Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) hiện đang triển khai đề tài KH&CN cấp tỉnh: “Nghiên cứu giải pháp thúc đẩy thực hiện trách nhiệm xã hội (TNXH) tại các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trên địa bàn tỉnh trong bối cảnh thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA). Đề tài được triển khai nhằm tăng cường thực hiện đầy đủ TNXH tại các DN, HTX, tạo ra sản phẩm nông sản chất lượng cao, đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường châu Âu (EU).
Các DN, HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt trách nhiệm xã hội sẽ tạo ra sản phẩm nông sản chất lượng cao, đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu. Trong ảnh: Trang trại trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ tại xã An Thái, huyện Phú Giáo của Công ty Unifarm
Thúc đẩy xuất khẩu
Tái cấu trúc nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, sạch, cung cấp nông sản an toàn cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu là một chủ trương lớn của tỉnh Bình Dương, được các cơ quan, ban ngành quan tâm, thúc đẩy triển khai. Trong bối cảnh kinh tế hội nhập sâu rộng với khu vực và quốc tế, mở ra nhiều cơ hội về thị trường, nhưng bên cạnh đó cũng có nhiều thách thức đối với xuất khẩu. Những mặt hàng nông sản xuất khẩu phải thực hiện đầy đủ các cam kết, quy định theo chuẩn mực quốc tế về hàng rào kỹ thuật, hệ thống kiểm dịch động thực vật, sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn địa lý, xuất xứ hàng...
Theo ông Nguyễn Mộng Giang, Trưởng phòng Quản lý khoa học, Sở KH&CN, Liên minh châu Âu là một trong những đối tác thương mại chủ yếu của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu năm 2020 đạt 34,94 tỷ đô la Mỹ. Đặc điểm nổi bật trong cơ cấu xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU là tính bổ sung rất lớn, ít mang tính cạnh tranh, đối đầu trực tiếp. Do vậy, việc thực thi EVFTA sẽ là “cú hích” rất lớn cho xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông, lâm, thủy sản vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh của Việt Nam. EU luôn là thị trường có yêu cầu khắt khe về chất lượng và tiêu chuẩn hàng hóa dịch vụ. Cùng với đó yêu cầu về việc thực hiện TNXH được xem là những mục tiêu ưu tiên, nhằm hướng đến sự phát triển bền vững về kinh tế - xã hội và môi trường. Khả năng mở rộng, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản của Bình Dương sang thị trường EU đang có những cơ hội và tiềm năng lớn hơn khi mà Việt Nam và EU đã bắt đầu thực thi Hiệp định EVFTA.
Ông Giang cho biết thêm: “Để tận dụng được cơ hội, các DN, HTX nông nghiệp của Bình Dương phải vượt qua hàng loạt những thách thức đến từ hiệp định cũng như chính những vấn đề nội tại của DN, HTX địa phương. Trong đó có những vấn đề liên quan đến thực hiện TNXH như điều kiện, quan hệ lao động, ô nhiễm môi trường, vi phạm đạo đức kinh doanh, chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm… Chính vì vậy, việc tăng cường thực hiện TNXH ở các DN, HTX nông nghiệp tại Bình Dương nhằm hướng đến phát triển bền vững, thúc đẩy xuất khẩu được đặt ra là một yêu cầu hết sức cấp thiết, cần được nghiên cứu và thực hiện”.
Nâng cao trách nhiệm xã hội
Để đề tài phát huy hiệu quả cao nhất trong thực tiễn, Sở KH&CN sẽ tập trung vào những nội dung chính. Thứ nhất, xây dựng khung phân tích về TNXH đối với các DN, HTX nông nghiệp, với các tiêu chí đánh giá, như: Kinh tế - xã hội, môi trường. Thứ 2, kinh nghiệm quốc tế về triển khai thực hiện TNXH (Liên minh châu Âu) và một số nước trong khu vực có hoạt động xuất khẩu nông sản vào thị trường EU. Từ đó rút ra những điểm tương đồng và khác biệt, làm cơ sở áp dụng cho Bình Dương. Thứ ba, đánh giá thực trạng thực hiện TNXH tại các DN, HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Thứ tư, tư vấn hỗ trợ cho một số DN, HTX nông nghiệp thực hiện TNXH dựa trên kết quả đạt được từ việc khảo sát, đánh giá mức độ nhận thức, tình hình thực hiện. Đề tài sẽ triển khai các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, thông qua tập huấn cho một số DN, HTX dựa trên các tiêu chí phù hợp mà DN, HTX có thể áp dụng phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế địa phương. Bên cạnh đó, bộ sổ tay tiêu chí đánh giá TNHX cũng sẽ được xây dựng làm cơ sở cho các cơ quan quản lý nhà nước đánh giá, giám sát tình hình thực hiện. Thứ năm, khuyến nghị các giải pháp tăng cường thực hiện TNHX đối với các DN, HTX nông nghiệp của tỉnh. Các nhóm giải pháp sẽ tập trung vào các cơ quan quản lý nhà nước ở cấp tỉnh, huyện, dựa trên kết quả phân tích thực tiễn triển khai TNXH, kết quả tư vấn hỗ trợ đối với một số DN, HTX.
Đề tài sẽ đưa ra các giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy để thực hiện có hiệu quả hơn TNXH. Hiệp hội, DN, HTX phải tập trung vào xây dựng chiến lược, tầm nhìn thực hiện, tạo TNHX nhằm nâng cao vị thế cũng như tạo ra được các sản phẩm nông sản chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thị trường, đưa sản phẩm “cập bến” EU.
Ông Nguyễn Mộng Giang, cho biết: “Khi đề tài được hiện thực hóa sẽ là những bài học quý giá cho các cơ quan quản lý và thực thi chính sách, nâng cao năng lực cho các cán bộ liên quan đến việc thực hiện TNHX của các DN, HTX nông nghiệp. Đối với DN, HTX, kết quả nghiên cứu của đề tài cung cấp bộ luận chứng kinh tế kỹ thuật về chính sách, tiêu chí về TNXH, thị trường tiêu thụ sản phẩm, làm cơ sở đầu tư và xây dựng chiến lược, thực hiện đầy đủ TNHX. Đối với các trường học, viện nghiên cứu, là tài liệu tham khảo phục vụ cho công tác giảng dạy và nghiên cứu”.
PHƯƠNG LÊ