Hiện nay bạo lực học đường đã diễn ra ở nhiều địa phương trong cả nước. Tình trạng này được “nhân rộng” thêm khi các đoạn video clip được đưa lên mạng điện tử. Ngoài những nguyên nhân khách quan dẫn đến tình trạng này như ảnh hưởng từ phim ảnh, lối sống xã hội hiện nay, thì ngành giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) cũng có một phần trách nhiệm trong việc giáo dục, rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh (HS). Xung quanh vấn đề trên, phóng viên Báo Bình Dương đã phỏng vấn ông Dương Thế Phương, Giám đốc Sở GD-ĐT để nghe ông nói về những công việc ngành phải làm ngay trong lúc này.
- Thời gian qua, các báo có nêu tình trạng học sinh nữ đánh nhau ở một số trường trong cả nước được đưa lên mạng, trong đó có một trường hợp ở trường THPT Bình Phú (TX.TDM). Vậy vụ việc này đã được xử lý ra sao, thưa ông?
- Ngành GD-ĐT thật đáng tiếc khi tỉnh có trường hợp nữ sinh trường THPT Bình Phú (TX.TDM) đánh nhau như báo chí đã phản ảnh. Sau khi sự việc xảy ra, ngành đã chỉ đạo trường điều tra và xử lý kịp thời. Theo báo cáo của Ban Giám hiệu trường, nhà trường đã kỷ luật đuổi học 1 tuần lễ đối với 2 HS đánh bạn, kỷ luật cảnh cáo toàn trường 3 HS có liên quan và khiển trách toàn trường 4 HS khác. Ban Giám hiệu hứa sẽ củng cố hoạt động trực trường của đội cờ đỏ, cho HS đi sớm hơn và về trễ hơn để phát hiện các trường hợp vi phạm nội quy, đặc biệt là đánh nhau, sử dụng điện thoại di động trong trường, tăng cường vai trò giáo viên chủ nhiệm, đoàn thanh niên. Sắp tới trường sẽ lập nhóm giáo viên tư vấn tâm lý giải đáp các thắc mắc của HS, nhằm tránh xảy ra những sự việc đáng tiếc như vừa qua.
- Từ sự việc này, phải chăng việc quản lý, giáo dục HS ở các trường chưa thật chặt chẽ, thưa ông?
- Muốn giáo dục HS tốt cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường - gia đình và xã hội, một mình nhà trường không làm nổi việc này. Nhưng thời gian qua việc này ít được quan tâm. Thời gian HS học tập, sinh hoạt ở trường không nhiều, trong khi ngoài xã hội một số phim ảnh, sách báo không lành mạnh dễ kích động bạo lực trong HS. Riêng các trường mong muốn có đội ngũ giám thị để quản lý HS, nhưng hiện nay đây là việc làm còn khó khăn, vì lực lượng này không nằm trong biên chế của ngành, chủ yếu là các trường sử dụng nguồn xã hội hóa.
- Việc giáo dục kỹ năng sống cho HS là một hoạt động của phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, HS tích cực”, ông đánh giá như thế nào về hoạt động này trong thời gian qua?
- Xây dựng trường học thân thiện, HS tích cực là chủ trương đúng đắn, góp phần giáo dục đạo đức HS, phòng chống bạo lực học đường. Năm nay hoạt động này có chuyển biến thông qua việc giáo dục kỹ năng sống cho HS. Hiện nay có khó khăn là việc đào tạo đội ngũ này chủ yếu dựa vào phụ trách Đội, nhưng hoạt động này hiện còn mỏng, các trường vẫn tự mày mò. Hiện nay Bộ GD-ĐT đang xây dựng các chương trình về giáo dục kỹ năng sống cho HS. Khi đã có chương trình đầy đủ, chúng tôi sẽ đưa vào thực hiện ở các cấp học, bậc học.
- Để phòng chống bạo lực học đường, ngành đã có chỉ đạo gì đối với các trường phổ thông, thưa ông?
- Ngay khi ở Hà Nội xảy ra tình trạng nữ sinh đánh nhau, chúng tôi đã có chỉ đạo các hiệu trưởng củng cố lại đội ngũ ban giám thị để quản lý HS. Hiện sở có thành lập bộ phận tư vấn học đường, giúp giám đốc sở nắm diễn biến tình hình, tâm tư, tình cảm của HS, giúp giáo dục các em tốt hơn. Mới đây nhất, tôi đã chỉ đạo các trường thành lập bộ phận tư vấn học đường, giúp các em giải tỏa những bức xúc, thắc mắc.
Sắp tới đây, sở sẽ có 3 hoạt động liên quan đến vấn đề này. Đó là buổi “trò chuyện cùng HS”, để nghe các em thổ lộ tâm tư, từ đó giúp ngành xây dựng một số hoạt động trợ giúp HS. Kế đến là buổi tọa đàm “tăng cường giảng dạy các bộ môn giáo dục công dân. Ngoài ra, sở cũng sẽ sơ kết đánh giá phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, HS tích cực”, từ đó rút ra những kinh nghiệm để thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.
- Xin cảm ơn ông!
A.SÁNG (thực hiện)