Để đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, Bình Dương tiếp tục quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ, sớm hoàn chỉnh quy hoạch vùng nguyên phụ liệu và vùng công nghiệp hỗ trợ, cùng với đó nâng dần tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm.
Còn nhiều thách thức
Trong 10 tháng năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của tỉnh tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2023. Ngành công nghiệp là động lực tăng trưởng chính của tỉnh. Hiện nay, thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bình Dương đang triển khai đồng bộ một số giải pháp trọng tâm, như hình thành “Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương” nhằm tạo động lực phát triển mới, hội nhập quốc tế, thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn nữa.
Bình Dương đang có nhiều giải pháp để thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển. Trong ảnh: Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty Kim Sang (TP.Tân Uyên). Ảnh: TIỂU MY
Một trong những nhiệm vụ Bình Dương đang chú trọng thực hiện đó là tháo gỡ những khó khăn, thách thức trong việc tăng tỉ lệ nội địa hóa giúp gia tăng giá trị các sản phẩm công nghiệp do doanh nghiệp (DN) trong nước sản xuất, đưa công nghiệp của địa phương tham gia sâu vào chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu. Ông Nguyễn Quang Vũ, Chủ tịch Hiệp hội Giày da Bình Dương, cho biết Bình Dương được xem là thủ phủ của các ngành sản xuất công nghiệp như dệt may, da giày, cơ khí, điện - điện tử… Tuy nhiên, phần lớn các ngành này còn phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Với yêu cầu ngày càng cao của khách hàng, đòi hỏi các DN phải thay đổi về công nghệ để đáp ứng chất lượng sản phẩm. Thực tế cho thấy, việc tăng tỷ lệ nội địa giúp DN tiết kiệm nhiều chi phí nguyên liệu đầu vào, từ đó giảm giá thành để sản phẩm của DN tăng tính cạnh tranh trên thị trường.
Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Công thương: Bình Dương đang xây dựng bộ tiêu chí thu hút đầu tư nước ngoài và trong nước phù hợp với cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư để phát triển những lĩnh vực ưu tiên của các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp hỗ trợ, thu hút đầu tư từ các tập đoàn lớn, đa quốc gia; chú trọng dự án đáp ứng các quy tắc về nguồn gốc xuất xứ trong các hiệp định thương mại tự do. Phấn đấu đến cuối năm 2025, Bình Dương sẽ có quỹ đất công nghiệp sạch để thu hút các nhà đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp ưu tiên này. Kỳ vọng rằng, khu công nghiệp cơ khí hỗ trợ đi vào hoạt động sẽ giúp Bình Dương tiếp tục trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút các tập đoàn lớn trên thế giới đến đầu tư, sản xuất sản phẩm ngành công nghiệp hỗ trợ. |
“Bình Dương hiện có gần 2.300 DN sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực có liên quan đến ngành công nghiệp hỗ trợ. Tuy nhiên, tỷ lệ nội địa hóa mới đáp ứng được từ 40-45% cho ngành dệt may, da giày; 15% cho ngành điện tử, tin học… Các DN cần có những giải pháp để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ nhằm nâng dần tỷ lệ nội địa hóa trong các ngành công nghiệp chủ lực”, ông Nguyễn Quang Vũ cho biết.
Theo bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Công thương, thời gian qua, Bình Dương đã hình thành các ngành công nghiệp sản xuất nguyên phụliệu cho ngành dệt may, da giày, cơ khí, điện - điện tử... Tuy ngành công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh dù đãđược cải thiện đáng kể nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu nguyên phụ liệu cho sản xuất trong nước cả về số lượng lẫn chất lượng.
Xây dựng khu công nghiệp chuyên sâu
Bà Nguyễn Thanh Hà cho biết để phát triển công nghiệp bền vững, đi vào chiều sâu, Bình Dương đãvà đang tích cực hỗ trợ các DN phát triển công nghiệp hỗ trợ. Theo đó, Bình Dương đầu tư phát triển 4 cụm công nghiệp hỗ trợ với diện tích mỗi cụm 75 ha. Bình Dương cũng đãquy hoạch thêm một khu công nghiệp ngành cơ khí để góp phần thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.
Bình Dương đang nỗ lực giải quyết các thách thức đưa công nghiệp hỗ trợ phát triển xứng tầm. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất tại Công ty Kolon Industrial (huyện Bàu Bàng)
Các DN công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh đang được tạo điều kiện phát triển để từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Cộng đồng DN kỳ vọng công nghiệp hỗ trợ sẽ tạo sự liên kết, chuyên môn hóa, sớm hình thành hệ thống các nhà cung cấp nguyên vật liệu và sản xuất linh kiện với hàm lượng công nghệ cao ở trong nước… Để làm được điều này, theo ông Lưu Trí, Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp Nghệ Năng (TP.Thuận An), trước hết các DN trong nước cần tăng cường sự kết nối, chuyển giao công nghệ, bí quyết đổi mới sáng tạo giữa DN có vốn đầu tư nước ngoài và các DN trong nước...
Hiện nay, có nhiều dự án công nghiệp hỗ trợ tiếp tục tăng vốn đầu tư, mở rộng sản xuất. Mới đây, Công ty TNHH Panasonic Electric Works chính thức đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất thiết bị nối dây tại Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore II. Nhà máy mới này giúp công suất của công ty tăng lên 1,8 lần so với hiện tại, đạt gần 150 triệu thiết bị/năm. Bà Tatiana Liceti, Phó Chủ tịch điều hành hoạt động thị trường Tetra Pak (Thụy Điển), khẳng định: “Chúng tôi cam kết mạnh mẽ hơn bao giờ hết với thị trường Việt Nam và tiếp tục gia tăng đầu tư vào đây. Việc mở rộng nhà máy sản xuất bao bì tiệt trùng tại Bình Dương dự kiến sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động quý II-2025 là minh chứng rõ nét cho cam kết đó. Với năng lực sản xuất mới, chúng tôi tự tin sẽ không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, đồng hành cùng quý khách hàng nắm bắt những cơ hội mới và cùng nhau tạo nên những thành công vượt trội”.
TIỂU MY