Giải quyết nạn lục bình: Biến cái hại thành cái lợi 

Cập nhật: 29-06-2015 | 08:46:11

Hàng năm Bình Dương tốn hàng tỷ đồng để trục vớt lục bình nhằm khơi thông dòng chảy và tạo điều kiện thuận lợi đi lại cho tàu, thuyền. Nhưng đó chỉ là biện pháp nhất thời vì lục bình mỗi năm vào mùa lại dày đặc tại các con sông.

Lục bình dày đặc trên sông Sài Gòn đoạn đi qua phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một Ảnh: P.HIẾU

Lục bình đâu chỉ gây hại

Ông Nguyễn Trọng Đạt có 0,78 ha cây ăn trái tại xã An Sơn, TX.Thuận An cho biết: “Phương pháp bón phân hữu cơ từ lục bình rất hiệu quả trên cây trồng, nhưng vì mất nhiều thời gian ủ phân nên nhiều nông dân không mặn mà lắm. Riêng gia đình tôi, từ khi học được cách ủ phân từ lục bình tôi đã áp dụng tại vườn cây trái của mình, tới nay cho thấy hiệu quả kinh tế là rất lớn”. Hiện vườn cây ăn trái của ông Đạt mỗi năm cho năng suất cao hơn từ 20 - 30% so với cách bón phân thông thường, trong khi vẫn bảo đảm vệ sinh môi trường cho vườn cây ăn trái. Phương pháp này ông Đạt tự tìm hiểu qua sách báo, nếu được hướng dẫn kỹ thuật chắc chắn sẽ hiệu quả hơn nhiều.

Được biết, ngành thủ công mỹ nghệ từ lục bình phát triển rất mạnh từ hàng chục năm nay tại các tỉnh thành như Cần Thơ, Tiền Giang, Hậu Giang… Tại Bình Dương, hiện nay một số cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ mỗi năm nhập hàng trăm triệu đồng sản phẩm đan lát lục bình từ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Thiết nghĩ, đã đến lúc các cơ quan chức năng, trong đó Hiệp hội làng nghề truyền thống tỉnh Bình Dương nên đi đầu trong việc hướng tới sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ lục bình... để không những giải quyết triệt để vấn nạn lục bình mà còn tạo ra việc làm, gia tăng giá trị sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ cho tỉnh nhà.

Theo các tạp chí khoa học, bèo lục bình làm sạch nước nơi chúng mọc, có khả năng làm giảm bớt ô nhiễm môi trường. Chỉ cần 1/3 ha bèo, mỗi ngày đủ để lọc 2.225 tấn nước bị ô nhiễm các chất thải sinh học và các hóa chất. Bèo này còn loại được các kim loại nặng độc như thủy ngân, chì, kền, bạc, vàng... Ngoài ra, bèo lục bình còn cung cấp năng lượng: Dùng vi khuẩn cho bèo lên men; 1kg bèo sẽ cho 0,3m3 khí methan; bã bèo sau khi lên men có thể dùng làm phân bón.

Hiệu quả mô hình biogas từ lục bình

Ông Nguyễn Thế Cường, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ (KHCN) tỉnh cho biết, năm 2014 trung tâm đã thí điểm thành công mô hình ủ lục bình thành biogas cung cấp năng lượng cho các hộ dân sống ven lưu vực các con sông có nguồn lục bình nhiều. Mô hình này đã được ông Nguyễn Văn Để ở xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng áp dụng bước đầu cho thấy, hầm biogas của trung tâm cho kết quả tốt.

Ông Cường nhận định, phương pháp làm túi ủ lục bình bằng vật liệu HDPE rút ngắn thời gian thi công hầm ủ biogas chỉ còn 15 ngày (phương pháp làm hầm bằng bê tông cốt thép mất đến 2 tháng), chi phí chỉ khoảng 20 triệu đồng so với 40 triệu đồng với cách làm truyền thống. Hệ thống vận hành biogas của trung tâm đã hạn chế tối đa sự thất thoát khí đốt trong quá trình sử dụng. Theo ông Cường, mỗi tháng chỉ cần mất 2 - 3 ngày trục vớt lục bình, phơi khô để ủ thì một hộ gia đình 5 - 6 người có thể thoải mái sử dụng năng lượng trong vòng 1 tháng, tiết kiệm từ 400.000 - 500.000 đồng tiền chất đốt.

Mô hình này không những đem lại lợi ích lớn cho người dân mà còn từng bước giúp Bình Dương xử lý triệt để vấn nạn lục bình trên lưu vực các sông, biến lục bình thành nguồn nguyên liệu, năng lượng phục vụ nhu cầu chăn nuôi, sản xuất và sinh hoạt của người dân. Theo Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN tỉnh, tháng 9 tới đây trung tâm sẽ tiếp tục triển khai mô hình làm phân bón hữu cơ, làm giá thể trồng nấm từ lục bình, từ đó tiếp tục mở ra hướng giải quyết nạn lục bình theo hướng tích cực, tạo thêm việc làm cho các hộ nông dân.

Nghiên cứu từ năm 2014 của Hội Quốc tế phát triển Việt Nam (AIDEV) bước đầu cho thấy, chất độc tích tụ trong lục bình (thân, rễ, lá) tại khu vực xã Phú An, TX.Bến Cát, Bình Dương có thể chấp nhận được. Lục bình có thể dùng nguyên liệu chăn nuôi và làm tiểu thủ công nghiệp (đan lát lục bình), tạo thêm công ăn việc làm cho người dân nông thôn.

 

 

 PHÙNG HIẾU

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1537
Quay lên trên