Giải pháp phát triển hệ thống giao thông công cộng

Cập nhật: 14-05-2024 | 06:00:55

Bài 1: Nỗ lực “kéo” người dân đi xe buýt

Với chủ trương phát triển vận tải hành khách công cộng (VTHKCC), khuyến khích người dân sử dụng xe buýt, hạn chế phương tiện cá nhân, để giảm mật độ phương tiện lưu thông trên đường, hạn chế ùn tắc, UBND tỉnh đã có các chính sách ưu đãi, hỗ trợ. Tuy nhiên, để người dân sử dụng phương tiện VTHKCC ngày càng tăng thì rất cần những giải pháp dài hơi.

Nhiều chính sách ưu đãi

Ông Nguyễn Thanh Thuận, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải (GTVT), cho biết trong giai đoạn 2009-2023, Chính phủ, Bộ GTVT, Bộ Tài chính đã ban hành nhiều văn bản quy định, hướng dẫn công tác phát triển hoạt động VTHKCC bằng xe buýt.

 Hiện nay nhiều doanh nghiệp vận tải xe buýt áp dụng hệ thống bán vé điện tử cho khách thay vé giấy truyền thống. Ảnh: QUỲNH ANH

Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản và có chính sách ưu đãi cho hoạt động VTHKCC. Cụ thể, Quyết định 2491/QĐ-UBND ngày 24-12-2014 của UBND tỉnh ban hành quy hoạch mạng lưới tuyến xe buýt trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 và tầm nhìn sau năm 2025; Quyết định số 1881/ QĐ-UBND ngày 11-7-2018 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án “Nâng cao chất lượng VTHKCC bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2018-2020”. Ngoài ra, Kế hoạch 3800/KH-UBND ngày 28-7-2023 UBND tỉnh về triển khai thực hiện Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22-7-2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình hành động chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành GTVT trên địa bàn tỉnh.

Ông Đàm Trọng Cường, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải tỉnh, cho biết từ năm 2009 đến 2012 có thể được gọi là “giai đoạn vàng” về VTHKCC khi toàn tỉnh có 22 tuyến xe buýt hoạt động ổn định, giá vé xe buýt do Nhà nước quản lý. Bình quân mỗi năm trong giai đoạn này vận chuyển được 1.720.747 chuyến, sản lượng vận chuyển đạt 49.743.420 hành khách, bình quân vận chuyển 29 hành khách/chuyến.

Từ năm 2013 đến cuối năm 2023, bình quân vận chuyển 16,6 hành khách/chuyến. Sản lượng vận chuyển hành khách bằng xe buýt giảm đều qua các năm, bình quân giảm 1 triệu lượt hành khách/năm.

Các quy định trên là hành lang pháp lý tạo điều kiện cho các đơn vị kinh doanh VTHKCC bằng xe buýt phát triển. Giai đoạn 2009-2020, mạng lưới tuyến VTHKCC bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh hình thành được 29 tuyến, hiện đang hoạt động 22 tuyến, trong đó có 15 tuyến xe buýt nội tỉnh, 7 tuyến buýt liên tỉnh. So với quy hoạch phát triển mạng lưới xe buýt đến năm 2025, số tuyến xe buýt phải mở mới là 31 tuyến, hiện nay chỉ đạt tỷ lệ 70,9% so với quy hoạch đã phê duyệt.

Ngoài thực hiện các quy định về pháp lý, UBND tỉnh đã có chính sách hỗ trợ các đơn vị đăng ký khai thác các tuyến xe buýt trong mạng lưới đã được quy hoạch được hỗ trợ 80% vốn vay mua xe sử dụng nhiên liệu sạch CNG từ Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh; hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn, hỗ trợ 50% phí lưu đậu tại bến xe khách.

Song song đó, các tuyến xe buýt do Công ty TNHH Xe buýt Tokyu đang khai thác hiện nay được hỗ trợ bằng hình thức mua 3.000 vé Free Pass hàng năm; một số đối tượng như học sinh, sinh viên, công chức, viên chức, nhân viên, người cao tuổi được miễn, giảm vé xe buýt, mua vé tháng.

Với nhiều ưu đãi trên, các phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch CNG, xe buýt đến trạm dừng đón trả khách đúng giờ, sử dụng vé điện tử thay thế vé giấy thông thường, hệ thống thông báo đến trạm tự động, bán vé bán tự động, phương tiện sạch sẽ đã góp phần nâng cao chất lượng trong VTHKCC của tỉnh.

“Giai đoạn vàng”

Ông Đàm Trọng Cường, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải tỉnh, cho biết năm 2003 tỉnh có 4 tuyến xe buýt được trợ giá; giai đoạn từ năm 2009 đến 2012 có thể được gọi là “giai đoạn vàng” về VTHKCC khi toàn tỉnh có 22 tuyến xe buýt hoạt động ổn định, giá vé xe buýt do Nhà nước quản lý. Do đó sản lượng vận chuyển hành khách đạt rất cao, bình quân mỗi năm trong giai đoạn này vận chuyển được 1.720.747 chuyến, sản lượng vận chuyển đạt 49.743.420 hành khách, bình quân vận chuyển 29 hành khách/chuyến.

Từ năm 2013 đến cuối năm 2023, các tuyến xe buýt trên địa bàn tỉnh chuyển sang hoạt động theo hình thức tự cân đối, cùng với đó việc giá cả thị trường thường xuyên biến động, các đơn vị kinh doanh VTHKCC bằng xe buýt thực hiện điều chỉnh tăng giá vé để cân đối các chi phí như giá nhiên liệu, lương, bảo hiểm, lãi suất ngân hàng, chi phí quản lý, lợi nhuận, sản lượng vận chuyển, từ đó lượng khách đi xe buýt đã giảm. Bình quân hàng năm vận chuyển được 3.876.426 chuyến, sản lượng vận chuyển đạt 63.317.701 hành khách; bình quân vận chuyển 16,6 hành khách/chuyến. “Qua thống kê lượng vận chuyển hành khách bằng xe buýt giảm đều qua các năm. Bình quân giảm 1 triệu lượt hành khách/ năm. Song song đó, cùng với sự gia tăng quá nhanh các phương tiện cá nhân nên lượng hành khách chọn di chuyển bằng xe buýt ngày càng giảm”, ông Đàm Trọng Cường cho biết.

Trong điều kiện tình hình dân số, phương tiện cá nhân tăng nhanh như hiện nay, mặc dù cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ của tỉnh được đánh giá là một “điểm sáng, đột phá” nhưng vẫn chưa “đuổi kịp” với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài ra, với sự phát triển của dịch vụ taxi công nghệ, xe mô tô công nghệ hoạt động linh hoạt kiểu cạnh tranh “đưa đón tận nhà” và tâm lý chọn sự tiện lợi nên người dân đã chuyển sang di chuyển bằng phương tiện này. “Đây cũng là lý do khiến lượng khách đi xe buýt công cộng giảm đáng kể”, ông Đàm Trọng Cường cho biết thêm. (còn tiếp)

PHƯƠNG QUỲNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1024
Quay lên trên