Theo kết quả công bố, năm 2020, Chỉ số hiệu quả Quản trị và Hành chính công (PAPI) của tỉnh đạt tổng điểm 40,76/80. Để cải thiện và nâng cao chỉ số này, Bình Dương cần phải làm gì?
Để góp phần nâng cao Chỉ số PAPI, từng cán bộ, công chức phải nâng cao tinh thần trách nhiệm phục vụ nhân dân. Trong ảnh: Cán bộ “một cửa” phường Hòa Phú, TP.Thủ Dầu Một hướng dẫn người dân thực hiện TTHC
PAPI có ý nghĩa quan trọng
Năm 2020, Chỉ số PAPI được đánh giá dựa trên 8 chỉ số nội dung. Theo kết quả công bố, năm 2020 Chỉ số PAPI tỉnh Bình Dương đạt tổng điểm 40,76/80 điểm. So với năm 2019, Chỉ số PAPI của tỉnh có 2 nội dung tăng điểm là trách nhiệm giải trình của người dân, thủ tục hành chính (TTHC) công. Còn lại 6 nội dung đều giảm điểm…
Chỉ số PAPI có những ý nghĩa hết sức quan trọng, không những thu thập thông tin kịp thời về những gì đang diễn ra trong công tác quản trị, hành chính công nói chung mà còn quan tâm tới những gì người dân đang trải nghiệm khi sử dụng dịch vụ của nền hành chính Nhà nước. Với ý nghĩa là hỗ trợ quá trình cải cách về quản trị, hành chính công, cung ứng dịch vụ công, góp phần thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, Chỉ số PAPI không những cung cấp thông tin khách quan về những trải nghiệm, các mối quan hệ của người dân với các cơ quan chính quyền địa phương, hay những vấn đề “dân biết”, mà còn là phương tiện hỗ trợ việc thảo luận, thẩm định đề xuất chính sách ở cấp Trung ương, cấp địa phương nhằm tạo điều kiện để “dân bàn”.
Chỉ số PAPI làm rõ những trải nghiệm thực tế của người dân, để từ đó các cấp chính quyền hành động phục vụ cho người dân và hiện thực hóa phương châm “dân làm”. Chỉ số PAPI còn là công cụ đánh giá hiệu quả thực tế của các cấp chính quyền bằng cách tạo điều kiện cho người dân thực hiện nghĩa vụ “dân kiểm tra”. Theo đó, Chỉ số PAPI đánh giá mức độ hiệu quả của quản trị và hành chính công cấp tỉnh thông qua các trục nội dung: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; TTHC công; cung ứng dịch vụ công; quản trị môi trường; quản trị điện tử.
Hành động ngay
Làm thế nào để những tâm tư, nguyện vọng của người dân phản ánh thực sự được các cấp, các ngành lắng nghe nhằm hoàn thiện các chính sách và hành động trên tinh thần “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”? Làm thế nào để tạo ra một môi trường tương tác thân thiện hơn giữa người dân và bộ máy hành chính Nhà nước? Tỉnh rất quan tâm và đề ra kế hoạch chung nhằm cải thiện Chỉ số PAPI, phát huy sự tham gia của mọi tầng lớp nhân dân vào quá trình xây dựng, thực thi và giám sát việc thực thi chính sách…
Để cải thiện và nâng cao Chỉ số PAPI trong năm 2022, UBND tỉnh đã đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp cùng các sở, ban, ngành, Văn phòng UBND tỉnh, Thanh tra tỉnh, UBND các xã, phường, thị trấn, huyện, thị, thành phố tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình tổng thể CCHC Nhà nước của Chính phủ, gắn với nâng cao nhận thức và quyết tâm trong hành động của các cấp chính quyền, triển khai thực hiện đồng bộ kế hoạch CCHC Nhà nước tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2025 của UBND tỉnh; tiến tới xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, trên cơ sở nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp, đặc biệt là chính quyền cấp cơ sở trong phục vụ nhân dân.
Bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Trưởng ban Pháp chế, HĐND tỉnh nhìn nhận, các biện pháp ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại tại Bình Dương tạo điều kiện mạnh mẽ cho các doanh nghiệp nắm được các TTHC, quy định, chính sách về đất đai, xây dựng, thủ tục đầu tư… Tuy nhiên, các biện pháp này chưa tác động thực sự hiệu quả đến đa số người dân, trong đó có lực lượng người lao động đến từ các tỉnh, thành khác đang sinh sống tại các khu nhà trọ. Do đó, việc phát huy vai trò của các tổ trưởng tổ dân phố, hệ thống loa truyền thanh, tạo kênh kết nối trực tiếp giữa người dân và chính quyền cần được thực hiện nhiều hơn nữa. Trong đó, cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cung cấp kịp thời cho người dân về các quy định của địa phương, về các dự án, kế hoạch, quy hoạch của địa phương để người dân có thể tham gia đóng góp ý kiến một cách thực chất và hiệu quả
Cũng theo bà Nguyễn Thị Thanh Mai, việc củng cố và tăng cường chất lượng của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng để tham gia giám sát các hoạt động của các cơ quan Nhà nước ở cơ sở về các lĩnh vực: Tài chính, kinh tế, xã hội, quy hoạch, giải tỏa đền bù, đất đai, điều chỉnh địa giới hành chính và các công trình xây dựng cơ bản có sự tham gia đóng góp của nhân dân… là rất quan trọng. Việc UBND tỉnh ban hành các văn bản đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống tham nhũng, chống mọi biểu hiện tiêu cực gây phiền hà, sách nhiễu nhân dân; nâng cao tinh thần, trách nhiệm, đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức; thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, công chức, nhất là những người thường xuyên tiếp xúc, trao đổi công việc với nhân dân là việc làm rất hay và cần thiết.
Tập trung tuyên truyền
Nhiều ý kiến đề xuất, việc tăng cường công tác quán triệt, tuyên truyền, phổ biến giúp cho cán bộ, công chức, viên chức nhận thức đầy đủ, sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng của Chỉ số PAPI; xem đây là một nguồn thông tin có cơ sở khoa học, chỉ ra những việc làm được và chưa làm được, mức độ hiệu quả trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của bộ máy Nhà nước; những phản ánh, ý kiến góp ý, cảm nhận và mong muốn của người dân về chất lượng phục vụ của bộ máy Nhà nước, nhất là cấp cơ sở; qua đó tạo sự chuyển biến về nhận thức, tinh thần và thái độ trong thực thi nhiệm vụ, phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức theo hướng lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan Nhà nước.
Việc khắc phục những nội dung hạn chế, tập trung rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền hoặc theo thẩm quyền của cấp mình cắt giảm các TTHC còn rườm rà, phức tạp; kịp thời công bố, công khai đầy đủ các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của từng cơ quan, đơn vị, địa phương; đồng thời, hướng dẫn cho người dân, tổ chức biết và thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, bằng nhiều hình thức phù hợp, tiếp tục thực hiện tốt việc công khai danh sách hộ nghèo; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; khung giá đền bù, thu hồi đất; việc thu, chi ngân sách cấp xã… để người dân hiểu, đồng thuận và giám sát việc thực hiện; tiếp tục nâng cao chất lượng các dịch vụ công, nhất là các lĩnh vực: Y tế, giáo dục tiểu học công lập, đất đai, xây dựng, thu gom rác thải, vệ sinh môi trường…
Một giải pháp khác được nhiều chuyên gia, nhà quản lý đề nghị là tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ mọi mặt gắn với thường xuyên giáo dục, nâng cao đạo đức công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là số cán bộ, công chức, viên chức thường xuyên tiếp xúc, tiếp nhận và giải quyết TTHC cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp; chú trọng lựa chọn những cán bộ, công chức, viên chức có năng lực, phẩm chất đạo đức, lối sống tốt, vui vẻ, nhiệt tình, có tinh thần trách nhiệm cao để bố trí làm việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả ở các cấp; không để xảy ra tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà trong giải quyết TTHC cho nhân dân; thực hiện nghiêm túc việc xin lỗi tổ chức, cá nhân đối với các trường hợp trễ hẹn, sai sót trong giải quyết TTHC.
HỒ VĂN - KHẮC TUẤN