Quang cảnh lễ khai mạc vòng chấm sơ khảo. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)
Ngày 8/4 tại trụ sở Hội Nhà báo Việt Nam, Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia công bố bắt đầu vòng sơ khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XV-năm 2020. Giải sẽ được trao trọng thể vào đúng Ngày báo chí cách mạng Việt Nam 21/6.
Cổ vũ người làm báo cả nước
Giải Báo chí Quốc gia được tổ chức hàng năm trên phạm vi toàn quốc theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ nhằm tôn vinh những tác phẩm báo chí đạt chất lượng cao về tư tưởng chính trị văn hóa, có nội dung và hình thức thể hiện hấp dẫn, đạt hiệu quả xã hội cao, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.
Giải báo chí quốc gia được xem xét trao cho các phẩm báo chí xuất sắc của công dân Việt Nam bao gồm các nhà báo chuyên và không chuyên, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam hoặc không phải là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, đã đăng phát trên các phương tiện thông tin đại chúng được cơ quan quản lý nhà nước cấp phép từ ngày 1/1/2020 đến ngày 31/12/2020, bao gồm các tác phẩm báo chí đã sử dụng trên báo, tạp chí, phát trên đài phát thanh, đài truyền hình, báo điện tử, phim tài liệu, thời sự và ảnh báo chí.
Ông Trần Bá Dung, Trưởng Ban thư ký tổng hợp giải cho biết giải thưởng này cũng góp phần động viên, cổ vũ phong trào thi đua, lao động sáng tạo của đội ngũ những người làm báo trong cả nước, phát hiện bồi dưỡng những tài năng báo chí trong xã hội.
Năm nay số lượng bài gửi về dự giải cao nhất trong nhiều năm. Tổng cộng có 114 đơn vị tham dự đạt 1.931 tác phẩm, trong đó có 1.823 tác phẩm đủ điều kiện dự giải. Năm 2019 có 1.602 tác phẩm.
“Theo đánh giá sơ bộ của Ban thư ký tổng hợp giải và Ban nghiệp vụ, công tác tổ chức thực hiện giải của các địa phương, các cấp hội được triển khai nề nếp, quy củ, có sức thu hút hội viên,” ông Trần Bá Dung cho biết.
Cơ cấu Giải báo chí Quốc gia lần thứ XV gồm có 11 nhóm giải và giải đặc biệt, giải phụ do Hội đồng Giải xem xét, quyết định.
Cụ thể, ở nội dung Báo in có 3 nhóm giải gồm: Giải tin, bài phản ánh, phỏng vấn; Giải xã luận, bình luận, chuyên luận; Giải phóng sự, phóng sự điều tra, ký báo, ghi chép.
Nội dung Báo phát thanh, có 2 nhóm giải: Giải tin, bài phản ánh, phỏng vấn, bình luận, chuyên luận, tọa đàm, chuyên đề phát thanh tổng hợp; Giải phóng sự, phóng sự điều tra, bút ký.
Nội dung Báo hình (truyền hình), có 3 nhóm giải: Giải tin, phóng sự, ký sự; Giải bình luận, giao lưu, tọa đàm; Giải phim tài liệu truyền hình.
Nội dung Báo điện tử có 2 nhóm giải: Giải tin, bải phản ánh, phỏng vấn, bình luận, tọa đàm, giao lưu trực tuyến; Giải phóng sự, phóng sự điều tra, ký báo chí, ghi chép.
Nội dung giải Ảnh báo chí có 1 nhóm giải: Giải ảnh đơn, phóng sự, ảnh, nhóm ảnh.
Về tiêu chuẩn xét chọn, ông Mai Đức Lộc, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Sơ khảo Giải Báo chí Quốc gia năm 2020 cho biết các tác phẩm cần bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước, của ngành, của địa phương, phản ánh kịp thời và sâu sắc tình hình thực tế, có tính phát hiện, phục vụ thiết thực sự nghiệp đổi mới, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; phản ánh trung thực đời sống chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước, việc triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XII, tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng và Nhà nước trong năm 2020 với nhiều sự kiện chính trị lớn của đất nước.
“Hội đồng khuyến khích các tác phẩm báo chí về các điển hình tiên tiến, nhân tố mới, nhất là những nỗ lực trong phòng, chống thiên tai, lũ lụt, đại dịch COVID-19; phê phán, chống các hành vi tiêu cực, tham nhũng, những quan điểm sai trái, phản động của các thế lực thù địch; thông tin chính xác và kịp thời những sự kiện quốc tế quan trọng,” ông Mai Đức Lộc cho biết.
Ông nói thêm rằng các tác phẩm cần đề cập những vấn đề Đảng, Nhà nước, nhân dân quan tâm, có tính định hướng dư luận cao, thuyết phục, có tác động tích cực đến đối sống xã hội; biểu dương điển hình tiên tiến, nhân tố mới, có phát huy hiệu quả trong thực tế. Các tác giả cần đưa thông tin chính xác, trung thực, khách quan, nêu được vấn đề mới, có tính phát hiện.
Hội đồng gồm các nhà báo uy tín
Phát biểu tại buổi khai mạc, ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Giải báo chí Quốc gia, cho biết, Hội đồng Sơ khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XV được thành lập gồm 69 thành viên là các nhà báo uy tín, chuyên môn cao, chia thành từng nhóm giải với 11 nhóm thể loại.
Đáng chú ý, Hội đồng Sơ khảo không chỉ có các đồng chí tại các cơ quan báo chí mà còn có sự tham gia chấm giải của một số nhà báo có kinh nghiệm.
Ông Hồ Quang Lợi đề nghị các thành viên Hội đồng Sơ khảo làm việc với tinh thần khách quan, công tâm, minh bạch để chọn được các tác phẩm xuất sắc nhất vào chung khảo.
Bên cạnh đó, hội đồng cũng cần chú ý các tác phẩm ở các thể loại nêu bật được thành tựu của đất nước, phát hiện được những tấm gương điển hình tiên tiến, các tác phẩm thể hiện được tinh thần đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí….
"Giải Báo chí Quốc gia là giải thưởng quan trọng, giải nghề cao quý nhất của lĩnh vực báo chí. Với mong muốn có thời gian dài hơn để chấm kỹ, chấm sâu nên Ban tổ chức đã dành cho Hội đồng Sơ khảo thời gian một tháng," ông Lợi nói./.
Theo TTXVN