Giá vàng thế giới tăng liên tục trong 10 quý liên tiếp

Cập nhật: 02-04-2011 | 00:00:00
Trong phiên giao dịch ngày 31/3 trên thị trường New York, vào lúc 19 giờ 57 GMT, giá vàng giao ngay tăng 0,8% lên 1.435,1 USD/ounce. (Ảnh minh họa) Giá vàng giao tháng 6/2011 đóng cửa ở mức 1.439,9 USD/ounce, tăng 1,1% so với phiên trước. Như vậy, quý 1 năm 2011 là quý thứ 10 liên tiếp giá vàng đi lên, trong bối cảnh đồng tiền xanh suy yếu, và giá dầu mỏ cùng giá ngũ cốc phục hồi, làm gia tăng sức hấp dẫn của vàng như một công cụ để đối phó với lạm phát. Những nhân tố chi phối giá vàng trong quý 1 vừa qua gồm chính sách tiền tệ cực lỏng của các ngân hàng trung ương, tâm lý lo ngại về cuộc khủng hoảng nợ công tại Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) và bạo loạn tại Trung Đông và Bắc Phi. Tuy nhiên, trong quý 1 năm 2011, giá vàng chỉ tăng 1%, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2008, thời điểm cuộc khủng hoảng tài chính chưa lộ diện. Ngày 31/3 cũng là phiên giá vàng tăng mạnh nhất trong gần 2 tuần qua, trong bối cảnh thị trường đang chờ đợi Mỹ công bố thống kê về tình hình việc làm tại khu vực phi nông nghiệp của nước này trong tháng 3/2011. Đây được đánh giá là chỉ số chủ chốt để "thăm khám" sức khỏe kinh tế Mỹ. Các nhà giao dịch nhận định: trước khi có thông tin về thị trường lao động Mỹ, giới đầu tư đang "ôm" vàng để đối phó với những bất ổn. Tâm lý lo ngại lạm phát cũng là nhân tố có lợi cho vàng. Giới phân tích dự báo giá vàng đang hướng tới mốc 1.500 USD/ounce. Phiên 31/3, giá bạc tăng 0,7% lên 37,71 USD/ounce. Quý 1 năm 2011 cũng là quý thứ 9 liên tiếp bạc lên giá. Trong 3 tháng đầu năm nay, giá bạc đã tăng tới 22%, do nhà đầu tư nhận định giá vàng sẽ còn tăng và nhu cầu của các kim loại quý dùng trong các ngành công nghiệp sẽ được cải thiện. Ở thời điểm đầu phiên giao dịch ngày 31/3, tỷ lệ vàng/bạc giảm xuống dưới 38, mức thấp nhất kể từ năm 1983. Giá vàng cũng nhận được sự ủng hộ khi đồng euro mạnh hơn đồng USD, trong bối cảnh những thống kê về lạm phát đang củng cố dự đoán rằng Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) sẽ nâng lãi suất. Nhưng sức mạnh của đồng tiền chung châu Âu có thể chỉ tạm thời, khi các vấn đề nợ sẽ còn đeo bám châu lục này trong quý 2 tới đây. Chính tâm lý lo ngại về cuộc khủng hoảng nợ công tại Eurozone là nhân tố chủ chốt khiến giá vàng tăng tới 30% trong năm 2010. Mới đây, hãng Moody's cảnh báo không loại trừ khả năng sẽ tiếp tục hạ mức xếp hạng tín dụng đối với một số nước Eurozone, khiến nhà đầu tư càng thêm quan ngại về tình hình tài chính của khu vực này. Trong một thông tin có liên quan, trong quý 1 năm 2011, lượng vàng do quỹ giao dịch vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust nắm giữ ghi dấu mức giảm mạnh nhất (tính theo quý) từ trước tới nay, khi các ngân hàng trung ương đang dập dình tăng lãi suất và thị trường các hàng hóa khác đi lên. Theo TTXVN
Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=232
Quay lên trên