Nước từ lâu được xác định là một trong những tài nguyên quý giá và quan trọng trong chiến lược phát triển của mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ. Đặc biệt, đối với những địa phương có tốc độ phát triển kinh tế - xã hội năng động và sự tăng trưởng mạnh về dân số như Bình Dương thì việc bảo đảm an ninh nguồn nước càng trở nên quan trọng hơn.
Lãnh đạo Chi nhánh Cấp nước Khu Liên hợp đang kiểm tra, giám sát quy trình vận hành tại nhà máy
Khai thác, sử dụng hiệu quả
Ghi nhận của ngành chức năng cho thấy, trên địa bàn tỉnh hiện có 2 nguồn nước gồm nước mặt và nước dưới đất, cơ bản đáp ứng các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu sinh hoạt của người dân. Nghiên cứu của ngành chức năng cho thấy, hiện nay chất lượng, trữ lượng nước dưới đất trên địa bàn tỉnh đang có xu hướng chia ra làm hai nhóm. Theo đó, đối với các vùng đô thị phía Nam của tỉnh, chất lượng và trữ lượng nguồn nước dưới đất dù đã có sự cải thiện so với những năm trước đây, nhưng vẫn không bảo đảm an toàn để khai thác, sử dụng. Trong khi đó, chất lượng và trữ lượng nguồn nước dưới đất ở các vùng nông thôn phía Bắc vẫn còn đáp ứng cơ bản nhu cầu sử dụng của người dân.
Tuy nhiên, với tốc độ phát triển của công nghiệp gắn liền sự tăng trưởng mạnh về dân số thì nguồn nước dưới đất ở các vùng nông thôn phía Bắc cũng đang có dấu hiệu suy giảm nhẹ và cần được khai thác, sử dụng hợp lý hơn. Trao đối với chúng tôi, ông Lê Văn Tân, Trưởng phòng Tài nguyên Nước, Khoáng sản, Khí tượng Thủy văn, Sở Tài nguyên & Môi trường nhận định, từ những kết quả phân tích cho thấy, nước dưới đất là loại nước hợp vệ sinh nhưng không được xem là nước sạch. Người dân không nên tự ý khai thác, sử dụng nguồn nước này vì có nguy cơ bị ô nhiễm bởi các hoạt động trên bề mặt. Nguồn nước dưới đất cần được khai thác, sử dụng hiệu quả để bảo đảm mục đích dự trữ chiến lược bền vững phục vụ các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội lâu dài của tỉnh.
Bảo đảm nước sạch
Theo quy hoạch tài nguyên nước giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn 2035, tỉnh đã có lộ trình, phương án chuyển đổi việc khai thác, sử dụng nước từ nguồn dưới đất sang nguồn nước sạch đã qua hệ thống, quy trình xử lý bảo đảm. Hai lợi ích lớn khi thực hiện phương án này là người dân sẽ được sử dụng nguồn nước sạch bảo đảm an toàn sức khỏe đồng thời chất lượng, trữ lượng nguồn nước dưới đất gắn liền kết cấu, chất lượng địa chất cũng sẽ được cải thiện, bảo đảm cho các thế hệ mai sau.
Hiện nay, Công ty Cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương (Biwase) là doanh nghiệp tiên phong và giải quyết khá tốt bài toán về nước sạch cho người dân ở các vùng đô thị. Trong khi đó, Trung tâm Đầu Tư, khai thác thủy lợi và nước sạch nông thôn thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang đảm đương khá tròn vai nhiệm vụ cung cấp nước sạch cho các vùng nông thôn phía Bắc.
Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Hoàng Sơn, Phó Tổng Giám đốc Biwase, cho biết hiện nay công ty có 9 nhà máy cấp nước trên địa bàn tỉnh, với tổng công suất thiết kế đạt khoảng 763.000m3/ngày đêm và công suất khai thác thực tế hiện đạt khảng 557.609m3/ ngày đêm. Tuy nhiên, để bảo đảm nhu cầu của người dân, trong trường hợp cần thiết, công ty cũng có thể nâng công suất khai thác lên 1.000.000m3/ ngày đêm, đủ sức đáp ứng nước cho toàn tỉnh Bình Dương theo quy mô dân số hiện tại. Ông Sơn cho biết, hiện nay hầu hết các chi phí lắp đặt, đấu nối hệ thống nước sạch cho người dân trên địa bàn tỉnh đều được Biwase hỗ trợ miễn phí. Trên website của công ty cũng có những số điện thoại đường dây nóng sẵn sàng tiếp nhận thông tin phản ánh, thông tin yêu cầu đấu nối đồng hồ 24/7.
Có mặt tại Chi nhánh Cấp nước Khu Liên hợp (Nhà máy nước Tân Hiệp) tại phường Tân Hiệp (TX.Tân Uyên) vào những ngày cuối năm, chúng tôi ghi nhận hệ thống nhà máy khai thác, xử lý nước được đầu tư rất công phu, bài bản. Ông Phạm Văn Chiến, Giám đốc Chi nhánh Cấp nước Khu Liên hợp, cho biết từ nước sông Đồng Nai để trở thành nước sạch bảo đảm 99 tiêu chí theo quy định của Bộ Y tế, cần phải qua nhiều khâu xử lý. Theo đó, tại trạm bơm ở sông Đồng Nai nước sẽ được xử lý clo sơ bộ. Sau đó sẽ dẫn về bể trộn, trong quá trình dẫn nước về hệ thống bể trộn, nhân viên vận hành sẽ thực hiện phương pháp PAC, pH. Sau khi trộn nước xong, nước sẽ được thực hiện quy trình lắng cặn trước khi đưa vào bể phản ứng rồi chuyển qua bể lắng, bể lọc. Tại bể lọc, nhân viên kỹ thuật sẽ cho clo khử khuẩn để xử lý nước. Sau khi hoàn thành quy trình và thông tin đo lường bảo đảm dư lượng clo ở mức cho phép, nước sẽ được chuyển về bể chứa, sẵn sàng cung cấp tới khách hàng.
Xuyên suốt quá trình vận hành khai thác, xử lý và cấp nước, các nhà máy thuộc Biwase sẽ chịu sự giám sát độc lập của các đơn vị, như: Trung tâm Quản lý chất lượng nước thuộc Công ty Biwase; Trung tâm Y tế Dự phòng thuộc Sở Y tế Bình Dương và Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 thuộc Bộ Khoa học & Công nghệ. Do đó, chất lượng nước sạch được cung cấp thông qua hệ thống các nhà máy này sẽ luôn được bảo đảm và an toàn cho người dân khi sử dụng. |
ĐÌNH THẮNG