(BDO) Từ công văn của Sở Y tế tỉnh Bình Dương đề nghị các đơn vị y tế trên toàn quốc không tiếp nhận hợp đồng, tuyển dụng đào tạo 6 bác sĩ vi phạm cam kết đào tạo viên chức với tỉnh cho thấy một thực tế đáng báo động đội ngũ nhân viên y tế ở khu vực công nghỉ việc chuyển sang y tế tư nhân để làm việc. Nhất là đối với những bác sĩ, chuyên viên, kỹ thuật viên, điều dưỡng viên có kinh nghiệm, thuộc trụ cột của các đơn vị y tế trong tỉnh.
Nguyên nhân được chuyên gia y tế xác định là vì y tế công lập vướng cơ chế chính sách không thể giữ chân được người giỏi. Thực tế cho thấy, thu nhập của đội ngũ y, bác sĩ trong y tế công lập còn thấp; y, bác sĩ không có kinh nghiệm trong đầu tư mua sắm; môi trường làm việc áp lực trong khi lương, trợ cấp không bảo đảm đời sống. Trong khi y tế tư nhân, các y, bác sĩ chỉ làm công tác chuyên môn được đào tạo, còn y tế công họ phải kiêm nhiệm thêm quá nhiều công tác ngoài chuyên môn.
Sau vụ án đấu thầu, mua sắm kit test xét nghiệm Covid-19 Việt Á, một số cán bộ ngành y tế có liên quan bị xử lý kỷ luật, vướng vào vòng lao lý đã ảnh hưởng lớn đến tâm lý của cán bộ, công chức, viên chức ngành y tế. Hầu hết đều e ngại khi tham gia vào công tác đấu thầu.
Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh tham gia một ca mổ cho bệnh nhân
Theo Bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương: Để đào tạo 1 nhân viên y tế lành nghề phải từ 10 năm trở lên, đây là nguồn lực rất quan trọng để ổn định hoạt động và xây dựng thương hiệu của đơn vị y tế. Tuy nhiên, ngành y tế tỉnh vừa đào tạo được thì y, bác sĩ đã bỏ ra đi, đơn phương chấm dứt hợp đồng, mặc dù các y, bác sĩ được đào tạo theo địa chỉ sử dụng của tỉnh và chưa hết thời gian làm việc theo cam kết đào tạo. Văn bản Sở Y tế vừa phát hành nhằm khuyến nghị đến các đơn vị y tế trên toàn quốc lưu ý khi tiếp nhận hợp đồng, tuyển dụng 6 bác sĩ vi phạm cam kết đào tạo viên chức với tỉnh. Các bác sĩ này không được tự ý bỏ việc để đến các cơ sở y tế khác làm việc khi chưa thực hiện nghĩa vụ đền bù tất cả các khoản hỗ trợ lại cho người dân Bình Dương đã hỗ trợ mình trong suốt 6 năm học bác sĩ
Ngành y tế mong muốn rằng tất cả các nhân viên y tế được hưởng chế độ đào tạo và thu hút từ nguồn ngân sách phải có trách nhiệm với người dân, với người bệnh và với địa phương. Quan điểm của ngành luôn hỗ trợ và tạo mọi điều kiện tốt nhất để phát triển và giữ chân nhân viên y tế.
“Trong khi chờ đợi chính sách của Trung ương về cải cách tiền lương để cải thiện thu nhập cho nhân viên y tế, giữ chân nhân viên y tế, Sở Nội vụ đang lấy ý kiến trình UBND tỉnh, HĐND tỉnh sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các chính sách thu hút, hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức ngành y tế tại Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐND, Quyết định số 33/2012/QĐ-UBND. Ngoài hỗ trợ bác sĩ, Bình Dương đang xem xét mở rộng đối tượng của Nghị quyết 05, đãi ngộ cho những lực lượng khác. Bên cạnh đó, khi Bệnh viện Đa khoa 1.500 giường đưa vào hoạt động với cơ sở trang thiết bị hiện đại và làm được nhiều kỹ thuật chuyên sâu sẽ là động lực cho y, bác sĩ về đây phát triển tay nghề”, bác sĩ Chín cho biết thêm.
Được biết, theo Nghị quyết số 05/2019 của HĐND tỉnh, bác sĩ về tỉnh được hỗ trợ một lần từ hơn 400 triệu đồng đến 600 triệu đồng ngay khi được tuyển dụng viên chức. Cụ thể: Tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp II, bác sĩ nội trú là 600 triệu đồng; thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp I là 500 triệu đồng; bác sĩ đa khoa, bác sĩ răng hàm mặt tốt nghiệp loại giỏi trở lên là 450 triệu đồng, tốt nghiệp loại khá là 420 triệu đồng và tốt nghiệp loại trung bình khá, trung bình là 400 triệu đồng.
Ngoài ra, những người thuộc diện này còn được hưởng thêm tiền hỗ trợ thuê nhà ở, hỗ trợ hàng tháng từ 2 - 3,5 lần mức lương cơ sở và các hỗ trợ khác.
Kim Hà