Giải pháp đào tạo trực tuyến E-Learning: Dạy từ xa, học tại nhà

Cập nhật: 13-08-2020 | 08:04:53

 Nhằm tìm ra giải pháp hỗ trợ các trường trong việc ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông vào công tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ Đề án Thành phố thông minh Bình Dương, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội vừa phối hợp với Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam chi nhánh Bình Dương (VNPT Bình Dương) tổ chức hội thảo giải pháp đào tạo trực tuyến E-Learning.

 Các đại biểu tham gia ý kiến thảo luận tại hội thảo

 Cùng với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, đào tạo theo phương thức E-Learning đang dần trở thành một phương thức đào tạo quan trọng trong hệ thống giáo dục của hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Phương thức đào tạo này được ưa chuộng bởi tính linh hoạt và tiện dụng về thời gian và địa điểm học tập, đồng thời có thể kiểm soát được quá trình giảng dạy và học tập của cả giáo viên và người học. Đào tạo E-learning giúp giải quyết nhiều vấn đề khó khăn khi người học có nhu cầu học mọi lúc mọi nơi và chủ động trong việc tiếp nhận kiến thức.

Tại hội thảo, VNPT Bình Dương đã giới thiệu 3 giải pháp phần mềm ứng dụng đa dạng các công nghệ 4.0 áp dụng cho các trường. Trong đó, nổi bật là hệ thống học và thi trực tuyến VNPT E-Learning được xây dựng nhằm mục đích cung cấp một môi trường học tập hiện đại, toàn diện, hiệu quả cho giáo viên và học sinh.

 “Với sự kỳ vọng về phương pháp học tập linh hoạt và hiện đại này,

hội thảo là diễn đàn cho các đại biểu tham dự cùng nhau trao đổi, chia sẻ các giải pháp để triển khai đào tạo trực tuyến có hiệu quả, tham gia và thảo luận các ý tưởng, sáng kiến nhằm góp phần thúc đẩy sự phát triển của giáo dục nghề nghiệp trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0”.

(Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội)

Thầy Nguyễn Văn Sung, Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng Nghề Việt Nam - Singapore cho biết, thời gian qua, trường cũng đang sử dụng một số giải pháp phần mềm của VNPT Bình Dương. Đối với giải pháp đào tạo trực tuyến E-learning, thầy Sung nêu ra một số khó khăn khi triển khai thực hiện như: Việc xây dựng nguồn học liệu, kỹ năng biên tập video, bài giảng trực tuyến của giáo viên… bên cạnh đó, đối tượng học sinh tốt nghiệp THCS đi học trung cấp còn nhỏ, nhiều em chưa được trang bị các thiết bị như máy tính, smartphone dẫn đến khó khăn trong việc truy cập vào hệ thống học trực tuyến.

Theo bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Phó Giám đốc kinh doanh VNPT Bình Dương, với chiến lược phát triển phù hợp với xu thế toàn cầu hóa và sự phát triển không ngừng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, VNPT đã và đang từng bước chuyển đổi từ nhà cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống sang nhà cung cấp dịch vụ số (DSP) trở thành một tập đoàn kinh tế năng động. Trong đó hệ sinh thái giáo dục của VNPT chiếm thị phần lớn nhất Việt Nam là giải pháp tổng thể cho công cuộc chuyển đổi số ngành giáo dục, đa dạng giải pháp cho nhà quản lý, giáo viên, phụ huynh và học sinh.

Ghi nhận các ý kiến thảo luận và góp ý của đại biểu tham dự hội thảo, các cán bộ chuyên môn của VNPT Bình Dương đã giải đáp và cung cấp thông tin một số vấn đề về kỹ thuật, đồng thời cam kết sẽ cho các trường có nhu cầu trải nghiệm miễn phí giải pháp VNPT E-Learning trong năm 2020 và sẽ có kế hoạch tập huấn, hướng dẫn sử dụng trước khi triển khai hệ thống và bàn giao cho các đơn vị có nhu cầu sử dụng.

 TƯỜNG VY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=520
Quay lên trên
X