Giá đôla Mỹ ngoài thị trường tự do sáng nay tăng lên 21.900 đồng. Trong khi vàng miếng cũng vọt tăng hơn 300.000 đồng lên mức cao nhất từ đầu năm đến nay.
Mặc dù sáng nay Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh giá đôla bình quân liên ngân hàng giảm 5 đồng xuống còn 20.698 đồng nhưng giá đôla tự do vẫn liên tục tăng cao. Sau khi tạm thời chựng lại quanh mức 21.700 đồng trong ngày hôm qua, sáng nay các điểm thu đổi ở Hà Nội đã mạnh tay tăng thêm 100 đồng bán ra, vọt lên 21.800 đồng. Còn giá thu gom cũng được đẩy lên 21.720 đồng ăn một USD.
Giá USD tăng phi mã trong sáng nay.
Trong khi đó, thị trường USD chợ đen tại TP.HCM bật lên mức cao kỷ lục. Giá mua bán lúc 9h30 sáng nay lần lượt được các chủ hiệu vàng công bố quanh 21.800-21.850 đồng, tăng lần lượt 100 đồng và 150 đồng so với hôm 15-2. Có nơi còn hét giá bán đầu ngày chạm 21.900 đồng.
"Sức mua những ngày qua cũng có nhưng không quá lớn. Tuy nhiên, giá thì liên tục được bạn hàng thông báo tăng lên nên chúng tôi cũng điều chỉnh tăng theo", một chủ hiệu vàng trên đường Trần Hưng Đạo, quận 5 nói.
Trong khi đó, giá đôla Mỹ tại các ngân hàng thương mại sáng nay tuy vẫn được niêm yết bán chạm kịch trần 20.905 đồng, nhưng một số doanh nghiệp vẫn phải mua với giá thực tế cao hơn rất nhiều. Các đơn vị mua USD cho biết, cuối ngày hôm qua, một số nhà băng đã bán giá USD lên tới 21.200 đồng. Đến sáng hôm nay, mỗi USD đã lên 21.250 đồng.
"Sự leo thang của USD thật sự chóng mặt. Nếu Ngân hàng Nhà nước không có biện pháp can thiệp mạnh tay thì doanh nghiệp sẽ điêu đứng với tốc độ tăng phi mã của giá USD", Phó tổng giám đốc một công ty sản xuất nhựa lo lắng.
Cùng với sự leo thang của giá đôla, vàng miếng trong nước sáng nay cũng bật tăng hơn 300.000 đồng nhờ lực đẩy từ tỷ giá và sự bứt phá của giá vàng quốc tế.
Lúc 8h10 sáng, thương hiệu vàng miếng Sacombank SBJ đã tăng lần lượt hơn 300.000 đồng lên tương ứng 36,48-36,52 triệu đồng. Tuy giá tăng cao nhưng khoảng cách giữa mua bán được doanh nghiệp giữ ở mức 40.000 đồng một lượng.
Cùng lúc, hầu hết các thương hiệu vàng lớn khác trong nước cũng có thêm 320.000 đồng và 330.000 đồng chiều mua và bán, lên 36,45-36,53 triệu đồng. Mức tăng này vẫn chưa thấm vào đâu so với sự điều chỉnh của các hiệu kim hoàn lớn tại TP.HCM. Lúc 10h, một số hiệu báo giá bán lên tới 36,7 triệu đồng, còn thu gom 36,63 triệu, đưa biên độ giữa giá mua và bán lên tới 70.000 đồng. Các chủ hiệu vàng thừa nhận mãi lực hiện không mạnh. Giá tăng chủ yếu do sự "té nước theo mưa" từ đà tăng cao của USD.
Đây là lần đầu tiên kể từ đầu năm nay, thị trường vượt mốc 36,5 triệu đồng. Tuy nhiên, nếu so với đỉnh cao kỷ lục trên 38 triệu đồng hồi đầu tháng 11 năm ngoái, thì thấp hơn 1,5 triệu đồng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cho biết lực mua hiện khá yếu. Việc giá vàng tăng cao chủ yếu do tác động tỷ giá USD tăng, là một trong những nguyên nhân khiến kim loại quý hiện nay kém hấp dẫn hơn trước.
Trên thị trường quốc tế, sau những ngày lặng sóng, giá giao dịch hôm 15-2 biến động trong biên độ khá mạnh. Trong phiên New York, có lúc kim loại quý đã bứt phá qua ngưỡng 1.375 USD và chạm mức 1.377,50 USD thì hụt hơi và quay đầu đi xuống. Sau đó, giá đóng cửa phiên tại 1.374 USD mỗi ounce, tăng gần 11 USD so với chốt phiên liền trước. Vàng giao tháng 4 trên sàn Comex của New York cũng đóng cửa tăng 10 USD, lên 1.375,10 USD.
Bước sang giờ giao dịch châu Á sáng nay, kim loại quý đang điều chỉnh theo chiều hướng giảm nhẹ. Tính đến 9h (giờ Hà Nội), mỗi ounce vàng tương đương 1.373 USD. Nếu quy ra tiền Việt theo tỷ giá USD 21.700 đồng, mỗi lượng quy đổi hiện có giá khoảng 35,9 triệu đồng.
Giá vàng tăng cao trong bối cảnh lạm phát đang gia tăng. Chỉ số giá tiêu dùng của Anh đã tăng 4% trong tháng một. Trong khi lạm phát của Trung Quốc lên tới 4,9% (tháng 12 năm ngoái là 4,6%), nhưng thấp hơn dự kiến 5,4%.
Lạm phát gia tăng đang gây áp lực lên Ngân hàng trung ương Anh về việc tăng lãi suất. Tuy nhiên, nước này vẫn cương quyết chưa điều chỉnh vì e ngại hành động điều chỉnh lãi suất sẽ kiềm hãm sự tăng trưởng kinh tế.
Theo VNE