Gia tộc... 24 ngón

Cập nhật: 06-03-2010 | 00:00:00

Đối với dòng họ Võ của ông Võ Văn Cống (71 tuổi, ở xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách - Bến Tre), chuyện nhiều người trong gia đình có đến 24 ngón tay, chân là hết sức bình thường, thậm chí họ còn xem đó là điều đáng tự hào. Dòng họ ông Võ Văn Cống đã trải qua 6 đời sinh sống ở Vĩnh Bình và đến 14 người có 24 ngón tay, chân. Nhờ vậy mà gia đình ông trở nên nổi tiếng, thậm chí địa phương còn lấy tên ông đặt cho một cây cầu gần nhà.

Ông Võ Văn Cống cùng con trai và cháu nội, mỗi người đều có cả thảy 24 ngón tay, chân

Hết dám léng phéng!

 

Nghe chúng tôi hỏi chuyện về “gia tộc 24 ngón”, ông Cống không giấu được vẻ tự hào. Ông vui vẻ gọi cô con gái thứ 9, người cũng có 24 ngón, pha trà đãi khách.

 

Ông Cống chậm rãi kể: “Dòng họ bên ngoại tôi cũng có nhiều người 24 ngón. Tôi giống hệt mẹ và ông ngoại, cũng có 24 ngón. Ông bà ngoại sinh hơn 10 người con nhưng chỉ có mẹ tôi là 24 ngón. Mẹ tôi sinh 9 người con trai, trong đó người anh thứ 3 Võ Văn Chẩn và tôi thứ 9 có 24 ngón”.

 

Ông Chẩn hiện đã 83 tuổi, cũng có một người con và một người cháu 24 ngón. Riêng ông Cống có 12 người con thì đến 4 người có 24 ngón giống hệt ông. Ông “điểm danh”: “Con gái thứ 2 Võ Thị Hồng Đào nè, con trai thứ 6 Võ Tấn Đức nè, thằng thứ 7 Võ Thái Thanh và con nhỏ thứ 9 Võ Thị Hồng Nga nữa nè...”. Bà Đào lấy chồng lại sinh ra con gái thừa 4 ngón tay, chân.

 

Tiếp đó, con gái bà lấy chồng cũng sinh con 24 ngón. Ông Võ Tấn Đức sinh được 2 con, trong đó người con trai cũng có 24 ngón... Ông Cống cho biết: “Chỉ tính từ đời ông ngoại tôi thì đến nay đã trải qua 6 thế hệ với 14 người có 24 ngón”.

 

Ông Cống hóm hỉnh: “Ai trong dòng họ tôi mà léng phéng thì coi chừng, dễ lộ tẩy lắm!”. Vợ ông ngồi cạnh bên liếc mắt nguýt dài. Ông Cống cười sảng khoái: “Kinh nghiệm “xương máu” đó nghe! Trước đây tôi cũng từng léng phéng và sinh được một đứa con trai ngoài giá thú, không ngờ nó cũng có 24 ngón nên chẳng giấu ai được”. Ông khẳng định ở Bến Tre và cả ĐBSCL nói chung, ai họ Võ mà có 24 ngón thì dứt khoát phải là người trong gia tộc của ông.

 

Chỉ thích đi chân đất

 

Ông Cống cho biết trước đây, cũng có nhiều ý kiến cho rằng những người 24 ngón trong gia đình ông là do bệnh tật và xem họ như “quái nhân”. Tuy nhiên, lâu nay, người dân địa phương đã quá quen với “gia tộc 24 ngón” và xem họ chẳng khác gì người bình thường, thậm chí còn khỏe mạnh vượt trội. Ông Bảy Thiệu, một bô lão ở Vĩnh Bình, thán phục: “Trước đây, Cống đá banh giỏi có tiếng vùng này. Đừng thấy Cống chân to, tay bự, thừa ngón vậy mà tưởng nó chậm chạp. Nó đá banh từ xã lên huyện, chạy cánh nhanh, tranh bóng giỏi và sức bền thì kinh khủng!”.

 

Quan sát bàn tay, chân của ông Cống và các con, cháu của ông, chúng tôi thấy các ngón rất đều, mỗi bàn 6 ngón, nếu không để ý nhìn kỹ thì thật khó nhận biết. Các ngón thứ 6 ở mỗi bàn tay, bàn chân cũng có xương, cơ, gân, móng và hoạt động tương tự những ngón bình thường.

 

Ông Cống và những người con, cháu của ông đều thích đi chân đất. Ông tiết lộ: “Hồi còn trẻ, tôi đá banh nên buộc phải mang giày, trừ các giải nông dân có thể đá chân trần. Tôi phải lặn lội khắp các chợ ở Chợ Lách mới tìm được đôi giày mang vừa chân. Ở nhà, ngoài những lúc đi đám tiệc tôi mới mang dép, ngoài ra đều đi chân trần”.

 

Tương tự, ông Võ Tấn Đức, con trai ông Cống, cũng quen đi chân đất từ nhỏ, mãi đến khi đi hỏi vợ mới mua dép tập mang! “Do có bàn chân 6 ngón to hơn người bình thường nên chúng tôi rất khó chọn mua giày dép. Bởi vậy, đi chân không là thượng sách”! - ông Đức nói.

 

Đột biến gien có yếu tố di truyền

 

Nhiều bác sĩ nhận xét các trường hợp 24 ngón trong gia tộc ông Võ Văn Cống là rất đặc biệt. Đây có thể là hiện tượng đột biến gien có yếu tố di truyền.

 

Theo một tài liệu y khoa, người dư các ngón tay hoặc chân do dị tật bẩm sinh được gọi là hội chứng Polydaxtyly, thường không đe dọa gì đến đời sống của chủ thể. Ngón dư thường là một mô nhỏ, đa phần có xương, không khớp, hiếm khi hoàn thiện đầy đủ chức năng.

 

Ngón dư phần lớn nằm về phía gần xương cẳng tay, thường tạo thành một cái chạc với ngón đã có (mọc nhánh), hiếm khi bắt nguồn từ cổ tay như các ngón thông thường. Trên thế giới, khoảng 500 trẻ sinh ra mới có 1 trường hợp dư ngón.

 

Theo NLĐ

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên