Giải Cánh diều 2010: Chưa có phim xuất sắc

Cập nhật: 07-03-2011 | 00:00:00

Từ ngày 4-6.3, Ban giám khảo phim truyện nhựa và Ban giám khảo báo chí - phê bình điện ảnh đã xem 11 phim truyện nhựa dự thi. Đây là cơ hội tốt để có thể nhìn lại toàn diện mặt bằng phim truyện nhựa VN sản xuất trong năm qua.

Ngày xem liên tục 4 phim, riêng ngày 4.3 xem tới 5 phim và có phim dài 12 cuốn, tính ra ngày cao điểm là gần 10 giờ xem phim. Với các đạo diễn trẻ như Bùi Tuấn Dũng thì hẳn không hề gì, nhưng với các nghệ sĩ có tuổi như hoạ sĩ thiết kế, NSND Phạm Quang Vĩnh, nhạc sĩ Phó Đức Phương... thì cũng hơi oải.

Trước hết, việc loại bỏ phim “Giao lộ định mệnh” là quyết định đúng đắn của Ban tổ chức. Còn lại 10 phim, thấy rõ sự phân chia rõ 2 dòng: Chính luận - chiếm 7 phim và giải trí có 3 phim. Ở dòng giải trí 3 phim mang phong cách thể hiện khác nhau: Thần thoại xen tình cảm hài: “Thiên sứ... 99”; tâm lý xã hội pha hài: “Cô dâu đại chiến”; phim đề tài hiphop: “Vũ điệu đam mê”. Dòng phim giải trí, cho dù là có phim doanh thu cao trong mùa phim tết 2011, vẫn lặp lại “công thức”: Hotboy + hotgirl + kỹ xảo bắt mắt, dành cho giới trẻ, nhưng chưa gây được ấn tượng và xúc cảm mạnh mẽ...

Một cảnh trong phim “Khát vọng Thăng Long”. Một cảnh trong phim “Khát vọng Thăng Long”.

Trong dòng phim chính luận, có 3 phim được cho là nổi trội hơn. “Long Thành cầm giả ca”, “Khát vọng Thăng Long” và “Cánh đồng bất tận” đều có sự sáng tạo nghệ thuật riêng trong cách xây dựng hình tượng nhân vật, gây hiệu quả cho người xem. Nhưng có phim, nhiều trường đoạn vẫn bị rơi vào sự minh hoạ tác phẩm văn học một cách “đứt đoạn”, chưa vượt thoát khỏi cái bóng của tác phẩm văn học và nữ diễn viên chính đóng rất dở. Có phim lại quá tham lam chi tiết sự kiện lịch sử kinh thành Thăng Long thời biến loạn, làm phim lan man và chưa đẩy được tính cách nhân vật cô đào hát lên ở những đoạn “cốt tử”. Có phim làm phóng khoáng, hấp dẫn, nhưng nội dung phim chưa chuyển tải được tên phim và nhân vật phản diện át nhân vật chính, chưa kể vai trò định đô của Lý Công Uẩn chưa rõ... Phim lịch sử “Tây Sơn hào kiệt” thì “hoành tráng” với các đại cảnh ngựa, voi chiến, chiến trận..., nhưng chỉ như một sự “nâng cấp” của sân khấu cải lương với rất nhiều “sạn” gây cảm giác giả tạo.

Phim về đô thị hoá “Hoa đào” như một phim truyện video được “chuyển” thành phim nhựa với sự cẩu thả của đạo diễn dùng hoa giả tạo cảnh, làm khán giả tiếc nếu kịch bản đó rơi vào tay đạo diễn khác...

Có 2 phim về lãnh tụ Hồ Chí Minh, một phim nói về thời thanh niên của Bác: “Nhìn ra biển cả”, một phim nói về hành trình bôn ba hải ngoại tìm đường cứu nước của Người: “Vượt qua bến Thượng Hải”. Cho dù cả hai phim đều có những hư cấu, sáng tạo trong kịch bản về nhân vật, sự kiện... nhưng việc xây dựng nhân vật còn giản đơn, chưa thể hiện rõ nét tính cách tinh anh, thần thái nội lực trong một con người sau này trở thành lãnh tụ. Phim “Nhìn ra biển cả” hơi nhạt, nhiều góc quay đặc tả không ấn tượng, ngôn ngữ vùng miền bị sai lạc và diễn viên Minh Đức đóng vai Hồ Chí Minh quá trẻ, không toát ra sức mạnh nội tâm tiềm tàng của nhân vật. Trong phim “Vượt qua bến Thượng Hải”, dù có sáng tạo thêm vài nhân vật xung quanh để cuộc đời của Người “đời” hơn, hấp dẫn hơn, nhưng diễn viên vào vai cũng đóng quá cứng, yếu về mặt biểu cảm, chưa kể nhiều tình tiết thoát hiểm quá dễ dàng, hay việc cảm hoá tay sát thủ chưa thuyết phục...

Làm phim lịch sử là một khó khăn, làm phim về nhân vật lịch sử mà ai cũng biết, lại có nhiều tư liệu văn bản về thân thế sự nghiệp của nhân vật là một áp lực với nhà làm phim. Làm phim về Hồ Chí Minh lại phải nhân lên gấp nhiều lần những áp lực và khó khăn, nhưng có lẽ cũng nên có một giải pháp mở đối với các loại phim lãnh tụ, không chỉ là mở rộng tuyến nhân vật phụ cho hấp dẫn, xây dựng hình ảnh nhân vật “đời” hơn, gần gũi hơn, mà có lẽ cũng nên xem lại cách xử lý khai thác tư liệu để “trích” ra những phần “kịch tính” cao... So sánh là một sự khiên cưỡng, nhưng cứ nhìn vào phim vừa đoạt giải Oscar 2011 “The King’s Speech”- Bài diễn văn của đức vua, một phim lịch sử “người thật việc thật” và rất gần với thời hiện tại, có thể là một cách để các nhà làm phim lịch sử VN học hỏi.

Được biết, phim đoạt giải CDV phải đạt từ 9,1-10 điểm; CDB phải đạt từ 8,1- 9 điểm và phim đoạt bằng khen phải đạt từ 7,1- 8 điểm.

Theo Lao Động

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên