Bài 1: “Nhận diện” đúng thực trạng
Theo Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia, trong quý I năm nay, toàn quốc xảy ra 15 vụ ùn tắc giao thông (UTGT) kéo dài. Phần lớn các vụ UTGT kéo dài xảy ra ở Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và Bình Dương. UTGT đang là vấn đề được các ngành, các cấp ở Bình Dương quan tâm và có nhiều giải pháp trước mắt cũng như dài hơi.
Cảnh sát giao thông tham gia điều tiết giao thông tại khu vực ngã sáu An Phú, TP.Thuận An. Ảnh: THANH QUANG
Kẹt xe, vấn đề nóng hiện nay
Theo báo cáo của Ban ATGT tỉnh, các vụ UTGT trong quý I-2021 thường diễn ra vào các khung giờ cao điểm ở các giao lộ như: Ngã tư 550 trên đường ĐT743 (TP.Dĩ An); ngã sáu An Phú (TP.Thuận An), nguyên nhân do đang thi công công trình nâng cấp, mở rộng đường ĐT743; UTGT tại ngã tư cầu Ông Bố trên tuyến đại lộ Bình Dương, nguyên nhân do vào giờ cao điểm các xe đầu kéo vận chuyển hàng hóa đi vào đường ĐT743C, đồng thời tại đây có trạm thu phí đường bộ nên lưu lượng phương tiện di chuyển chậm, gây nên ùn tắc.
Trong khi đó, trao đổi với PV Báo Bình Dương, lãnh đạo Sở Giao thông - Vận tải tỉnh cho biết tình hình UTGT trên địa bàn tỉnh chủ yếu xảy ra tại các cửa ngõ ra vào thuộc khu vực phía Nam của tỉnh (trên các tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn, ĐT743A, ĐT743B, quốc lộ 13, đường Huỳnh Văn Cù). Nguyên nhân là do Bình Dương nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; là nơi lưu thông giữa các luồng giao thông từ các tỉnh Tây nguyên, miền Tây để về các cảng sông Cát Lái, Đa Phước, cảng biển Thị Vải, Cái Mép, sân bay quốc tế Long Thành… nên lưu lượng giao thông quá cảnh qua địa bàn tỉnh ngày một gia tăng.
Lãnh đạo Sở Giao thông- Vận tải tỉnh nhận định việc UTGT sẽ ảnh hưởng đến môi trường sống, sinh hoạt của người dân, mất trật tự an toàn giao thông, làm kéo dài thời gian vận chuyển hàng hóa, đi lại của các tổ chức, cá nhân, tốn kém nhiên liệu, gây thiệt hại về kinh tế của xã hội do chậm, trễ thời gian… Tình trạng kẹt xe còn gây thiệt hại nền mặt đường do tải trọng trùng phục, ảnh hưởng đến chất lượng, tuổi thọ của công trình. |
Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, dân số cơ học gia tăng, lưu lượng giao thông trên địa bàn tỉnh không ngừng gia tăng, nhất là dòng phương tiện chiếm diện tích mặt đường lớn (xe container, đầu kéo…). Bên cạnh đó, tiến độ thi công các công trình giao thông trọng điểm, huyết mạch để chống UTGT còn chậm (do vướng giải phóng mặt bằng) so với kế hoạch đề ra. Trong khi đó hệ thống kết cấu hạ tầng luôn được quan tâm đầu tư, phát triển nhưng chưa theo kịp nhu cầu phát triển xã hội về vận tải. Việc UTGT sẽ ảnh hưởng đến môi trường sống, sinh hoạt của người dân (do khí thải, tiếng ồn), mất trật tự an toàn giao thông (ý thức người tham gia giao thông chưa tốt, hiện tượng chen lấn, không tuân thủ hệ thống báo hiệu đường bộ,...), làm kéo dài thời gian vận chuyển hàng hóa, đi lại của các tổ chức, cá nhân, tốn kém nhiên liệu, gây thiệt hại về kinh tế của xã hội do chậm, trễ thời gian... Tình trạng kẹt xe còn gây thiệt hại nền mặt đường do tải trọng trùng phục, ảnh hưởng đến chất lượng, tuổi thọ của công trình.
Cần các giải pháp
Tình trạng UTGT trong tỉnh thời gian qua đã được các ngành, các cấp trong tỉnh nhận ra và có những động thái thể hiện sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị đối với vấn đề này. Trong 2 tháng cuối năm 2020, dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban ATGT tỉnh đã tổ chức liên tiếp các cuộc họp nhằm đánh giá tình tình, tiến độ triển khai các chỉ đạo của UBND tỉnh liên quan đến công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, chống UTGT.
Trong cuộc họp ngày 4-12, một trong những vấn đề được đặt ra là phương án phân luồng theo giờ đối với xe container, xe tải có tải trọng 15 tấn trở lên tại một số tuyến đường. Liên quan đến vấn đề quy định giờ xe container, xe tải nặng lưu thông vào một số tuyến đường được đặt ra tại cuộc họp này, ông Nguyễn Hoàng Thao cho rằng đây là vấn đề quan trọng, có yếu tố tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư của địa phương. Vì vậy các cơ quan liên quan cần nghiên cứu, trao đổi thêm với các chuyên gia, nhà đầu tư để tìm ra giải pháp hợp lý, tương thích với hạ tầng giao thông và các yêu cầu đặt ra hiện nay...
Trước đó, trong cuộc họp ngày 5-11, các phương hướng nhằm kéo giảm vấn đề kẹt xe cũng được đề xuất. Thượng tá Trương Minh Cảnh, Phó trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh dẫn chứng “Nếu so sánh số liệu từ năm 2009 có 5 người sở hữu 1 xe máy; 80 người có 1 xe ô tô thì hiện nay 7 người sở hữu 1 ô tô và 1 người sở hữu gần 2 xe gắn máy. Số lượng phương tiện tăng quá nhanh dẫn đến quá tải đối với hạ tầng giao thông, kéo theo đó là tình trạng kẹt xe xảy ra thường xuyên hơn”.
Cũng theo Thượng tá Cảnh, hiện nay một trong những điểm nóng về tình trạng kẹt xe trong tỉnh là đường Huỳnh Văn Cù (TP.Thủ Dầu Một) hướng về cầu Phú Cường. Lý giải về nguyên nhân kẹt xe ở đoạn đường này, đại diện Phòng CSGT Công an tỉnh cho rằng phần lớn xe chở hàng hóa đi từ Tây Ninh, Long An qua tỉnh lộ 8 huyện Củ Chi, TP.Hồ Chí Minh rồi lưu thông qua cầu Phú Cường đi ra hướng cảng Cái Mép. Với lưu lượng xe nhiều nhưng kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng kịp đã dẫn đến tình trạng kẹt xe thường xuyên.
Theo đánh giá của các thành viên Ban ATGT tỉnh tại hội nghị ngày 5-11, tình trạng kẹt xe đang trở thành vấn đề bức thiết hiện nay trong tỉnh và cần các giải pháp dài hơi nhằm bảo đảm an toàn giao thông, bảo đảm cho sự phát triển kinh tế của tỉnh nhà. Những vấn đề được đặt ra là nâng cấp, mở rộng, cầu, đường, thống nhất việc cắm biển báo, tăng cường tuần tra cũng như công tác giám sát giao thông, xử lý phạt nguội, thành lập lực lượng giải cứu giao thông...
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Nguyễn Hoàng Thao cho rằng các thành viên của Ban ATGT tỉnh phải dự báo được tình hình giao thông trong tỉnh để có những giải pháp phù hợp, có sự quản lý, chỉ đạo sâu sát nhằm mang lại hiệu quả cao, nhất là trong tình hình phát triển của Bình Dương như hiện nay. Cần thiết phải kiện toàn lại Ban ATGT cấp tỉnh và cấp huyện.
Ông Nguyễn Hoàng Thao đề nghị Sở Giao thông - Vận tải phối hợp Phòng CSGT Công an tỉnh mời các chuyên gia tính toán thời gian, tuyến đường phù hợp cho xe container lưu thông nhằm bảo đảm thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh nhưng không ảnh hưởng đến tình hình ATGT của người dân; chủ đầu tư một số tuyến đường BOT phải hạn chế tình trạng chỗ bán vé quá nhỏ, đường quá hẹp, gây ảnh hưởng đến lưu lượng xe; đồng thời thống nhất kẹt xe bao nhiêu phút thì phải xả trạm... (Còn tiếp)
Theo báo cáo của Ban ATGT tỉnh, hiện nay tổng số xe ô tô Công an tỉnh đang quản lý là 167.790 xe; xe máy là hơn 1,3 triệu xe. Với số lượng xe cá nhân tăng nhanh từng năm, cộng với lưu lượng xe của các địa phương khác qua địa bàn luôn tăng cao đã gây áp lực rất lớn đối với hệ thống hạ tầng giao thông cũng như trật tự an toàn giao thông ở Bình Dương. |
T.PHƯƠNG - N.HẬU