Công tác tư vấn, giới thiệu học nghề và giải quyết việc làm cho bộ đội xuất ngũ (BĐXN) được các cấp, các ngành của tỉnh quan tâm, chăm lo. Qua đó, nhiều quân nhân được học nghề, có việc làm ổn định, nâng cao đời sống.
Giảm nỗi lo sau xuất ngũ
Anh Nguyễn Hoàng Long (phường Mỹ Phước, TX.Bến Cát) sau khi xuất ngũ đã đăng ký học nghề cơ khí tại trường Cao đẳng Nghề số 22 (TX.Dĩ An). Xong khóa học, anh xin vào làm việc tại công ty ở KCN Mỹ Phước I, với mức lương tương đối cao. Anh Long tâm sự, sau khi xuất ngũ về anh không có ý định học nghề mà đi làm công nhân phụ giúp ba mẹ. Thế nhưng được sự động viên của mọi người, anh đã tham gia học nghề. Giờ đây, anh thấy quyết định của mình là đúng đắn.
Bộ đội xuất ngũ học nghề tại trường Cao đẳng Nghề số 22. Ảnh: T.THẢO
Còn với anh Đoàn Chí Công (phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một) sau khi xuất ngũ vào tháng 1-2019, anh đăng ký học nghề công nghệ ô tô tại trường Cao đẳng Nghề số 22. Anh chỉ mới bắt đầu những bài học lý thuyết nhưng đã định hướng được tương lai tươi sáng cho bản thân. Ngoài việc hỗ trợ 100% chi phí học nghề, anh được hỗ trợ tiền ăn trưa. Những lúc rảnh, anh đi làm thêm tại quán cà phê để có khoản tiền lo cho sinh hoạt bản thân.
Đó chỉ là 2 trong số hàng trăm BĐXN đăng ký học nghề, đã và đang có hướng đi mới cho cuộc đời của mình. Không chỉ tư vấn học nghề, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã phối hợp giới thiệu việc làm cho BĐXN sau khi học nghề. Ông Nguyễn Thanh Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, cho biết Bình Dương là tỉnh phát triển công nghiệp nên rất cần nhân lực có tay nghề. Đối với BĐXN, doanh nghiệp càng ưu tiên tuyển dụng hơn ai hết bởi đây là những con người có phẩm chất đạo đức tốt, tác phong nhanh nhẹn, có khả năng ứng phó, xử lý các tình huống cấp bách do được rèn luyện trong quân ngũ, khi tham gia thị trường lao động họ dễ dàng bắt nhịp với môi trường công việc tại doanh nghiệp. Đó là cơ hội tốt để BĐXN có việc làm ngay sau khi học nghề, điều này càng giúp họ tự tin khi chọn học nghề. Riêng trung tâm luôn tạo mọi điều kiện để BĐXN có việc làm ngay sau khi học nghề.
Tạo cơ hội việc làm cho quân nhân
Đào tạo nghề cho BĐXN là chính sách ưu việt nhằm giúp đỡ, tạo điều kiện cho BĐXN có cơ hội được học nghề, có việc làm và thu nhập ổn định. Tuy nhiên, theo nhận định từ Ban CHQS các địa phương, số lượng BĐXN đăng ký học nghề còn hạn chế. Thượng tá Lương Anh, Chính trị viên Ban CHQS TX.Tân Uyên nói, khi quân nhân xuất ngũ trở về địa phương, Ban CHQS TX.Tân Uyên đã tập hợp tuyên truyền học nghề, việc làm cho họ. Thế nhưng số lượng đăng ký học nghề còn khiêm tốn, chủ yếu là đi làm công nhân, hoặc tự tạo việc làm tại nhà.
Để nâng cao hiệu quả về đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho BĐXN, theo ông Vũ Mạnh Hà, Chính trị viên phó, kiêm Trưởng ban Chính trị Ban CHQS TP.Thủ Dầu Một, trước hết cần tăng cường công tác tuyên truyền về học nghề và việc làm cho BĐXN; đồng thời rà soát và thống kê thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự để có giải pháp hỗ trợ kịp thời, khảo sát nhu cầu lao động doanh nghiệp đang cần, nhằm tư vấn, định hướng cho BĐXN.
Đối với Sở LĐ-TB&XH, ông Võ Đông Duy, Trưởng phòng Dạy nghề chia sẻ, trước đây, trong tỉnh chỉ có trường Cao đẳng Nghề số 22 tiếp nhận, dạy nghề cho BĐXN. Quân nhân xuất ngũ sau khi hoàn thành chương trình đào tạo sẽ được trường thanh toán trên cơ sở số thẻ học nghề do ngân sách bảo đảm thông qua Bộ CHQS tỉnh. Hiện nay kinh phí và tiếp nhận hồ sơ giải quyết chế độ học nghề cho BĐXN do Sở LĐ- TB&XH thực hiện. Sở đang lập dự trù kinh phí hỗ trợ học nghề cho BĐXN. Kinh phí dự trù được thông qua sẽ quy định rõ mức hỗ trợ và tạo mọi điều kiện cho BĐXN học nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh chứ không phải riêng trường Cao đẳng Nghề số 22. Chính sách nhân văn này sẽ tạo cơ hội cho nhiều quân nhân hoàn thành nghĩa vụ có được một nghề sơ cấp tại các trường để có việc làm ổn định.
Nghị định số 61/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định, BĐXN khi tham gia đào tạo nghề trình độ trung cấp, cao đẳng được miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí ăn, ở. Nếu tham gia đào tạo nghề trình độ sơ cấp được cấp thẻ đào tạo nghề có giá trị tối đa bằng 12 tháng tiền lương cơ sở tại thời điểm đào tạo nghề. Hiện nay, theo dự trù kinh phí của Sở LĐ-TB&XH, mức tính hỗ trợ sẽ được tính theo từng ngành học và được quyết toán tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh.
THIÊN LÝ