Trong khi các bộ, ngành đang nỗ lực kìm giá thì thông tin từ thị trường cho thấy xu hướng tăng giá vẫn còn tiếp tục. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, tăng giá là chuyện "không thể đừng" do áp lực từ nhiều phía. Trong đó có giá nguyên liệu đầu vào là việc doanh nghiệp không tự quyết được.
Doanh nghiệp bán lẻ kêu vì nhà sản xuất tăng giá
Mới đây, một số doanh nghiệp bán lẻ đã điều chỉnh tăng nhiều mặt hàng khoảng từ 5%-10% kèm theo thông báo do các nhà cung cấp tăng giá với lý do lãi suất vay cao, và các nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào của sản xuất cũng đều tăng.
Hiện nhiều doanh nghiệp như Công ty Cổ phần Nhất Nam sở hữu hệ thống siêu thị bán lẻ Fivimart, Công ty CP Intimex Việt Nam sở hữu thệ thống siêu thị Intimex, tập đoàn bán lẻ hàng đầu châu Âu Casino sở hữu hệ thống siêu thị Big C tại Việt Nam... đang lo lắng vì nguy cơ tăng giá hàng loạt các mặt hàng . Điều này sẽ gây nhiều khó khăn, đặc biệt trong lúc Chính phủ đang nỗ lực kìm giá để chống nguy cơ lạm phát.
Theo Bà Vũ Thị Hậu- P.TGĐ Công ty CP Nhất Nam (sở hữu hệ thống siêu thị Fivimart) cho biết: “Đây không phải là lần đầu trong năm các nhà cung cấp tăng giá. Thời điểm tháng 2, tháng 3 khi thị trường rục rịch tăng giá về điện, nước, lương cơ bản… các nhà cung cấp cũng đã đề nghị tăng giá. Hiện chúng tôi và nhiều doanh nghiệp bán lẻ khác đang điều chỉnh tăng dần các mặt hàng chứ không dám tăng ồ ạt…”.
Ngoài hệ thống siêu thị bán lẻ nhiều đại lý tiêu thụ thép (một trong những mặt hàng thiết yếu cần kìm giá) cũng cho biết, hiện các nhà sản xuất đang rục rịch thông báo sẽ tăng giá thép cũng với lý do trên.
Hầu hết các doanh nghiệp bán lẻ cho rằng, tăng giá là ngoài sự mong muốn của các doanh nghiệp bán lẻ. Nếu Nhà nước bình ổn giá thì phải “thắt” giá từ nhà sản xuất đồng thời khuyến khích các nhà sản xuất cần xem xét các khoản chi phí không cần thiết cấu thành nên giá sản phẩm dẫn đến giá bán ra tăng cao. Hiện nay cả nhà sản xuất nước ngoài và trong nước đều chi phí cho quảng cáo quá lớn khiến giá thành sản phẩm phải gánh chịu số chi phí đó. Trong lúc khó khăn như hiện nay thì những chi phí kiểu như trên nên được cắt giảm.
Đại diện lãnh đạo siêu thị Big C (Hà Nội) cho rằng, Nhà cung cấp thông báo tăng giá nhưng những mặt hàng tăng giá vô lý thì Big C sẽ khó chấp nhận . Những mặt hàng nhập khẩu tăng với lý do tăng tỷ giá USD thì đành chấp nhận nhưng những mặt hàng trong nước tăng cao thì buộc phải có sự đàm phán giảm giá. Chúng tôi cũng không muốn cùng lúc các mặt hàng tăng giá vù vù mà nếu buộc phải tăng giá do giá từ các nhà sản xuất tăng thì cũng cần tăng giá từ từ một vài ngành hàng nhất định…”.
“Không thể đừng" chuyện giá tăng
Dù vẫn biết nỗ lực kìm giá của Chính phủ và văn bản chỉ đạo bình ổn thị trường vừa qua của Bộ Công Thương là kịp thời, nhưng một số doanh nghiệp sản xuất có mặt hàng cần bình ổn (sữa, đường, sắt, thép…) cho rằng cần kìm gía ở mức độ như thế nào? Giá nguyên vật liệu trên thế giới có ảnh hưởng rất lớn tới sản xuất trong nước, nếu tăng nguyên liệu đầu vào thì buộc nhà sản xuất trong nước cũng phải tính toán vào giá thành sản phẩm. Ngoài ra còn phải cộng thêm chi phí sản xuất đang tăng gồm điện, nước, than, thức ăn chăn nuôi ... Bên cạnh đó mức lãi suất thỏa thuận cho vay vẫn ở mức quá cao khiến nhiều nhà sản xuất gặp khó khăn, thậm chí đình trệ sản xuất ..
Mới đây, thông tin Chính phủ họp với Ngân hàng Nhà nước và các bộ trong đó có nội dung phải kéo mức lãi suất xuống khoảng 12% (hiện nay mức lãi suất vay có khoảng 14,5%) chưa đủ khiến doanh nghiệp vui mừng. Bởi, theo một số doanh nghiệp nhỏ và vừa, mức lãi suất 12% là vẫn cao, doanh nghiệp khó sinh lời. Nếu ở mức khoảng 10% trở xuống doanh nghiệp mới có thể “chạy” theo trượt giá và ổn định sản xuất được.
Ông Trần Anh Vương - Giám đốc Công ty thép Bắc Việt , Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ Hà Nội cho biết, trong khi các doanh nghiệp thép đang bán với giá nhập nguyên liệu cũ thì hiện tại giá thép thế giới đã tăng. Hiện nay thép bán ra vẫn dùng nguyên liệu nhập từ trước khoảng 615 USD/tấn (ở mức này doanh nghiệp vẫn có lãi), nhưng giá phôi thép thế giới tăng lên 700 USD/tấn thì doanh nghiệp buộc phải tăng giá để có lãi.
Hiện nay nhiều doanh nghiệp thép đã tính đến chuyện xuất khẩu thép thay vì tiêu thụ trong nước vì theo tính toán xuất khẩu lại có lãi hơn giá bán trong nước. Cũng theo ông Vương, nếu giá nhập khẩu CIF Hải Phòng có giá khoảng 700 USD/tấn sau khi trừ chi phí vận chuyển thì doanh nghiệp được khoảng 650 USD. Nếu xuất ngược đi một số nước có nhu cầu thép như Ấn Độ thì doanh nghiệp vẫn lời hơn là bán trong nước với giá hiện nay là 615 USD/tấn.
Như vậy nếu doanh nghiệp quay sang xuất khẩu thì rất dễ xảy ra tình trạng khan mặt hàng Thép và bài toán cân đối cung cầu, đảm bảo bình ổn thị trường sẽ khó thực hiện được.
Khó kìm lạm phát?
Chính sách kìm giá được Chính phủ đặt ra từ đầu năm, và mới đây một loạt những chính sách liên qua tới giá được các Bộ đưa ra nhằm không để lạm phát cao và đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5% trong năm 2010. Thậm chí Sở Công Thương Hà Nội cũng nỗ lực bằng việc đề xuất xin thêm 500 tỷ để điều vốn bình ổn giá cho cả năm thay vì khoản 250 tỷ bình ổn giá riêng dịp tết.
Tuy nhiên, theo tính toán của một số chuyên gia kinh tế, mục tiêu giữ lạm phát tăng 7% trong năm nay sẽ khó hoàn thành nếu các mặt hàng thiết yếu tiếp tục tăng giá. Trong quý 1-2010 CPI (chỉ số giá tiêu dùng) đã tăng tới 4,12%. Như vậy ba quý còn lại chỉ được phép trong con số 2,77%. Nếu chia tỷ lệ bình quân các tháng trong ba quý thì từ nay tới cuối năm CPI sẽ chỉ được kìm mức tăng trong khoảng 0,3%. Trong khi đó tháng 3 vừa rồi đã tăng 0,75% , thông thường theo chu kỳ tăng CPI tăng tháng 3 phải không tăng, thậm chí phải là âm, bởi tháng 3 là tháng nhu cầu mua sắm, tiêu dùng sẽ giảm.
(THEO VNMEDIA)