị các Sở Công thương, Trung tâm Xúc tiến thương mại vùng Đông Nam Bộ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp kết nối giao thương

Tăng cường uy tín thương hiệu

Tại Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Đông Nam Bộ năm 2024 mới đây, Bộ Công thương và 6 tỉnh, thành đã cùng bàn thảo triển khai các giải pháp hỗ trợ, liên kết chặt chẽ, hiệu quả hơn trong và ngoài vùng Đông Nam Bộ trong công tác xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu. Qua đó, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển ngày càng lớn mạnh, đưa sản phẩm hàng hoá, dịch vụ của vùng tới các thị trường trong và ngoài nước.

Bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc Sở Công thương đánh giá, thực tế đáng quan ngại là hầu hết sản phẩm vùng Đông Nam Bộ chưa xây dựng được thương hiệu. Sản phẩm Việt chủ yếu là xuất khẩu thô, xuất khẩu qua trung gian hoặc gia công cho thương hiệu nước ngoài. Rất ít sản phẩm có thể xuất khẩu bằng chính thương hiệu của mình.

“Liên quan đến vấn đề này, nhiều doanh nghiệp thẳng thắn thừa nhận với chúng tôi là do nội lực yếu, chưa tập trung cho xây dựng thương hiệu, chưa định rõ hành lang pháp lý cần thực hiện để bảo vệ thương hiệu, nhất là thị trường nước ngoài”, bà Duyên chia sẻ.


Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại đề nghị các cơ quan, tổ chức trong vùng Đông Nam bộ thông báo và có sự tham gia phối hợp tổ chức của Bộ Công thương trong xúc tiến thương mại

Trong giai đoạn mới, theo bà Duyên, thương hiệu chính là nội lực mềm cho sự phát triển của các doanh nghiệp vùng Đông Nam Bộ. Việc xây dựng thương hiệu Đông Nam bộ không đơn thuần là dừng lại ở sản phẩm chất lượng tốt, mẫu mã sáng tạo mà còn góp phần khẳng định bản sắc, vị thế của doanh nghiệp Việt trong chuỗi cung ứng trên phạm vi toàn cầu.

Do vậy, bà Phan Thị Khánh Duyên đề xuất cần xây dựng thương hiệu chung vùng Đông Nam Bộ cho 4 mặt hàng chủ lực của vùng, dựa trên lợi thế của các tỉnh, thành địa phương gồm: da giày; chế biến gỗ; nông sản; công nghệ thông tin.

"Để phát triển được thương hiệu các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của vùng cần có sự đầu tư, vào cuộc của Chính phủ, các cơ quan chuyên trách, các tỉnh thành và chính các doanh nghiệp trong vùng, gắn với tầm nhìn của lãnh đạo doanh nghiệp… Qua đó, thúc đẩy liên kết chặt chẽ giữa các tỉnh thành, doanh nghiệp tạo ra quy mô sản xuất lớn hơn, giá trị cao hơn. Bên cạnh đó, các cấp bộ, ngành cần hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh mạng lưới kênh phân phối chất lượng, hạn chế sự xâm phạm nhãn hiệu, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người tiêu dùng trong và ngoài nước", bà Phan Thị Khánh Duyên đề xuất.

Đặc biệt, đối với mặt hàng nông sản, bà Phan Thị Khánh Duyên cho rằng, các địa phương trong vùng cần có quy hoạch tổng thể, quy hoạch vùng trồng, tránh sự cạnh tranh giữa các địa phương. Có chính sách đầu tư dài hạn các sản phẩm mang tính thương hiệu quốc gia, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Đồng thời, phát triển đồng bộ các ngành cung ứng hậu cần, thương mại điện tử và số hóa, hiện đại hóa, tập trung vào sản xuất, lưu thông, phân phối hàng Việt với các thị trường quốc tế. Ứng dụng công nghệ blockchain để minh bạch hóa thông tin về nguồn gốc, quy trình sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng các sản phẩm nông sản, thực phẩm, giúp tăng cường niềm tin và uy tín của thương hiệu.

Bộ Công thương luôn “sát cánh”

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), đề nghị các cơ quan, tổ chức trong vùng Đông Nam Bộ khi có kế hoạch hoặc chương trình xúc tiến thương mại quy mô quốc gia, quốc tế cần thông báo và có sự tham gia phối hợp tổ chức của Bộ Công thương.

“Từ hoạt động hội nghị xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu cho 6 vùng, Bộ Công thương đang xây dựng kế hoạch tổ chức chuỗi hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư ở thị trường nước ngoài theo quy mô vùng cho 6 vùng kinh tế, nhằm quảng bá, góp phần xây dựng thương hiệu các nhóm sản phẩm chủ lực, thu hút đầu tư chung cho cả vùng. Chương trình này sẽ bắt đầu được thử nghiệm từ năm 2025 và đề nghị các địa phương trong vùng ủng hộ và hưởng ứng tham gia”, ông Vũ Bá Phú thông báo kế hoạch của ngành Công thương.


Bà Phan Thị Khánh Duyên (thứ 2 từ trái sang) tại Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Đông Nam bộ năm 2024 

Để xúc tiến thương mại thực chất và hiệu quả hơn, theo Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng, các địa phương trong vùng cần có sự liên kết sâu, cùng ngồi lại để tìm ra những sản phẩm lợi thế nhất của địa phương mình để tập trung cho công tác xúc tiến. 

“Chẳng hạn, trong vùng Đông Nam Bộ, Bình Phước có thế mạnh nổi trội về vùng nguyên liệu và chiếm chỉ số xuất khẩu cao đối với cà phê, hạt điều; vùng Đông Nam Bộ cũng là đầu não trung tâm cả nước về logistics… Do đó, các địa phương, hiệp hội trong vùng cần có những đề xuất cụ thể về thế mạnh xúc tiến thương mại để trao đổi cùng Bộ Công Thương”, Thứ trưởng Phan Thị Thắng nói.


Khu trưng bày sản phẩm tại Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Đông Nam bộ năm 2024 

Thứ trưởng Phan Thị Thắng đề nghị các Sở Công thương, Trung tâm Xúc tiến thương mại của vùng Đông Nam Bộ dù đã làm tốt công tác kết nối giao thương, nhưng cần tiếp tục sâu sát hơn để giúp các hiệp hội, doanh nghiệp phát triển hơn nữa, nắm được thông tin về các hiệp định thương mại tự do, các vấn đề phòng vệ thương mại, thị trường nước ngoài, xu hướng vận động của thị trường thế giới. 

Với doanh nghiệp phải cần nghiên cứu để liên kết xây dựng vùng nguyên liệu, phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu, giữ vững uy tín trong toàn bộ chu trình hệ thống kinh doanh.

Trong định hướng phát triển công nghiệp cho vùng Đông Nam Bộ, Bộ Công thương quy hoạch phát triển khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ. Phát triển TP.Vũng Tàu thành trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế. Tiểu vùng phía Bắc gồm các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước và khu vực phía Bắc của các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương là khu phát triển kinh tế cửa khẩu, kho vận, mở rộng không gian phát triển công nghiệp của vùng; công nghiệp chế biến nông, lâm sản, trồng cây công nghiệp, có vai trò quan trọng trong bảo vệ nguồn nước, hệ sinh thái rừng và đa dạng sinh học. Ngoài ra, đẩy mạnh hợp tác, liên kết nội vùng, liên vùng, tạo không gian kinh tế thống nhất, khắc phục các điểm nghẽn, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao khả năng cạnh tranh vùng.

Tiểu My - Cẩm Tú

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=854
Quay lên trên