“Giải cứu” giá heo hơi - Kỳ 2

Cập nhật: 27-04-2017 | 23:25:34

Kỳ 2: Cần biện pháp lâu dài

Tại hội nghị về giải cứu thịt heo diễn ra mới đây, nhiều doanh nghiệp (DN) kiến nghị tạm dừng nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt trong bối cảnh ngành chăn nuôi heo trong nước đang gặp khủng hoảng do cung vượt quá cầu. Qua đó nhằm giải quyết một phần lượng heo đang tồn rất lớn trong dân. Nhưng theo đánh giá của các chuyên gia, đây chỉ là giải pháp tình thế.

Theo các chuyên gia, trước tình trạng giá heo hơi giảm thấp như hiện nay, cần tái cơ cấu lại ngành chăn nuôi cho hiệu quả. Trong ảnh: Một quầy kinh doanh thịt heo tại chợ Đình (TP.Thủ Dầu Một). Ảnh: QUỲNH NHIÊN

Bán đổ, bán tháo do nhiễu thông tin?!

Ông Phạm Đức Bình (Đồng Nai), người được coi là “vua nuôi heo” trong nước chia sẻ, giá heo hơi hiện nay giảm sâu chưa phải là điều tồi tệ, chưa đến nỗi làm các trang trại chăn nuôi lớn phá sản. Nhưng để cứu giá heo hơi trong bối cảnh hiện tại là việc chưa thể thực hiện được, bởi theo quy luật giá cả thị trường, giá thịt heo đi theo đồ thị hình sin, xuống chạm đáy thì mới có thể bật lên được. Theo ông Bình, sự thiệt hại chủ yếu thuộc về các hộ chăn nuôi heo nhỏ lẻ, manh mún, không có chiến lược, quản trị dài hơi.

Hiện nay, Việt Nam có trên 27 triệu con heo, đứng đầu các nước Đông Nam Á; sản lượng thịt heo xếp thứ 6 thế giới. Theo các chuyên gia, nếu nước ta hình thành được vùng chăn nuôi an toàn, bảo đảm tiêu chí: chăn nuôi sạch, con giống tốt, giết mổ hiện đại thì có thể giảm giá bán từ 10 - 15% so với hiện tại. Có như thế, ngành chăn nuôi trong nước mới đủ sức cạnh tranh tại thị trường ASEAN.

Một số chuyên gia cho rằng, tình trạng bán đổ, bán tháo heo hơi hiện nay là do người chăn nuôi bị nhiễu loạn thông tin. Mỗi nơi, các tiểu thương đưa mỗi giá khác nhau làm cho người chăn nuôi càng e ngại, nhanh chóng thanh lý đàn heo của mình… Chính điều này càng làm cho giá heo hơi giảm sâu.

Ông Trần Phú Cường, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh cho biết, thịt heo là mặt hàng không nằm trong danh mục quản lý giá của Nhà nước. Việc mua bán tự người mua và người bán thỏa thuận với nhau, thông qua cung - cầu để quyết định giá. Nếu cung ít mà cầu nhiều thì giá cao và ngược lại, nếu cung nhiều cầu ít thì giá thấp. Ngay sau khi nắm được thông tin giá heo hơi giảm đột ngột, chi cục đã cử các đoàn công tác về các địa phương kiểm tra tình hình chăn nuôi và công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn heo; đồng thời tập trung tuyên truyền, vận động các hộ chọn lọc những con giống tốt để chăn nuôi, cố gắng giữ quy mô, mật độ đàn phù hợp. Chi cục cũng khuyến cáo người nuôi hạn chế hoặc không nuôi heo quy mô nhỏ vì sản phẩm sẽ khó cạnh tranh trên thị trường đang yêu cầu ngày càng cao về chất lượng, an toàn thực phẩm; cùng với đó thường xuyên theo dõi thông tin thị trường để điều chỉnh kế hoạch sản xuất, nhất là chăn nuôi trang trại quy mô lớn.

Tại hội nghị giải cứu thịt heo vừa được tổ chức mới đây, các DN đã đề xuất tạm ngừng nhập khẩu thịt heo nhằm bảo vệ ngành chăn nuôi trong nước. Nhưng theo nhiều chuyên gia, đây không phải biện pháp hay, bởi nếu thực hiện chúng ta sẽ bị “trả đũa” cấm xuất các mặt hàng khác sang nước bạn. Chưa kể nền kinh tế nước ta đang hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu, tiến tới việc mở cửa cho hàng hóa tự do lưu thông.

Giảm đàn, tăng chất lượng

Ở Bình Dương, số hộ chăn nuôi heo nhỏ lẻ chiếm tới 20%; đa số chăn nuôi tự phát, ít đầu tư hệ thống chuồng trại, xử lý môi trường, chưa kể đến thói quen dùng chất cấm trong chăn nuôi của nhiều hộ nuôi đã làm ảnh hưởng đến chất lượng thịt heo. Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, bộ sẽ tiếp tục thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành chăn nuôi, hướng đến xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu sang các nước trong ASEAN. Vấn đề cốt lõi vẫn là phải giảm giá thành, nâng cao chất lượng thịt, bảo đảm các tiêu chuẩn chất lượng bằng những sản phẩm sạch và an toàn. Từ đó đáp ứng yêu cầu của các thị trường, đủ sức cạnh tranh với sản phẩm thịt từ nước ngoài. Đây chính là con đường sống còn của ngành chăn nuôi heo nước ta hiện nay. Đáng tiếc là đến nay khâu tổ chức thị trường từ trong nước đến xuất khẩu của nước ta còn rất kém. Đơn cử, đến nay Việt Nam chỉ mới xuất khẩu được một ít heo sữa theo đường chính ngạch sang một số thị trường như Singapore, Hong Kong.

Thứ trưởng Vũ Văn Tám thừa nhận, giá thịt heo ở nước ta đã chạm đáy, rẻ nhất thế giới nhưng vẫn ế hàng, song chúng ta chưa thể xuất khẩu thịt heo qua Trung Quốc bằng con đường chính ngạch. Mặt khác, chúng ta có nhiều thị trường lớn ở châu Á, ASEAN, do vậy trong thời gian tới sẽ có cách tiếp cận đối với những thị trường tiềm năng, đồng thời tiếp tục mở rộng thị trường khác.

Xung quanh vấn đề thịt heo của Việt Nam gia nhập thị trường ASEAN, ông Bình cho rằng điều này đang gặp nhiều khó khăn. Bởi để thịt heo đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, ngành chăn nuôi trong nước phải được Tổ chức Thú y thế giới công nhận là vùng an toàn đối với các loại bệnh lở mồm long móng, dịch tả, tai xanh… Điều quan trọng là chúng ta cần chấn chỉnh ngay tình hình chăn nuôi trong nước, giảm dần số lượng đàn heo và tăng chất lượng cho thịt. Từ nay đến năm 2018, thịt heo sẽ được áp dụng thuế nhập khẩu là 5% trong thị trường ASEAN; sau mốc thời gian trên thuế nhập khẩu sẽ giảm về 0%. Nếu không có giải pháp kịp thời, hiệu quả ngay từ bây giờ, đến lúc đó giá thịt heo của nước ta sẽ còn cao hơn so với các nước trong khu vực.

Trước tình trạng giá heo hơi giảm thấp như hiện nay, theo ông Bình, ngành chăn nuôi heo tại Bình Dương nói riêng và cả nước nói chung cần xem đây là dịp để tái cơ cấu lại ngành chăn nuôi, hướng người tiêu dùng sử dụng thịt heo bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngành chế biến thực phẩm liên quan tới thịt heo cũng cần đa dạng sản phẩm: thịt hộp, thịt xông khói, xúc xích… để phát triển ngang tầm quy mô số lượng đàn heo hiện có trong cả nước.

Để giải quyết những khó khăn hiện nay đối với ngành chăn nuôi heo, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương cần rà soát điều chỉnh, hạn chế mở mới các cơ sở chế biến thức ăn chăn nuôi công nghiệp. Hiện công suất các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi công nghiệp có đăng ký kinh doanh trong cả nước đã đạt trên 31 triệu tấn, vượt xa so với dự kiến kế hoạch định hướng đến năm 2020 là 25 triệu tấn.

Bên cạnh đó, các địa phương cần giảm quy mô đàn heo, nhất là đàn heo nái; điều chỉnh lại cơ cấu chất lượng đàn giống và phương thức chăn nuôi phù hợp với từng phân khúc thị trường. Trong đó, cần gia tăng phương thức chăn nuôi hữu cơ, vốn là thế mạnh của khu vực chăn nuôi nông hộ và là đặc trưng của ngành chăn nuôi nước ta. Đồng thời, các địa phương phải tổ chức lại sản xuất chăn nuôi theo các chuỗi liên kết, trong đó phát huy tối đa vai trò của doanh nghiệp, hiệp hội và hợp tác xã nhằm kiểm soát tốt hơn về chất lượng, an toàn thực phẩm và điều tiết cung cầu thị trường các sản phẩm chăn nuôi.

Q.NHIÊN - P.HIẾU

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=624
Quay lên trên