Giá trị gốm sứ Việt được nâng lên một vị thế mới

Cập nhật: 08-09-2010 | 00:00:00

(BDO) Sau hơn 1 tuần diễn ra festival gốm sứ Việt Nam – Bình Dương 2010, nhiều du khách đã được thưởng lãm những tuyệt tác từ đất do bàn tay và khối óc của các nghệ nhân gốm nhào nặn nên. Bên cạnh tôn vinh giá trị truyền thống ngành gốm, sự khởi đầu cho việc “nổi lửa” ở sân nhà cũng đạt được những kết quả bước đầu, tạo nền tảng quan trọng cho các cơ sở, doanh nghiệp gốm sứ kinh doanh thành công.

 

Hơn 400.000 lượt khách đến với gốm sứ

 

Là một trong những hoạt động đầu tiên của festival, Hội chợ triển lãm gốm sứ với chủ đề “Thế giới sắc màu” có 600 gian hàng và 12 làng nghề gốm sứ trong cả nước tham dự. Đó là làng gốm Bàu Trúc (Ninh Thuận), làng gốm Biên Hòa (Đồng Nai), làng gốm Vạn Bình (Khánh Hòa), làng gốm Đông Triều (Quảng Ninh), làng gốm Làng Cậy (Hải Dương), làng gốm Bát Tràng (Hà Nội), làng gốm Giang Cao (Hà Nội), làng gốm Kim Lan (Hà Nội), làng gốm Thanh Hà (Quảng Nam), làng gốm Long Hồ (Vĩnh Long), làng gốm Phước Tích (Thừa Thiên Huế), làng gốm Thổ Hà (Bắc Giang), làng gốm Sành Tây Sơn (Bình Định), làng gốm Hòa Vinh (Phú Yên), làng gốm Phù Lãng (Bắc Ninh), làng gốm Bình Đức (Bình Thuận), làng gốm Đông Khương - Điện Bàn (Quảng Nam), làng gốm Tân Phước Khánh (Bình Dương), làng gốm Chính Nghĩa (Bình Dương), làng gốm Lái Thiêu (Bình Dương), làng gốm Hương Canh, Hiển Lễ (Vĩnh Phúc) và làng gốm Chu Đậu (Hải Dương).

  Tạo hình cho gốm

Theo thống kê sơ bộ của Ban tổ chức, hội chợ đã thu hút hơn 400.000 lượt khách tham quan, trung bình có 50.000 lượt/ngày. Có trên 90% làng nghề bán hết các sản phẩm; các gian hàng thủ công mỹ nghệ doanh thu từ vài chục đến vài trăm triệu đồng tùy vào mặt hàng. 7 kỷ lục gốm sứ độc đáo về tay nghề và nghệ thuật chế tác của nghệ nhân cũng đã được xác lập, gồm: cúp Hồn Việt (89x100cm, 39kg); chén ngọc Văn Lang (75x80cm, nặng 29kg); cúp Sen Vàng (90x90cm, nặng 45kg); Quốc Bình Thăng Long (L63cmW23cmH73cm, nặng 28 kg); Lu Thiên Địa (120x127cm, 250kg); Địa Cầu (72x187cm); Đèn Gốm (cao 3,8m).

 

Mỗi một địa phương đều có 1 dòng gốm riêng của người Việt như ở Huế có Phước Tích, ở Quảng Nam có gốm Chu Đậu (đi bằng tàu biển và chìm đắm ở hòn Cù Lao Chàm)… Điều này chứng minh cho sự giao thương khá tất nập của các làng nghề gốm, khẳng định vai trò của gốm cổ trục vớt từ biển, thông qua đó đã giới thiệu con đường gốm sứ giao thương của Việt Nam xưa.

Đêm khai mạc, Sân vận động tỉnh đã biến thành một không gian triển lãm sắp đặt đẹp mắt, khổng lồ với 3.000 sản phẩm gốm sứ… Hình tượng “lưỡng long hí châu” sắp đặt bằng gốm sứ, hình ảnh làng gốm, lò nung, nghệ nhân lao động được tái hiện sinh động đã mở màn đầy ấn tượng cho ngày hội gốm sứ Việt Nam đầu tiên. Ban tổ chức đã tôn vinh và tặng Bằng khen ghi nhận sự cống hiến của 33 nghệ nhân đến từ 22 làng nghề gốm sứ trong cả nước.

 

Đậm đà chất gốm

 

Các bộ sưu tập gốm cổ chủ đề “Tinh hoa Gốm Việt” giới thiệu các bộ sưu tập gốm cổ Việt Nam cũng được quy tụ. Đây được xem là triển lãm lớn nhất về gốm Việt cổ từ trước đến nay. Triển lãm huy động đa dạng các dòng sản phẩm gốm thuần Việt từ thời kì Đông Sơn, Đinh -Tiền Lê, gốm sứ thời Lý - Trần, gốm sứ Triều Lê sơ, gốm sứ Óc Eo, Cham Pa…đến thời Nguyễn như dòng gốm Quảng Đức, gốm Gò Sành, đến Bình Thuận thì có gốm Sa Huỳnh được trục vớt từ tàu biển...

  Gốm Phước Tích

Theo tổng kết của Bảo tàng Bình Dương, tổng số cổ vật gốm tham dự festival có hơn 700 hiện vật lớn nhỏ từ nhiều thời kì. Những cổ vật này phản ánh kỹ thuật chế tạo đạt trình độ cao và phản ánh sự giao lưu kinh tế bằng con đường gốm sứ trên biển giữa Việt Nam và các nước trong khu vực vào thế kỷ 15. Có những cổ vật đạt tiêu chuẩn sứ, lần đầu tiên tìm thấy trang trí vàng kim trên gốm.

 Khách tham quan gốm sứ

Triển lãm ảnh nghệ thuật về gốm sứ chủ đề “Gốm sứ và cuộc sống” gồm 3 bộ ảnh: Bộ ảnh giới thiệu về các làng gốm nổi tiếng Việt Nam, Bộ ảnh giới thiệu về làng gốm Bình Dương, Bộ ảnh giới thiệu về gốm Bình Dương thời kỳ hội nhập và phát triển. Sau gần 2 tháng phát động, cuộc thi đã nhận được 969 ảnh các loại, trong đó có 28 ảnh bộ và 749 ảnh đơn (trong đó có 836 ảnh màu, 133 ảnh trắng đen), với sự tham gia của 128 tác giả đến từ 21 tỉnh, thành trong cả nước tham gia. Hầu hết các tác giả đều tập trung sáng tác vào chủ đề “ Gốm sứ và cuộc sống”. Kết quả, 17 giải chính thức bao gồm ảnh đơn và ảnh bộ, mỗi thể loại có 1 giải Vàng, 1 giải Bạc, 1 giải Đồng và 5 giải tưởng lệ. Với hơn 100 bộ áo dài, yếm, váy dạ hội được thiết kế từ họa tiết, hoa văn, ý tưởng từ màu sắc gốm sứ biểu diễn cùng 100 sản phẩm gốm sứ đặc trưng từ 22 làng nghề, các đơn vị sản xuất gốm sứ khắp cả nước cùng tham gia biểu diễn đã góp phần làm cho “vũ điệu của gốm” thêm lung linh. Một không gian tranh tài đã được tổ chức với hội thi tài hoa gốm Việt chủ đề “Hồn đất” thu hút 48 sản phẩm gốm sứ theo 34 chủ đề của 30 đơn vị tham gia. Một hội thảo chuyên đề  “Gốm sứ Việt Nam trong tiến trình hội nhập” cũng diễn ra với sự tham dự của gần 70 đại biểu, trình bày 12 bài tham luận xoay quanh 2 nội dung chính về vấn đề “Bảo tồn và phát triển giá trị gốm sứ Việt Nam” và  “Phát triển gốm sứ trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế”. Tour tham quan làng nghề truyền thống Bình Dương “Niềm vui làng nghề” cũng được nhiều du khách thích thú và quan tâm.

 

Ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam nhận định: “Xu hướng thu hút khách hàng theo mô hình du lịch – làng nghề đã hình thành ngày càng rõ nét và trở thành xu hướng không thể thiếu để các địa phương, làng nghề, doanh nghiệp tự giới thiệu thương hiệu, sản phẩm, đặc trưng và bản sắc văn hóa cho mình.

KỲ TÂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên