Giải pháp để hạn chế đình, lãn công trái pháp luật: Đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật cho người lao động

Cập nhật: 09-05-2022 | 08:21:40

Để hạn chế các trường hợp đình, lãn công trái pháp luật, giúp người lao động (NLĐ) bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, thời gian qua các cấp, các ngành đã tăng cường và đổi mới hình thức tuyên truyền pháp luật để NLĐ dễ hiểu, dễ tiếp cận.


Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật công đoàn đến các khu nhà trọ tại phường Dĩ An, TP.Dĩ An để tuyên truyền pháp luật

Linh hoạt, đổi mới cách tuyên truyền

Ngày 8-5, Hội Luật gia tỉnh phối hợp Bảo hiểm xã hội TP.Thuận An, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.Thuận An và UBND phường Hưng Định tổ chức buổi tuyên truyền pháp lý, tư vấn pháp luật miễn phí cho thanh niên công nhân, NLĐ đang sinh sống và làm việc tại các công ty trên địa bàn phường Hưng Định.

Tại buổi tuyên truyền, các luật sư, luật gia thuộc Hội Luật gia tỉnh đã tuyên truyền một số nội dung cơ bản về Bộ luật Lao động, qua đó giúp NLĐ hiểu và chấp hành đúng các quy định. Đại diện Bảo hiểm xã hội TP.Thuận An cũng tuyên truyền đến NLĐ những nội dung liên quan đến Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành.

Ngoài tuyên truyền về nội dung cơ bản của 2 văn bản luật nói trên, các luật sư, luật gia còn tư vấn, giải đáp thắc mắc cho thanh niên công nhân, người dân trên địa bàn phường Hưng Định một số vấn đề pháp lý liên quan đến Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Hôn nhân và Gia đình, vấn đề tranh chấp đất đai, quyền thừa kế, bạo lực gia đình… Đây là một trong những hoạt động rất thiết thực được các ban, ngành, cụ thể là Hội Luật gia tỉnh thường xuyên tổ chức nhằm đưa kiến thức pháp luật đến với NLĐ một cách dễ nhớ, dễ hiểu nhất.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh (gọi tắt là trung tâm), cho biết hiện nay một bộ phận công nhân lao động còn lơ là với việc nghe các chương trình tư vấn, tình huống pháp luật từ báo, đài và các phương tiện truyền thông. Vì vậy, khi gặp chuyện liên quan đến pháp luật họ thường chịu thiệt, lúng túng, thậm chí sẵn sàng ký thỏa thuận đồng ý về quyền lợi rồi sau đó tìm đến cơ quan chức năng được tư vấn mới biết mình thiệt.

Để linh hoạt thời gian, đổi mới trong cách tuyên truyền và giúp NLĐ dễ tiếp cận, dễ nhớ, trung tâm đã tổ chức nhiều cuộc tuyên truyền về pháp luật với những nội dung trọng tâm. Thời điểm tuyên truyền là vào buổi tối thứ bảy và chủ nhật hàng tuần, từ 19 giờ - 20 giờ 30 phút. Tính đến tháng 5, trung tâm đã tổ chức tư vấn 2.448 cuộc với 2.448 lượt NLĐ được tư vấn, giải đáp và tuyên truyền pháp luật. Trong đó, tư vấn qua đường dây nóng 1.604 cuộc. Ngoài ra, trung tâm còn tư vấn hàng ngàn trường hợp NLĐ bị công ty chấm dứt hợp đồng trái pháp luật, chậm trả sổ bảo hiểm xã hội nên NLĐ không được hưởng hỗ trợ thất nghiệp; nhiều công ty không giải quyết cho công nhân trở lại làm việc sau khi tạm hoãn hợp đồng trong thời gian dịch bệnh bùng phát…

Đẩy mạnh tuyên truyền trực tuyến

Ông Lê Minh Hoàng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TX.Tân Uyên, cho biết thời gian qua song song với cách tuyên truyền trực tiếp thì LĐLĐ thị xã đã triển khai thành công việc tuyên truyền trực tuyến từ công đoàn cấp trên đến ban chấp hành công đoàn cơ sở thông qua các nhóm Zalo với hàng chục ngàn lượt tương tác. Ngoài ra, LĐLĐ thị xã đã chủ động phối hợp với Công an Khu công nghiệp Nam Tân Uyên tuyên truyền về an ninh trật tự, an toàn giao thông, các phương thức, thủ đoạn của tội phạm cho công nhân tại 15 công ty với 2.050 người tham dự; phát hàng ngàn tờ rơi về phòng, chống tội phạm và cẩm nang phòng cháy chữa cháy đến NLĐ ở các phường Khánh Bình, Thạnh Phước, Hội Nghĩa, Vĩnh Tân.

“Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền và phối hợp với lực lượng công an để tố giác tội phạm, cho vay nặng lãi mà tình trạng “tín dụng đen”, vay tín chấp trong công nhân lao động giảm hẳn. NLĐ đã biết tìm đến địa chỉ tin cậy là Quỹ CEP, nguồn Quỹ “tương thân tương ái” của công đoàn để vay khi cần. Chỉ một bộ phận nhỏ NLĐ không tập trung làm việc, nhảy việc, có ý chiếm dụng khi vay nên đã chuyển trọ, bỏ về quê gây ảnh hưởng đến những bộ phận còn lại. Trước tình thế này, LĐLĐ thị xã đã tuyên truyền đến các công đoàn cơ sở báo cáo đến lực lượng công an được can thiệp, đồng thời tuyên truyền đến công nhân không vay tín chấp, không tiếp tay cho các hành động vi phạm pháp luật”, ông Hoàng cho biết thêm.

Một điểm nhấn trong tuyên truyền trực tuyến là hiện nay LĐLĐ các cấp, các ngành đã chuyển tải thành công các nội dung tư vấn pháp luật bằng hình thức infographic từ công đoàn cấp trên, các khuyến cáo của lực lượng công an về hành vi phạm tội đến hàng chục ngàn NLĐ, từ đó nâng cao sự hiểu biết và cảnh giác của NLĐ. Đây là hình thức tuyên truyền bằng công nghệ thông tin nhằm trang bị kiến thức pháp luật, nâng cao ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật trong đoàn viên, NLĐ và rất cần được phát huy trong thời gian tới.

NLĐ cần trang bị kiến thức pháp luật cho bản thân

Mới đây, một đôi vợ chồng trẻ đến Trung tâm Tư vấn pháp luật công đoàn nhờ tư vấn việc bị công ty cho nghỉ việc mà không báo trước. Qua xác minh với bộ phận nhân sự mới biết họ tự ý nghỉ việc mà không xin phép, trong khi nội quy của công ty quy định nghỉ 3 ngày không phép là bị sa thải. Hai vợ chồng nọ nói họ bị bệnh nên nghỉ một tuần, hết bệnh rồi đi làm lại. Mặc dù đi làm nhưng họ không biết số điện thoại của bộ phận nhân sự hoặc tổ trưởng để xin nghỉ! Đây cũng là thiệt thòi nên cán bộ trung tâm đã tư vấn và hướng dẫn NLĐ khi nghỉ bệnh phải xin phép, có giấy khám bệnh để không vi phạm nội quy công ty đề ra”, ông Dũng kể.

QUỲNH ANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=508
Quay lên trên