Tới trưa 10-5, giá vàng SJC lập đỉnh mốc mới, tăng cao nhất trong lịch sử với giá bán ra là 92 triệu đồng/lượng, tăng 2,5 triệu đồng/lượng so với cuối phiên ngày 9-5. Khoảng cách giữa giá mua và bán chênh nhau tới 2,5 triệu đồng/lượng, đẩy rủi ro lớn về phía người mua vàng.
Giá vàng miếng SJC tiếp diễn cảnh tăng giá “mất kiểm soát” khi lên tới 92 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường quốc tế, giá vàng đạt 2.354,1 USD/ounce, quy đổi theo tỷ giá chưa thuế, phí, giá vàng trong nước vẫn đắt hơn thế giới 19,410 triệu đồng/lượng, tương đương 72,590 triệu đồng/lượng.
Cụ thể, vào hơn 11 giờ trưa 10/5, giá vàng SJC mua vào bán ra là 89,70 – 92,00 triệu đồng/lượng, tăng 2,5 triệu đồng/lượng ở cả 2 chiều mua và bán so với cuối phiên ngày 9/5. Tại PNJ, giá vàng SJC giao dịch 88,80 – 91,80 triệu đồng/lượng, tăng 2 triệu đồng/lượng mua vào và 2,8 triệu đồng/lượng so với chiều bán ra so với chốt phiên ngày 9/5.
Tại Bảo Tín Minh Châu, giá vàng niêm yết là 89,50 – 92 triệu đồng/lượng, tăng 1,8 triệu đồng/lượng mua vào và 2,2 triệu đồng/lượng bán ra so với chốt phiên ngày 9/5. Nếu người dân mua vào, bán ngay vàng sẽ bị lỗ 2,5 triệu đồng/lượng
Trước đó lúc 10 giờ sáng 10/5, giá vàng SJC 1 lượng mua vào – bán ra là 88,90 – 91,20 triệu đồng/lượng, tăng 700.000 đồng/ lượng ở cả 2 chiều mua vào và bán ra. Còn tại hệ thống Doji, giá vàng SJC bán ra là 89,30 triệu đồng/lượng, tăng 1,4 triệu đồng/lượng so với cùng thời điểm phiên trưa 9/5.
Giá vàng nhẫn tròn trơn Vàng Rồng Thăng Long Bảo Tín Minh Châu tiếp tục tăng mạnh, giao dịch 74,97 – 76,47 triệu đồng/lượng, tăng 950.000 đồng/lượng so với trưa ngày 9/5.
“Vàng trong nước phiên giao dịch sáng 10/5, giá SJC biến động tăng cao. Tại các cơ sở kinh doanh của Bảo Tín Minh Châu, lượng khách mua vào và bán ra đang có tỷ lệ (55% khách mua vào và 45% khách bán ra. Giá vàng SJC biến động tăng cao. Vì vậy, nhà đầu tư và người dân nên cân nhắc trước khi giao dịch và thường xuyên theo dõi giá vàng trên các kênh chính thống để có quyết định đúng đắn nhất”, đại diện Bảo Tín Minh Châu cho biết.
Theo ông Nguyễn Đức Hùng Linh, chuyên gia kinh tế, người sáng lập Think Future Consultancy, gần “đỉnh sóng”, giá sẽ lên càng nhanh bởi tâm lý của nhà đầu tư. Vàng dễ “làm giá” hơn cổ phiếu vì chỉ có vài doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn. Trong “cơn sóng” vàng này, doanh nghiệp vàng không bao giờ để mình chịu thiệt nên để khoảng cách mua vào - bán ra lớn.
Giá vàng miếng SJC tăng điên cuồng bởi tâm lý “đầu cơ” của người dân. “Dù chưa có con số thống kê nào về lợi nhuận của doanh nghiệp vàng sau những đợt 'sóng' vàng nhưng lợi nhiều nhất vẫn là ‘nhà cái’. Người dân mua vào và bán ra sẽ lỗ ngay hơn 2 triệu đồng/lượng bởi khoảng cách mua vào - bán ra rất lớn”, ông Nguyễn Đức Hùng Linh phân tích.
Chuyên gia kinh tế này phân tích: Việc tổ chức đấu thầu vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không thể “hạ nhiệt” được thị trường vàng. Nguyên do, mức giá đấu thầu NHNN đưa ra cao nên không thể bình ổn thị trường. Nếu muốn "hạ nhiệt", NHNN phải bán giá thấp hơn thị trường.
“Trước thông báo đấu thầu vàng miếng, giá vàng miếng SJC chỉ cao hơn vàng thế giới hơn 10 triệu đồng/lượng. Đến bây giờ, khoảng cách lên hơn 19 triệu đồng/lượng”, ông Nguyễn Đức Hùng Linh cho biết.
Theo ông Nguyễn Đức Hùng Linh, năm 2013, NHNN đã bình ổn thị trường vàng bằng việc bán ra khoảng 40 - 50 tấn vàng. Tuy nhiên, thời điểm đó bình ổn thị trnờng trong bối cảnh lãi suất huy động lúc đó cao. Thời điểm này, thị trường vàng khó bình ổn bởi lãi suất tiết kiệm thấp và các kênh đầu tư khác không hấp dẫn nên người dân vẫn tìm đến vàng với kỳ vọng giá vàng còn tăng nữa.
Trong phiên gọi thầu lần thứ 5 mới đây, NHNN đấu thầu thành công 3.400 lượng vàng miếng SJC cho 3 đơn vị với giá 86,05 triệu đồng một lượng và còn “ế” 13.400 lượng. Đến nay, NHNN đã cung ra thị trường tổng cộng 6.800 lượng vàng miếng, chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ so với tổng số mời thầu (84.000 lượng).
"Đấu thầu vàng không phải là biện pháp để tăng nguồn cung. Quan trọng nhất, NHNN tăng nguồn cung là cho phép ngân hàng thương mại, doanh nghiệp vàng được xuất nhập khẩu vàng, phía Nhà nước chỉ nên kiểm soát bằng thuế. Nếu cho phép nhập khẩu vàng, ngay lập tức trong vòng 1 tuần giá vàng trong nước và thế giới sẽ liên thông. Nhập khẩu vàng từ Singapore, Hong Kong - Trung Quốc, Thái Lan… về Việt Nam rất nhanh”, ông Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia nhấn mạnh.
Theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), nhu cầu vàng trong nước khoảng 50 tấn/năm. Nếu nhập khẩu tốn hết khoảng 3 tỷ USD - một con số không quá lớn. Chưa kể, cho phép xuất nhập khẩu vào chính thức sẽ khuyến khích được xuất khẩu vàng nữ trang, giúp thị trường cân bằng được ngoại tệ.
Theo TTXVN