Với diện tích sản xuất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, cùng với đó là những thách thức về tài nguyên thiên nhiên và biến đổi khí hậu, ngành nông nghiệp Bình Dương không thể tiếp tục dựa vào chi phí thấp và thâm dụng lao động. Do đó, Bình Dương đã nhanh chóng chuyển đổi sang nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Kết quả đến nay, toàn tỉnh có 6.450 ha đất canh tác nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đã cấp 31 mã vùng trồng, 13 mã cơ sở đóng gói và công nhận 219 sản phẩm OCOP, trong đó 10 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao.
Bình Dương đang thúc đẩy phát triển nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, với mã vùng trồng và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Để phát triển nông nghiệp bền vững, việc tiếp cận và ứng dụng các mô hình sản xuất nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ và các mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đang phát triển mạnh mẽ, đạt được những kết quả thiết thực. Điển hình như mô hình ứng dụng vi sinh bản địa IMO, hệ thống tưới tiết kiệm nước; các mô hình sản xuất tuần hoàn, khép kín... Các mô hình này không chỉ nâng cao hiệu quả sản xuất mà còn góp phần bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nông nghiệp. Điển hình, hơn 90% nước thải chăn nuôi được xử lý và tái sử dụng, trong khi chất thải rắn được thu gom để ủ phân bón.
Có thể thấy, việc ứng dụng công nghệ cao, phát triển nông nghiệp sinh thái và kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp là giải pháp động lực để phát triển bền vững sản xuất nông nghiệp của tỉnh trong giai đoạn hiện nay.
PHƯƠNG AN