Tư nhân được quyền giám định những gì?
Câu hỏi hay gặp: Tôi là nguyên đơn trong một vụ án dân sự. Tôi đã gửi văn bản đề nghị thẩm phán trưng cầu giám định nhưng bị từ chối. Nay tôi có thể tự mình yêu cầu một tổ chức GĐTP tiến hành giám định được không? Nếu có, thì phải thực hiện theo những trình tự, thủ tục gì?
Trả lời: Theo khoản 3, điều 2, Luật GĐTP 2012, thì người yêu cầu giám định là người có quyền tự mình yêu cầu giám định sau khi đã đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trưng cầu giám định mà không được chấp nhận. Người có quyền tự mình yêu cầu giám định bao gồm đương sự trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ, trừ trường hợp việc yêu cầu giám định liên quan đến việc xác định trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo.
Bên cạnh đó, khoản 1, điều 22, Luật GĐTP 2012, quy định rằng người yêu cầu giám định có quyền gửi văn bản yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trưng cầu giám định. Trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng không chấp nhận yêu cầu thì trong thời hạn 7 ngày phải thông báo cho người yêu cầu giám định bằng văn bản. Hết thời hạn nói trên hoặc kể từ ngày nhận được thông báo từ chối trưng cầu giám định, người yêu cầu giám định có quyền tự mình yêu cầu giám định.
Như vậy, ở đây nếu bạn đọc báo Bình Dương là nguyên đơn trong một vụ án dân sự thì có quyền tự mình yêu cầu giám định sau khi đã đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trưng cầu giám định mà không được chấp nhận.
Ngoài ra, trong việc thực hiện GĐTP của các giám định viên tư pháp không thuộc tổ chức GĐTP công lập, thì các giám định viên tư pháp này đang công tác tại các cơ quan, tổ chức chuyên môn (bệnh viện; trung tâm y tế; viện nghiên cứu; cơ quan Nhà nước; cơ sở đào tạo, nghiên cứu…) có trách nhiệm thực hiện giám định khi được trưng cầu đích danh hoặc theo sự phân công của cơ quan, tổ chức được trưng cầu, yêu cầu giám định. Văn bản kết luận giám định của những người này có giá trị pháp lý như đối với văn bản kết luận giám định của giám định viên tư pháp chuyên trách đang công tác tại các tổ chức GĐTP chuyên trách.
NGUYỄN CAO