Trên địa bàn tỉnh hiện có 8 cụm công nghiệp (CCN) với tổng diện tích quy hoạch được phê duyệt là 578,5 ha, phân bố trên địa bàn 4 huyện, thị là Dầu Tiếng, Tân Uyên, Thuận An và Dĩ An. Trong thời gian qua, các CCN này đã góp phần thu hút đầu tư, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân mà các CCN này vẫn còn một số tồn tại cần khắc phục…
Một góc CCN Tân Đông Hiệp với cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh. Hiện CCN này đã lấp đầy 100% diện tích
Thành tựu bước đầu
Toàn tỉnh hiện có 8 CCN, trong đó TX.Thuận An có 2 CCN là Bình Chuẩn (67,5 ha) và An Thạnh (46,1 ha); TX.Dĩ An có CCN Tân Đông Hiệp (57,9 ha); Dầu Tiếng có CCN Thanh An (49,5 ha) và Tân Uyên có 4 CCN là Công ty Cổ phần Thành phố Đẹp (26,2 ha), Tân Mỹ (88,8 ha), Uyên Hưng (122,2 ha) và Phú Chánh (119,9 ha).
Các CCN sau khi có chủ trương chấp thuận của tỉnh đều triển khai thực hiện theo đúng trình tự thủ tục quy định. Quy hoạch chi tiết của CCN được xây dựng và phê duyệt theo quy chuẩn KCN. Tất cả các CCN đều có bố trí đất tái định cư cho các hộ dân trong vùng quy hoạch. Chủ đầu tư các CCN đã có nhiều cố gắng trong công tác giải tỏa đền bù (GTĐB). Nhờ vậy đến nay, diện tích đền bù đã thực hiện đạt 546/578,5 ha, đạt tỷ lệ 93,8%. Tùy theo thực tế đền bù, các chủ đầu tư cũng kịp thời xin điều chỉnh diện tích, quy hoạch chi tiết xây dựng hạ tầng phù hợp. Theo đó, diện tích đất cho thuê đạt 161,9/424,9 ha diện tích đất dành để xây dựng công nghiệp, tỷ lệ lấp đầy đạt 38,1%. Đặc biệt, có 4 CCN đã lấp đầy 100% là Bình Chuẩn, An Thạnh, Tân Đông Hiệp và CCN Công ty Cổ phần Thành phố Đẹp. Các CCN trong tỉnh cũng đã thu hút được 41 dự án, trong đó có 8 dự án vốn đầu tư trong nước và 33 dự án vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư 420 tỷ đồng và 185 triệu USD. Hiện đã có 37 dự án đi vào hoạt động, 4 dự án đang trong quá trình xây dựng nhà xưởng. Ngành nghề của các dự án đầu tư vào CCN khá phong phú, bao gồm: Điện, điện tử, cơ khí, hóa chất, may mặc, giày da, chế biến gỗ, vật liệu xây dựng, gốm sứ…
Mặc dù chủ đầu tư các CCN đã có nhiều nỗ lực, tuy nhiên việc triển khai xây dựng các CCN trên địa bàn tỉnh vẫn gặp không ít khó khăn, đặc biệt là đối với công tác GTĐB. Do thiếu sự hợp tác từ một số hộ dân trong vùng quy hoạch nên một số CCN vẫn còn diện tích chưa GTĐB. Vì vậy, một số CCN như Tân Mỹ, Uyên Hưng, Phú Chánh… đều phải điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng theo diện tích đền bù thực tế, làm mất thời gian và chậm tiến độ xây dựng. Công tác tiếp thị, thu hút dự án vào một số CCN cũng rất hạn chế. Tính đến thời điểm này, ngoại trừ 3 CCN Bình Chuẩn, An Thạnh, Tân Đông Hiệp do Công ty Becamex làm chủ đầu tư và 1 CCN do Công ty Cổ phần Thành phố Đẹp làm chủ đầu tư đã lấp đầy diện tích, 4 CCN còn lại là Tân Mỹ, Uyên Hưng, Phú Chánh, Thanh An đều rất khó khăn trong thu hút đầu tư. Hiện tại, CCN Tân Mỹ chỉ mới thu hút được 1 dự án đầu tư; 3 CCN Uyên Hưng, Phú Chánh, Thanh An chưa thu hút được dự án nào.
Giải pháp để phát triển
Ông Trần Văn Rạng, Phó Giám đốc Sở Công Thương, cho biết là cơ quan đầu mối tham mưu giúp UBND tỉnh quản lý Nhà nước đối với các CCN, thời gian qua Sở Công Thương đã tích cực nắm tình hình, kịp thời hướng dẫn các chủ đầu tư CCN triển khai thực hiện dự án đúng trình tự, thủ tục quy định; chủ động phối hợp cùng các sở, ngành và chính quyền địa phương các cấp tháo gỡ khó khăn hoặc kiến nghị UBND tỉnh tháo gỡ khó khăn để các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn 2 CCN gặp khó khăn trong công tác GTĐB là Uyên Hưng và Phú Chánh. CCN Uyên Hưng hiện còn 12 hộ với diện tích 31,4 ha chưa nhận tiền bồi thường, trong đó có 6 hộ chưa đồng ý kiểm kê. Mặc dù chủ đầu tư đã thực hiện một số chính sách hỗ trợ ngoài phương án đền bù đã được phê duyệt, nhưng vẫn chưa có hộ nào đồng ý. CCN Phú Chánh còn 5 hộ với 4,1 ha, trong đó có 2 hộ với diện tích 3,42 ha đã có quyết định cưỡng chế thu hồi đất của UBND huyện Tân Uyên từ năm 2011 nhưng vẫn chưa chấp thuận di dời. “Chúng tôi đang đề nghị chủ đầu tư 2 CCN nói trên tích cực, chủ động phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện hoàn tất công tác GTĐB. Riêng đối với CCN Phú Chánh cần lập thủ tục điều chỉnh quy hoạch đường dẫn vào CCN từ đường ĐT742 làm cơ sở pháp lý để thực hiện công tác đền bù. Chúng tôi cũng tích cực kêu gọi các chủ đầu tư CCN cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng kỹ thuật, xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung để tạo thuận lợi cho việc kêu gọi đầu tư”, ông Rạng nói.
Để các CCN trên địa bàn phát triển bền vững, UBND tỉnh cũng đã phê duyệt Quyết định số 1506/QĐ-UBND về dự toán kinh phí lập quy hoạch phát triển CCN đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, bao gồm các chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư xây dựng CCN về đầu tư và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, bảo đảm những yêu cầu về quản lý, xử lý chất thải, nước thải… Cùng với đó là các chính sách khuyến khích thu hút doanh nghiệp vào CCN. Đây là những chính sách đúng đắn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển ổn định, đồng thời bảo đảm môi trường, tạo điều kiện phát triển đô thị theo hướng văn minh, hiện đại.
BẢO ANH