Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ, giảm khí thải nhà kính có thể giúp ngăn chặn hàng triệu ca chết sớm mỗi năm trong những thập kỷ tới.
Khói bụi ở Bắc Kinh do các hoạt động công nghiệp gây ra
Trang Live Science cho biết các hoạt động tạo ra khí thải nhà kính không chỉ gây hiện tượng biến đổi khí hậu mà còn sản sinh ra những chất ô nhiễm có tác động rất tiêu cực đối với sức khỏe con người.
Nghiên cứu của nhóm chuyên gia ĐH North Carolina cho thấy các nỗ lực giảm khí thải nhà kính mạnh mẽ có thể giúp ngăn chặn 300.000 - 700.000 trường hợp chết sớm vào năm 2030, với 2/3 ở Trung Quốc.
Đến năm 2050, con số này có thể tăng lên 800.000 - 1,8 triệu ca mỗi năm và tới năm 2100, việc giảm khí thải nhà kính sẽ cứu 1,4-3 triệu người khỏi nguy cơ chết sớm mỗi năm. “Giảm khí thải sẽ giúp giảm mạnh các chất gây ô nhiễm trong không khí” - Live Science dẫn lời nhà khoa học Jason West thuộc ĐH North Carolina.
Nhóm nghiên cứu cho biết chi phí giảm mỗi tấn CO2 dao động từ 50-380 USD. Mức chi phí này rẻ hơn nhiều so với số tiền chính phủ các nước sẽ phải bỏ ra cho ngành y tế để đối phó với tình trạng chết sớm vì ô nhiễm không khí.
Ngày 27-9 tới, Ủy ban Liên chính phủ quốc tế về biến đổi khí hậu (IIPCC) sẽ công bố báo cáo mới nhất về tình hình biến đổi khí hậu. Trong báo cáo, IIPCC sẽ đưa ra các phân tích về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với sức khỏe con người.
(Theo TTO)