Hiện nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm gỗ tại Việt Nam khoảng 2 - 3 tỷ USD/năm, song nhiều doanh nghiệp sản xuất gỗ lớn trong nước vẫn chưa mặn mà với thị trường trong nước.
Phát biểu tại hội nghị “Định hướng, giải pháp phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu” vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Việt Nam phấn đấu là một trong những trung tâm sản xuất đồ gỗ có chất lượng của thế giới từ nguồn gỗ hợp pháp, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Còn nhiều cái khó
Ghi nhận cho thấy, trong 10 năm qua, từ chỗ phải nhập khẩu phần lớn máy móc, thiết bị thì đến nay, ngành công nghiệp chế biến trong nước đã có sự phát triển mạnh mẽ và đã gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, song đối với thị trường trong nước thì các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ dường như chưa mặn mà. Trao đổi với phóng viên Báo Bình Dương về vấn đề này, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gỗ tại Bình Dương - nơi chiếm hơn 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, cho rằng thị trường hơn 90 triệu dân là thị trường lớn và doanh nghiệp gỗ xuất khẩu không phải không biết đến điều đó. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước như chỉ đạo của Thủ tướng là câu chuyện dài mà không phải chỉ mỗi ngành gỗ nỗ lực là có thể thay đổi được cục diện.
Sản xuất đồ gỗ tại Công ty Gỗ Hiệp Long (TX.Thuận An). Ảnh: TIỂU MY
Hiện Việt Nam có trên 93 triệu dân, nhu cầu tiêu thụ gỗ rất lớn. Mỗi năm, nước ta có tới hàng triệu mét vuông nhà mới được xây dựng nên rất cần gỗ để làm cốp pha, giàn giáo, đồ nội thất, tủ bếp, vàn sàn, cửa… Hàng năm, Việt Nam tiêu thụ tới 2 - 3 triệu m3 gỗ, đạt giá trị tại thị trường nội địa từ 2 - 3 tỷ USD. Tại Bình Dương, đã và đang có nhiều doanh nghiệp gỗ nhận được những gói thầu từ các cao ốc lớn như Vincom, CT Group hay một số khách sạn, nhà hàng lớn và bảo đảm chất lượng thi công đúng theo tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, số công trình lớn và đồng bộ lại không nhiều khiến nhiều doanh nghiệp khó khăn khi tiếp cận với thị trường trong nước.
Theo ông Nguyễn Liêm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ Bình Dương (BIFA), Giám đốc Công ty TNHH Lâm Việt, sở dĩ doanh nghiệp gỗ gặp khó với thị trường trong nước, đặc biệt là mảng nội thất như bàn ghế, cửa, tủ... vì nhiều lý do, trong đó có 2 nguyên nhân chính. Trước hết, do người Việt Nam vẫn còn sở thích gỗ tự nhiên nên các doanh nghiệp gỗ xuất khẩu không thể đáp ứng được nhu cầu này (thực tế hiện nay hầu hết doanh nghiệp gỗ xuất khẩu tại Bình Dương sử dụng nguyên liệu rừng trồng, có xuất xứ rõ ràng); cùng với đó do các doanh nghiệp gỗ sản xuất số lượng lớn, đồng bộ kích thước kích cỡ nên khó có thể đáp ứng được nhu cầu của các gia đình vốn ưa chuộng phong thủy khi trang trí nội ngoại thất.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp trong nước hiện nay chưa có đại lý phân phối tại thị trường trong nước, muốn phát triển thị trường này các doanh nghiệp trong nước cần phải tạo các kênh tiêu thụ trong nước. Thực tế cho thấy, muốn phát triển thị trường nội địa, các doanh nghiệp phải tự mang sản phẩm đi giới thiệu, bán hàng nên gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, hiện nay Chính phủ đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp gỗ xuất khẩu được hưởng lợi từ các chính sách như: Thuế nhập khẩu gỗ 0%, sản phẩm gỗ làm ra không chịu thuế, hải quan và thuế vụ ưu đãi... Vì vậy, nhiều doanh nghiệp đã ký được hợp đồng gia công với các công ty nước ngoài lớn, được bao tiêu sản phẩm… Mặc dù vậy, theo ông Liêm, rào cản lớn nhất vẫn nằm trong tư duy người Việt: thích gỗ rừng tự nhiên và theo phong thủy về mặt kích thước.
Cần thay đổi tư duy
Đại diện nhiều doanh nghiệp cho rằng, để tạo ra giá trị lớn cho ngành gỗ trong nước thì phải có tư duy lớn, tư duy hệ thống. Ở góc độ thị trường, các doanh nghiệp cho rằng đã đến lúc người tiêu dùng trong nước cần có sự thay đổi trong tư duy về ý thức sử dụng sản phẩm xanh, thân thiện và không làm ảnh hưởng đến môi trường sống, nhất là sản phẩm gỗ.
Tại hội thảo “Định hướng, giải pháp phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu”, bà Axelle Nicaise, Đại biện lâm thời Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, cũng nhận định hiện đang là thời điểm thú vị cho ngành gỗ Việt Nam, đánh dấu bằng cam kết của Chính phủ và ngành chế biến gỗ Việt Nam khi tham gia cùng Liên minh châu Âu trong cuộc chiến chống khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp. Tại hội thảo về gỗ lần thứ 8 diễn ra vào ngày 15-2 năm nay tổ chức tại Nam Phi, cũng đã chỉ rõ rằng: Chúng ta cần sử dụng nhiều gỗ hơn trong thiết kế và xây dựng; thiết kế kỹ thuật số và gỗ tạo thành một sự kết hợp hết sức sáng tạo, giải quyết một loạt các thách thức về thiết kế và kiến trúc...
Ông Lê Văn Minh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Tường Văn - phụ trách đào tạo của BIFA, cho biết đã đến lúc chúng ta cần thay đổi tư duy tiêu dùng hướng đến bảo vệ môi trường. Doanh nghiệp gỗ, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ nếu chiếm lĩnh được thị trường trong nước thì sẽ bớt đi nỗi lo về rủi ro từ những hợp đồng thị trường nước ngoài; người tiêu dùng trong nước cũng được sử dụng những sản phẩm chất lượng mà không chịu các chi phí về thuế, logistics... Tuy nhiên, điều mà doanh nghiệp đang rất băn khoăn là hiện nay rất nhiều sản phẩm gỗ kém chất lượng lưu hành trên thị trường với giá rất rẻ. Nếu người tiêu dùng không tìm hiểu kỹ sẽ dẫn đến so sánh về mặt giá cả với mặt hàng bảo đảm tiêu chuẩn quốc tế thì một lần nữa các doanh nghiệp gỗ sẽ gặp khó ngay trên sân nhà.
Ông Minh khẳng định, các doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ luôn muốn đưa sản phẩm vào thị trường nội địa nhưng họ gặp nhiều khó khăn vì không tìm được kênh phân phối phù hợp, không thể mở cửa hàng bán lẻ vì chi phí mặt bằng cao, dẫn đến đội giá sản phẩm, làm mất ưu thế cạnh tranh giá. Thêm nữa, lượng đặt hàng từ nhà bán lẻ nội địa ít, không thể đưa vào sản xuất hàng loạt...
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, đã đến lúc cần có đầu mối cho ngành gỗ để doanh nghiệp có thể “đứng hai chân” vừa xuất khẩu vừa phục vụ trong nước. Đối với tỉnh Bình Dương đang có nhiều lợi thế về đất đai, về nhân lực để xây dựng trung tâm triển lãm ngành gỗ cho cả nước. Nếu làm được một trung tâm triển lãm tại đây thì cả khách hàng trong và ngoài nước đều dễ dàng tiếp cận với đồ gỗ chủng loại phong phú hơn, nhiều lựa chọn hơn và được kiểm chứng chất lượng. Theo nhiều chuyên gia, đã đến lúc các doanh nghiệp cần có định hướng rõ ràng để phát triển nghề gỗ bền vững. Nhà nước cũng cần có các cơ chế, chính sách ưu đãi về thuế, đồng thời hỗ trợ xây dựng hệ thống phân phối, đại lý bán hàng. Ngoài ra, các địa phương cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp gỗ liên doanh, liên kết sản xuất, đầu tư máy móc thiết bị, tìm kiếm nguồn nguyên liệu... để mở rộng thị trường nội địa.
Theo các chuyên gia, sản phẩm gỗ có tiềm năng trở thành vật liệu tiên phong, không chỉ trong việc giảm lượng khí thải carbon trong các tòa nhà công cộng và tư nhân mà còn trong việc hấp thụ carbon trong quá trình sản xuất. Với các nước đang phát triển, việc đào tạo cả các đơn vị thương mại và người tiêu dùng để họ có một sự thay đổi chung trong suy nghĩ và nhận thức là chìa khóa để phát triển thị trường để xây dựng các tòa nhà bằng gỗ tại địa phương.
TIỂU MY