“... Hầu hết các doanh nghiệp (DN) đang gặp nhiều khó khăn, rơi vào tình trạng thua lỗ, một số DN có lãi nhưng không đáng kể do lãi suất (LS) đi vay quá cao. Trong khi đó, các DN gỗ vốn đầu tư nước ngoài, có công ty mẹ ở nước sở tại, vay được vốn với LS chỉ 2,5%/năm từ quốc gia họ, vẫn giữ được mức tăng trưởng thị phần và đang cạnh tranh, chiếm các thị phần của những DN chế biến gỗ trong nước...” - Ông Võ Trường Thành, Chủ tịch Tập đoàn kỹ nghệ gỗ Trường Thành trăn trở với phóng viên báo Bình Dương về tình hình LS cao hiện nay.
Thu hẹp sản xuất
Ông Võ Trường Thành cho biết, hiện nay rất nhiều DN đang gặp khó khăn vì LS cao. Tổng cục Thuế cũng đã công bố số DN xin ngưng hoạt động lên đến 30%. Còn các DN mới thành lập, chưa hoạt động cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn vì với mức LS trên 20% hiện tại, DN không thể nào bảo đảm được lợi nhuận. Đối với một số DN đã thực hiện các kế hoạch kinh doanh dang dở thì họ phải làm nhưng tình hình LS cao tiếp tục kéo dài, DN sẽ phải thu vén lại sản xuất kinh doanh, đặc biệt là những ngành sản xuất đang giảm quy mô hoạt động. “Một số DN lớn như Đồng Tâm và nhiều công ty khác như thép Pomina... mặc dù có tiềm lực tài chính dồi dào cũng đã phải công bố giảm quy mô sản xuất”. - ông Thành cho hay.
Quy định 3 loại đất thu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp
Để đối phó với tình hình khó khăn, các DN hiện cũng tìm nhiều cách khắc phục nhưng cách mà phần lớn các DN đang làm hiện nay là buộc phải thu hẹp sản xuất - kinh doanh lại, thực hiện chính sách tài chính kiểu thắt lưng buộc bụng vì đây là những vấn đề khó khăn thuộc về vĩ mô, việc làm của các nhà quản trị DN nhằm can thiệp vào tình hình này mang lại hiệu quả rất ít vì bản thân người chủ DN, CEO cũng chỉ điều hành kinh tế vi mô. Do đó, đối phó với tình hình khó khăn về LS, trách nhiệm này thuộc về Chính phủ nhiều hơn, nghĩa là Chính phủ cần phải can thiệp vào để tháo gỡ khó khăn cho DN.
Theo ông Võ Trường Thành, với Tập đoàn Trường Thành, nhờ có nhiều cánh rừng nguyên liệu đã được đầu tư trước đây cho nên vấn đề đầu vào cho sản xuất cũng ổn định. Tuy nhiên, với LS cao hiện nay, những khó khăn về tài chính, ngân sách hàng năm để góp vào trồng rừng mà chưa được thu hoạch cũng đã xuất hiện. Để giải quyết khó khăn, Trường Thành có thực hiện liên kết để tìm dòng vốn từ nước ngoài với chi phí LS thấp để tiếp tục đầu tư vào trồng rừng. “Đây cũng là một giải pháp để giảm đi áp lực về đồng vốn vay trong nước với lãi suất cao. Nếu không làm cách này, với tốc độ phát triển của đồng vốn bỏ vào trồng rừng không đuổi kịp tốc độ tăng LS đi vay, chắc chắn rất khó để Trường Thành có vốn để đầu tư vào trồng rừng, tạo nguồn nguyên liệu. Mặt khác, do đã đầu tư trồng rừng từ lâu nên vào thời điểm này, rừng nguyên liệu của Trường Thành đã bắt đầu cho khai thác. Do đó, điều này cũng giúp giảm đi áp lực về dòng vốn cho DN. Nhờ vậy, có lẽ Trường Thành là một trong số ít các DN duy trì được lợi nhuận trong bối cảnh lãi suất tăng cao...” - ông Thành chia sẻ.
Mong chờ sớm giảm lãi suất
Tuy nhiên, không phải DN nào cũng có được sự thuận lợi như Tập đoàn kỹ nghệ gỗ Trường Thành. Ông Thành cho biết, ở Hiệp Hội gỗ Bình Dương, hầu hết các DN đang gặp nhiều khó khăn, đang rơi vào tình trạng thua lỗ, một số DN có lãi nhưng không đáng kể. Trong khi đó, các DN gỗ có vốn đầu tư nước ngoài, có công ty mẹ ở nước sở tại, vay được vốn với lãi suất chỉ 2,5%/năm từ quốc gia họ, vẫn giữ được mức tăng trưởng thị phần và đang cạnh tranh, chiếm các thị phần của những DN chế biến gỗ trong nước. Đây là một điều rất là xót xa và đáng cảnh báo.
Ông Lương Ngọc Kim, Phó Chủ tịch Hiệp Hội chế biến gỗ Bình Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Chế biến gỗ Kim Thành A, TX.Thuận An cho biết, việc LS cao là do Chính phủ thắt chặt tiền tệ nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô, DN phải chấp nhận. Tuy nhiên, LS quá cao như hiện nay đã gây khó khăn rất lớn cho DN. LS đi vay ở mức công bố là 18%/năm nhưng thực tế luôn trên 20%, 22%, thậm chí có ngân hàng còn lên tới 27%/năm. Trong khi các nước khác chỉ khoảng 3-4%/năm, vậy thì khi cạnh tranh, DN trong nước gần như đầu hàng ngay trên sân nhà. Thực tế, nhiều DN phải dừng sản xuất vì không bảo đảm lợi nhuận hoặc thua lỗ. Đây là một bài toán nan giải mà DN đang phải chèo chống từng tháng, thậm chí từng ngày, cầm cự sản xuất - kinh doanh được càng lâu càng tốt và trông chờ vào các biện pháp của Chính phủ, Quốc hội về việc thực hiện các chính sách vĩ mô, sao cho LS có thể giảm dần, tháo gỡ khó khăn cho DN. “...Bây giờ DN kinh doanh mà hòa vốn đã được cho là thành công rồi, vì tương quan giữa LS và tỷ suất lợi nhuận đã tiệm cận nhau. DN mong chờ LS ngân hàng giảm, khác nào như trẻ mong mẹ đi chợ về ngày xưa?!..” - ông Kim ngán ngẩm.
Như ánh sáng cuối đường hầm
Với tình hình lạm phát đang được kiềm chế nhiều chuyên gia nhìn nhận, LS ngân hàng trong thời gian tới có thể giảm xuống, DN vì thế sẽ đỡ ngạt thở hơn về lãi suất đi vay. Tuy nhiên, với nhìn nhận từ phía DN, khả năng LS có thể giảm chỉ là một ánh sáng le lói cuối đường hầm. “...LS có thể giảm? Khó nói lắm!” - Ông Lương Ngọc Kim tỏ vẻ bi quan. Theo ông Kim, với tình hình hiện nay, việc giảm LS khó mà thành hiện thực trong năm 2011. Vì, từ nay đến cuối năm chỉ còn mấy tháng nữa, trong khi lạm phát chỉ mới đang giảm dần và chắc chắn việc thắt chặt tiền tệ sẽ còn phải được thực hiện. Mặt khác, nếu LS có giảm ở giai đoạn cuối năm 2011 thì DN cũng không cải thiện được gì nhiều trong kế hoạch sản xuất - kinh doanh của mình. Các DN hiện nay chỉ lo cầm cự và hy vọng sang năm 2012, lãi suất dễ thở hơn để chuẩn bị những kế hoạch sản xuất mới.
Còn Chủ tịch Tập đoàn kỹ nghệ gỗ Trường Thành Võ Trường Thành cho rằng, LS có thể giảm trong điều kiện lạm phát giảm dần nhưng vấn đề vẫn nằm ở các chính sách của Chính phủ, đặc biệt là từ ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Khi mà tiền tệ còn thắt chặt, nghĩa là lượng tiền sẽ còn thiếu trong khi nhu cầu vay vốn nhiều, các NH cũng là một DN, họ cũng sẽ vẫn duy trì mức LS cao để bảo đảm lợi ích của họ. “Trong khủng hoảng kinh tế, các DN gặp khó khăn hay trong bối cảnh các DN lao đao vì LS thì các NH vẫn làm ăn phát đạt, lợi nhuận cao... Chính phủ ra trần LS huy động 14%/năm, họ lách luật, tăng LS huy động bằng nhiều cách, trần huy động USD 2% nhưng họ vẫn cho vay 7-8%/năm... mà không bị xử lý...” - ông Thành cho biết và nhận định, nếu không có những biện pháp quyết liệt của Chính phủ, NH Nhà nước Việt Nam, dù lạm phát có giảm đi thì việc LS có thể giảm vẫn chỉ là một hy vọng mong manh, khó thành hiện thực trong năm 2011 này.
THÀNH SƠN