Giảm phát và những mối nguy hại tiềm ẩn

Cập nhật: 25-06-2012 | 00:00:00

Theo số liệu được công bố từ Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước trong tháng 6-2012 đã giảm 0,26% so với tháng trước và là lần đầu tiên CPI giảm sau 38 tháng tăng liên tục. “Giảm phát” là từ được nhiều kênh thông tin đề cập khi luận bàn quanh sự kiện CPI hiển thị con số âm, cho thấy những tin tức trước đó về số doanh nghiệp (DN) đóng cửa, tồn kho hàng hóa... đang thực sự là mối lo cho nền kinh tế.

Hàng hóa sản xuất ra không bán được khiến DN bị mắc nợ ngân hàng quá hạn ngày càng nhiều. Trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết tỷ lệ nợ xấu thực tế của toàn hệ thống tín dụng ước khoảng 10% chứ không phải ở mức 3 - 4% như các ngân hàng báo cáo. Những khó khăn trên đã làm gia tăng số lượng DN giải thể và dừng hoạt động trong 4 tháng đầu năm 2012 lên 17.735 DN, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2011. 

Sự trầm lắng của nền kinh tế còn thể hiện rõ nét ở thị trường tài chính - nơi mà ai cũng nghĩ đang rất sôi động khi các tổ chức tín dụng liên tục đưa ra những chương trình thu hút nguồn vốn từ người dân. Mới đây nhất, phiên đấu thầu trái phiếu Chính phủ do Kho bạc Nhà nước phát hành kết thúc chiều ngày 21-6 đạt tỷ lệ thành công rất thấp với 8%. Chỉ có 400 tỷ đồng trái phiếu trúng thầu trên tổng khối lượng gọi thầu là 5.000 tỷ đồng. Trong đó, lượng trúng thầu loại trái phiếu kỳ hạn 2 năm là 100 tỷ đồng (tỷ lệ thành công 10%); loại 3 năm là 100 tỷ đồng (tỷ lệ thành công 5%), loại 5 năm 200 tỷ đồng (tỷ lệ thành công 10%). Lãi suất trái phiếu trúng thầu lần lượt là: 9,2%/năm (kỳ hạn 2 năm); 9,4%/năm (3 năm) và 9,55%/năm (5 năm).

Lạm phát và giảm phát đều có những mối nguy hại riêng của nó. Lạm phát bào mòn của cải xã hội nhanh, trong khi giảm phát thường có xu hướng gắn liền với đình trệ và thất nghiệp. Về lý thuyết, giảm phát kéo dài tiềm ẩn nguy hiểm bởi khi đó vòng luẩn quẩn giảm phát hoàn toàn có thể diễn ra theo chiều hướng giảm tổng cầu, dẫn đến giảm giá cả chung, nợ xấu gia tăng, gây vỡ nợ, dẫn đến thất nghiệp/giảm thu nhập... Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tin rằng với một đất nước ưa thích tăng trưởng như Việt Nam thì việc giảm phát lại có thể diễn ra dài hơn.

Về lý thuyết, giảm phát có thể do 4 nguyên nhân: Sụt giảm cung tiền/tín dụng; tăng sản lượng chung; sụt giảm tổng cầu và tăng cầu tiền. Các nhân tố này có quan hệ khăng khít với nhau. Giảm tổng cầu là nhân tố quan trọng, nhưng giảm tổng cầu thực chất lại là hệ quả của việc thắt chặt tiền tệ, bởi điều này làm cho mặt bằng lãi suất cao, cầu tiêu dùng và cầu đầu tư chung trong nền kinh tế giảm xuống. Ở đây yếu tố tâm lý cũng đóng vai trò quan trọng là do sợ lạm phát quá mức, dẫn tới thắt chặt quá mức. Hiện tại, với con số CPI được công bố, nếu lo sợ giảm phát, suy thoái quá mức cũng có thể sẽ lại mở rộng quá mức và khi đó, những cố gắng để giảm lạm phát lâu nay xem như công cốc!

Vấn đề các DN mong đợi nhất hiện nay là chính sách tái cơ cấu nền kinh tế và xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, việc tiến hành những vấn đề này xem ra có vẻ quá chậm chạp. Chừng nào các chính sách chưa thực hiện rốt ráo các vấn đề nói trên, thì chừng đó những tín hiệu ổn định vĩ mô vẫn có nguy cơ trở lại trạng thái xấu bất cứ khi nào.

Hồng Phúc

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=199
Quay lên trên