Nếu như trước đây, trẻ suy dinh dưỡng luôn là mối quan tâm hàng đầu của xã hội thì ngày nay, tình trạng béo phì (BP) ở trẻ em lại chính là nỗi lo chung của đa số các bậc phụ huynh.
Lối sống tù túng, ít vận động; thức ăn nhanh, tiện lợi, có sẵn; chế độ ăn không khoa học và dư thừa năng lượng quá mức chính là những nguyên nhân khiến BP đang trở thành một căn bệnh của thời đại.
Những đứa trẻ ngoại cỡ
Chị Lê Thị Hương, chủ một tiệm thuốc tây tại xã Bình Chuẩn (Thuậnn An) đang rửa đống chén bát của bữa cơm trưa vừa kết thúc thì cu Bo, cậu con trai 9 tuổi của chị vừa chạy từ cổng vào vừa gọi thất thanh: “Mẹ, mẹ ơi, bà bán chè đi tới kìa!”. Chị Hương trợn mắt nhìn con: “Vừa mới ăn cơm xong mà chè... chè... cái gì?”. Cu Bo lắc đầu nguầy nguậy: “Không, con muốn ăn chè. Con vẫn còn đói lắm!”. Làm thế nào để giảm cân cho con là nỗi khổ tâm lớn nhất của chị Hương bây giờ. Cu Bo con chị mới 8 tuổi mà đã nặng hơn 50kg. Đã vậy, thằng bé lúc nào cũng kêu đói và luôn miệng đòi ăn. Chị Hương luôn cố gắng cắt giảm bớt calo trong khẩu phần ăn của con nhưng vẫn không ngăn nổi cái bụng háu đói của thằng bé.
Chị Khánh Ly, ngụ tại đường Nguyễn Văn Tiết, thị trấn Lái Thiêu thì còn khó xử hơn khi nói về thể trọng quá cỡ của cô con gái mới hơn 10 tuổi của mình. Bé Linh con chị mới 10 tuổi mà đã nặng hơn 50kg. Do phát triển nhanh nên bé Linh cũng rơi vào tình trạng dậy thì sớm. Chị Ly tâm sự: “Khổ! Thấy vậy chứ nó còn “tồ” lắm. Cái gì mẹ cũng phải làm cho hết. Do còn ít tuổi mà cơ thể cháu lại phổng phao nên chúng tôi lo lắm. Cháu đi đâu cũng phải có người kè kè bên cạnh, chỉ sợ gặp kẻ xấu thì khổ cả đời. Để giảm cân cho cháu, tôi cũng đã đăng ký cho cháu học lớp thể dục nhịp điệu tại trung tâm văn hóa của thị trấn. Thấy cháu cũng có vẻ tích cực, chắc là cũng đã biết ngại với bạn bè về hình thức của mình”.
Không chỉ có chị Hương, chị Khánh Ly, mà rất nhiều bậc phụ huynh khác cũng đang đau đầu với tình trạng thừa cân, BP của con em mình. Nếu như trước đây, BP thường được coi là một đặc điểm của sự giàu có và sung túc, thì giờ đây, nó đã trở thành một căn bệnh đang bùng phát với tần suất cao và gia tăng nhanh chóng, nhất là ở những thành phố lớn. Nơi mà thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn và cách chế biến giàu đạm, mỡ của phương Tây đang ngày càng xuất hiện ồ ạt.
Tìm cách giảm béo cho con
Ngày nay, nhiều bậc cha mẹ vẫn quen với ý nghĩ nuôi con mập mạp, béo tốt thì mới là người nuôi mát tay. Chính vì vậy mà họ thường đầu tư rất nhiều đồ ăn giàu năng lượng và ép chúng ăn trong thời gian quá ngắn nên trẻ không có cảm giác đói, cơ thể không chuyển hóa và tiêu thụ hết năng lượng của thức ăn. Đến khi phát hiện ra con mình thừa cân quá cỡ thì đã mất vài năm tích mỡ rồi. Lúc này việc giảm cân trở nên rất khó khăn, nhất là khi trẻ BP đang ở lứa tuổi từ 4 - 12 tuổi.
Anh Nguyễn Hồng Phúc, một phụ huynh có con bị béo phì cho rằng: “Ngoài việc ăn uống không hợp lý thì lối sống tù túng nơi thành phố cũng là một trong những yếu tố thúc đẩy bệnh BP ở trẻ. Chúng không được vận động nhiều như trẻ em ở các vùng quê. Trong khi đó, trẻ hoàn toàn không phải động tay, động chân vào bất cứ việc gì trong nhà vì những việc ấy đã được giao phó hết cho người giúp việc rồi”. Cô Lê Thị Thu Trang, giáo viên dạy thể dục nhịp điệu tại thị trấn Lái Thiêu cũng cho biết: “Một thực tế là học sinh ngày nay phải học quá nhiều ở trường, ít có thời gian để tập thể thao hoặc vui chơi giải trí. Trong khi đó, thời gian nghỉ thì các bậc cha mẹ cũng cho con học thêm nhưng lại đều là những môn học ngồi một chỗ, ít vận động như các môn văn hóa, đàn, vẽ, còn các môn thể thao tốt cho sức khỏe như thể dục, võ, bơi lội thì lại rất ít người cho con học. Còn lại thời gian ở nhà các em chỉ gắn bó trò chơi điện tử và các chương trình hoạt hình trên ti vi”.
Trao đổi tại một buổi hội thảo về chứng BP ở trẻ em, bác sĩ Nguyễn Minh Ngọc, Bệnh viện Nhi Đồng II cho biết: BP làm cho trẻ dễ bị mệt, nó tác động trực tiếp lên hệ hô hấp, tuần hoàn và ảnh hưởng đến nội tiết của cơ thể. Nguy cơ mắc các bệnh cao huyết áp, đái tháo đường, tim mạch là rất cao. Để giảm BP thì thực đơn không được thay đổi đột ngột, không bỏ đói trẻ thì mới không hình thành những cơn thèm ăn đến mức không kiểm soát được. Khi giảm dần lượng thức ăn béo, bột đường cần phải bù cho trẻ rau củ và hoa quả. Thời gian biểu cho những bữa ăn phải thật khoa học. Thứ nhất là ăn đúng giờ để trẻ không rơi vào tình trạng thèm ăn bất kỳ lúc nào. Thứ hai là không nên áp dụng chế độ ăn của trẻ suy dinh dưỡng cho trẻ BP, nhưng không ngừng cho trẻ uống sữa, tùy theo mức độ bệnh của trẻ mà lựa chọn loại sữa phù hợp như sữa không đường, ít béo hay tách bơ hoàn toàn vì sữa cung cấp đủ vi chất cần thiết cho cơ thể của trẻ. Ngoài ra, xây dựng thói quen vận động thể lực thường xuyên cho trẻ, khuyến khích trẻ làm việc nhà, giảm thời gian xem tivi, chơi điện tử cũng là một cách giảm cân hiệu quả.
NGỌC THANH