Gia tăng sức đóng góp của ngành công nghiệp, thương mại

Cập nhật: 20-08-2024 | 06:22:04

 Không chỉ tập trung phát triển lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, thời gian qua huyện Bắc Tân Uyên còn phát huy tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, thực hiện Chương trình số 03- CTr/HU ngày 10-8-2020 của Huyện ủy về đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng công nghiệp và khuyến khích phát triển các loại hình thương mại - dịch vụ (TM-DV) để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững (gọi tắt là Chương trình số 03).

 Xã Bình Mỹ khuyến kích xã hội hóa xây dựng các chợ, siêu thị. Trong ảnh: Khách hàng mua sắm tại cửa hàng tiện ích Bách hóa xanh, xã Bình Mỹ

Công nghiệp duy trì đà tăng trưởng cao

Huyện Bắc Tân Uyên có tiềm năng lớn về du lịch nông nghiệp, sinh thái, với vùng cây ăn trái có múi được quy hoạch phát triển theo hướng tập trung, chất lượng, an toàn. Không dừng lại ở đó, Bắc Tân Uyên tận dụng dư địa để đẩy mạnh thực hiện Chương trình số 03. Nhờ đó, trong 4 năm qua, lĩnh vực công nghiệp, TM-DV của huyện đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Những năm qua, giá trị sản xuất công nghiệp của huyện tăng bình quân từ 11,5- 13,5%/năm. Quy hoạch phát triển công nghiệp luôn được huyện chú trọng, thu hút đầu tư tăng nhanh. Đến nay, trên địa bàn huyện có 776 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, với tổng vốn đầu tư gần 13.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, hoạt động bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu (SPCNNTTB) cấp huyện được địa phương triển khai thực hiện xuyên suốt. Thông qua hoạt động bình chọn, địa phương đã kịp thời tôn vinh 14 sản phẩm được công nhận SPCNNTTB cấp tỉnh và 3 SPCNNTTB cấp khu vực. Các SPCNNTTB có chất lượng, giá trị sử dụng cao, có tiềm năng phát triển, tạo động lực để huyện mở rộng sản xuất, đáp ứng thị hiếu ngày càng cao của người tiêu dùng trong, ngoài nước.

Công nghiệp phát triển mạnh đã tạo điều kiện để huyện giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, thúc đẩy sự chuyển dịch trong cơ cấu lao động phi nông nghiệp. Những vùng đất bưng biền, cằn cỗi, hoang vu, sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả trước đây nay đã được thay bằng những khu công nghiệp, khu dân cư, khu thương mại quy mô...

Để đạt những thành tựu nói trên là kết quả của sự nỗ lực của toàn Đảng bộ, chính quyền, các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn. Đáng chú ý, huyện đã tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, nhất là chú trọng cải thiện môi trường đầu tư thông qua cải cách hành chính, đối thoại, tuyên dương doanh nghiệp có thành tích tiêu biểu trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh…

Thương mại - dịch vụ gia tăng quy mô, chất lượng

Trên cơ sở định hướng phát triển chung của huyện, những năm qua, các xã, thị trấn trong huyện đã phát huy tối đa lợi thế về giao thông, vị trí địa lý để phát triển các loại hình TM-DV. Điển hình là các thị trấn Tân Thành, Tân Bình, các xã Đất Cuốc, Tân Lập, Bình Mỹ…

Đi trên những tuyến trục đường chính tại trung tâm các xã, thị trấn của huyện dễ dàng nhận thấy cửa hàng kinh doanh, dịch vụ xuất hiện ngày một nhiều, với đa dạng các mặt hàng, từ thời trang, văn phòng phẩm, đồ gia dụng cho đến hàng điện tử, viễn thông, xe máy, dịch vụ khám, chữa bệnh… Qua đó đã tạo nên sự phong phú hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Đơn cử, tại xã Bình Mỹ, nhờ tận dụng lợi thế giáp thị trấn Tân Bình, có nhiều doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn, có các trục đường lớn đi qua như ĐT747a, ĐT742, ĐH410… người dân đã mở cơ sở, cửa hàng kinh doanh lĩnh vực TM-DV. Từ năm 2020 đến nay, xã thu hút 75 doanh nghiệp đến đầu tư. Trên địa bàn xã hiện có 1 chợ hạng 3 được xây dựng kiên cố, 1 cửa hàng Bách hóa xanh và hơn 300 cơ sở bán lẻ, cửa hàng kinh doanh tổng hợp.

Ông Bồ Minh Giang, Chủ tịch UBND xã Bình Mỹ, cho biết thời gian qua, xã đã triển khai đồng bộ các giải pháp để thúc đẩy TM-DV phát triển. Đến nay, tỷ trọng lĩnh vực TM-DV chiếm 18,5% trong cơ cấu kinh tế của xã, nông nghiệp chiếm 67,3%, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp chiếm 14,2%. Mạng lưới cơ sở, cửa hàng kinh doanh TM-DV trên địa bàn xã phát triển nhanh. Thời gian tới, Bình Mỹ tiếp tục khuyến khích phát triển công nghiệp gắn với phát triển TM-DV, nhất là phát triển hạ tầng, tạo sức hút và thúc đẩy các dự án đầu tư vào ngành TM-DV, như giải trí điện tử, viễn thông…

Ghi nhận cho thấy, 4 năm qua, triển khai thực hiện Chương trình số 03, tốc độ tăng trưởng TM-DV của các xã, thị trấn huyện Bắc Tân Uyên đạt khá, gia tăng về số lượng, chất lượng, quy mô các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, hộ tiểu thương. Ông Nguyễn Thành Thường, Chủ tịch UBND huyện Bắc Tân Uyên, cho biết trong thời gian tới, huyện tiếp tục triển khai các chính sách ưu đãi, nâng cao hiệu quả xúc tiến, thu hút đầu tư. Đồng thời, địa phương đầu tư hoàn thiện hệ thống giao thông theo quy hoạch; tăng cường thu hút các loại hình dịch vụ mang tính hỗ trợ công nghiệp, nông nghiệp phát triển.

Huyện cũng khuyến khích xã hội hóa đầu tư xây dựng chợ, siêu thị, khu thương mại; phát triển đồng bộ các loại hình dịch vụ văn hóa, thể dục thể thao, hoạt động tín dụng, ngân hàng… đáp ứng yêu cầu sản xuất và đời sống của người dân, hỗ trợ phát triển công nghiệp, TM-DV trong giai đoạn mới.

 Thời gian qua, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của huyện Bắc Tân Uyên tăng bình quân từ 14-16%/năm. Trên địa bàn huyện hiện có 7 chợ, 2.847 cơ sở kinh doanh, 3 cửa hàng Bách hóa xanh, 3 cửa hàng Điện máy xanh. Các chợ, cơ sở kinh doanh, cửa hàng này hoạt động ổn định, đa dạng sản phẩm hàng hóa đáp ứng đủ nhu cầu của nhân dân.

 TRÚC HUỲNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=124
Quay lên trên