Ngân hàng Nhà nước vừa có buổi làm việc với các ngân hàng thương mại về việc giảm lãi suất trên thị trường xuống theo yêu cầu của Chính phủ. Theo các ngân hàng thương mại, với sự định của nền kinh tế vĩ mô, sự hỗ trợ của NHNN, cung - cầu vốn trên thị trường thì khả năng giảm lãi suất thị trường là hoàn toàn có thể thực hiện được.
Tuy nhiên, dù bày tỏ đồng thuận về chủ trương hạ lãi suất nhưng các ngân hàng cũng cho rằng, với tình hình hiện nay, việc giảm lãi suất là rất khó thực hiện ngay và cần có thêm thời gian.
Vì thế, các ngân hàng để nghị việc giảm mặt bằng lãi suất nên có lộ trình nhất định. Trước hết tập trung vào giảm lãi suất kỳ hạn ngắn và giảm lãi suất cho vay đối với các đối tượng khách hàng và lĩnh vực sản xuất - kinh doanh như Chính phủ yêu cầu.
Ngân hàng cần thêm thời gian để hạ lãi suất.
Ngân hàng cần thêm thời gian để hạ lãi suất.
Để thuận lợi cho giảm lãi suất, các ngân hàng thương mại cũng đề nghị nên giải quyết mối quan hệ phù hợp giữa lãi suất trái phiếu Chính phủ và lãi suất kinh doanh ngân hàng, tạo điều kiện cho các NHTM có căn cứ giảm lãi suất kinh doanh và vẫn thu hút được vốn từ nền kinh tế.
Đáp lại đề nghị từ các ngân hàng, Phó Thống đốc Nguyễn Đồng Tiến khẳng định NHNN sẽ tiếp tục có các biện pháp phù hợp để hạ lãi suất huy động VND xuống khoảng 10%, lãi suất cho vay VND khoảng 12% và dùng các công cụ của chính sách tiền tệ một cách linh hoạt và chủ động để hỗ trợ các NHTM giảm mặt bằng lãi suất kinh doanh và tăng thanh khoản cho nền kinh tế.
Mặc dù đồng thuận và cam kết sẽ hạ dần lãi suất, tuy nhiên, trên thị trường diễn biến lãi suất của các ngân hàng vẫn có dấu hiệu tăng lên. Ngân hàng Nhà nước mới đây đã tiếp tục cảnh báo một số ngân hàng tìm cách huy đông vốn lãi suất cao gần 12%.
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước cho biết sau khi cơ quan này cảnh báo sẽ thanh tra các ngân hàng đưa ra mức lãi suất 12%/năm, một số ngân hàng như Việt Á, Phát triển nhà TP.HCM đã điều chỉnh giảm lãi suất huy động. Tuy nhiên, cá biệt có NHTM cổ phần Phương Tây và Ngân hàng liên doanh Việt Nga áp dụng mức lãi suất cao 11,99%/năm ở một số các kỳ hạn.
Ngoài ra một số ngân hàng như: Ngân hàng Ngoài quốc doanh VPBank, ngân hàng TMCP Nam Á, Đệ nhất ngân hàng cũng có mức lãi suất khá cao, dao động từ 11,6%/năm đến 11,7 %/năm ở kỳ hạn 6 - 12 tháng, đặc biệt ngân hàng TMCP Kiên Long áp dụng mức lãi suất 11,6%/năm cho tất cả các kỳ hạn. Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) ở các kỳ hạn 3 - 12 tháng có mức lãi suất từ 11,55%/năm đến 11,6%/năm. Các ngân hàng lớn như Vietcombank, BIDV, VietinBank, SeABank cũng có mức lãi suất tiết kiệm khá cao mức dao động từ 11,2% đến 11,5%.
Trong khi đó, báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho biết, thị trường vẫn tiếp tục có các tín hiệu khả quan cho việc giảm lãi suất. Trên thị trường liên ngân hàng lãi suất giao dịch bình quân đối với các kỳ hạn ngắn (qua đêm, 1 tuần và 1 tháng) có xu hướng giảm nhẹ.
Lãi suất bình quân qua đêm giảm từ 6,80% xuống còn 6,52%/năm, giảm 0,28% so với lãi suất qua đêm tuần trước. Lãi suất bình quân các kỳ hạn ngắn (dưới 3 tháng) dao động từ 6,52% đến 9,00%/năm. Trong khi đó, lãi suất các kỳ hạn dài tăng lên, lãi suất bình quân kỳ hạn 3 tháng và 6 tháng tuần này khá cao từ 11,53% và 11,75%/năm.
(THEO VNN)