Giá trị nông sản xuất khẩu tăng mạnh

Cập nhật: 03-03-2011 | 00:00:00

Với mức giá nông sản tăng cao, đây là thời điểm tốt để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp.

Nhiều mặt hàng chủ lực được giá

Trong chiều hướng tăng giá của các mặt hàng nông sản xuất khẩu, phải kể đến gạo, với việc 4 lần điều chỉnh tăng giá sàn trong hơn một tháng qua của Hiệp hội Lương thực Việt Nam. Chưa năm nào lượng gạo xuất khẩu giao vào đầu năm lại cao như năm nay. Lượng gạo xuất khẩu 2 tháng đạt 1,1 triệu tấn thu về 592 triệu USD tăng 55,6% về khối lượng, giá trị tăng 44,5% so với cùng kỳ.

Từ ngày 1/3, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo đã bắt đầu triển khai mua 1 triệu tấn gạo tạm trữ theo chỉ đạo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA). Tại các chợ đầu mối ở ĐBSCL, lượng lúa gạo được tiêu thụ đều tăng mạnh so với những ngày trước và giá cũng nhích lên 50-100 đồng/kg.

Hiện giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên đạt 45.200 đồng/kg, mức cao nhất trong lịch sử ngành cà phê Việt Nam (không tính trượt giá), tăng gần gấp đôi so với cách đây một năm.

Khối lượng cà phê xuất khẩu hai tháng đầu năm nay đạt 225.000 tấn, đạt kim ngạch 438 triệu USD, tăng nhẹ 2,2% về lượng nhưng tăng tới 40,4% về giá trị so với cùng kỳ 2010.

Nếu cả năm vẫn giữ khối lượng xuất khẩu như năm 2010 và giá xuất khẩu bình quân vẫn giữ được như hiện nay, ngành cà phê sẽ vượt qua mức kỷ lục đã lập năm 2007, và có thể kim ngạch sẽ đạt tới 2,4-2,5 tỷ USD trong năm 2011.

Tương tự, giá cao su xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh (năm 2010 xuất khẩu cao su thiên nhiên đạt hơn 2,3 tỷ USD). Theo ước tính của Bộ NNPTNT, xuất khẩu cao su trong hai tháng đầu năm 2010 đạt 106.000 tấn, trị giá 467 triệu USD, tăng 38,2% về lượng nhưng giá trị gấp 2,4 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Cũng trong tháng qua, ước kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 400 triệu USD đưa xuất khẩu thuỷ sản 2 tháng lên 835 triệu USD, tăng 54,4% so cùng kỳ. Gỗ và sản phẩm gỗ, ước kim ngạch tháng 2 đạt 200 triệu USD, tổng giá trị xuất khẩu của 2 tháng đạt 548 triệu USD, tăng 17,6%. Xuất khẩu hồ tiêu và điều đều giữ được đà tăng trưởng kim ngạch nhờ giá bán tăng cao kỷ lục.

Giá tiêu xuất khẩu đang tiến gần tới ngưỡng 5.000 USD/tấn. Ước tổng khối lượng xuất khẩu 2 tháng 2011 lên tới 11 ngàn tấn với giá trị 53 triệu USD, giảm 22,6% về lượng nhưng giá trị tăng 23,4% so với cùng kỳ. Khối lượng xuất khẩu điều nhân 2 tháng đầu năm đạt 24 nghìn tấn và giá trị lên 166 triệu USD, tăng 16% về lượng và tăng 55,2% về giá trị so với cùng kỳ. Giá hạt điều đạt 7129 USD/tấn, tăng 32,1% so với cùng kỳ và tăng hơn 1000 USD so với giá bình quân của năm 2010.Trong khi thúc đẩy xuất khẩu tất cả các mặt hàng nông lâm thủy sản tăng trưởng mạnh mẽ, thì việc tăng tỷ giá VND/USD cũng đang kiềm chế nhập khẩu vật tư nông nghiệp và nông lâm thủy sản. Bởi vậy, mặc dù giá nhập khẩu tất cả các mặt hàng đều tăng cao, nên giá trị kim ngạch nhập khẩu chỉ tăng 20,3%, trong khi xuất khẩu tăng 50,7% so với cùng kỳ. Ước tổng giá trị nhập khẩu vật tư, phân bón và nông lâm thuỷ sản tháng 2 đạt 1 tỷ USD; đưa tổng giá trị nhập khẩu xấp xỉ 2,3 tỷ UDS.

Đảm bảo vốn mua nguyên liệu

Ông Đoàn Đình Thiêm, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe), cho rằng để ngành cà phê lớn mạnh cần có chính sách ưu đãi về nguồn vốn cho các công ty. Bởi theo ông Thiêm, việc được vay vốn đúng vụ, đúng thời điểm cũng quan trọng như việc mua tạm trữ. Thực tế so với nước ngoài, nguồn vốn của nhiều doanh nghiệp trong nước quá yếu. Ngoài ra, lãi suất cao cũng là một vấn đề đối với các doanh nghiệp.

“Mỗi năm Vinacafe Tây Nguyên phải trả lãi tới 250 tỷ đồng, còn Vinacafe Đà Lạt trả lãi mỗi năm 70 tỷ đồng” - ông Thiêm nói.

Hiệp hội Điều Việt Nam cũng cho biết để mua toàn bộ sản lượng điều thô trong nước năm 2010 cần tới 9.500 tỷ đồng vốn ngắn hạn và trung hạn. Do vậy, đề nghị các ngân hàng ưu tiên nguồn vốn đáp ứng đủ và kịp thời nhu cầu thu mua cho các doanh nghiệp khi vào vụ điều. Áp dụng các hình thức cho vay tín chấp, thế chấp theo hạn mức tín dụng bằng 90% giá trị kho hàng hoặc giá trị tài sản doanh nghiệp.

Để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội đã yêu cầu tập trung ưu tiên vốn tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu.

Tại Hội nghị trực tuyến triển khai Nghị quyết 11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho rằng, với mức giá nông sản tăng cao, đây là thời điểm tốt để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, góp phần cải thiện đời sống nhân dân.

Đồng thời, hạn chế tối đa các mặt hàng nhập khẩu trong nước có thể sản xuất được, coi giảm nhập siêu cũng làm một trong những giải pháp giảm căng thẳng tỷ giá.

Ngay sau đó, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Chỉ thị về thực hiện giải pháp tiền tệ và hoạt động ngân hàng nhằm thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP, trong đó yêu cầu các tổ chức tín dụng không để thiếu hụt vốn khả dụng thanh toán; vốn tín dụng tập trung ưu tiên cho sản xuất - kinh doanh, khu vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu…

Theo Chinhphu.vn

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=218
Quay lên trên