Hiện nay, tỉnh Tiền Giang đã ghi nhận một trường hợp mắc cúm A/H9 đầu tiên trên người tại nước ta. Trước đó, tại tỉnh Khánh Hòa đã ghi nhận 1 trường hợp tử vong do mắc cúm A (H5N1). Để chủ động phòng cúm gia cầm lây nhiễm sang người, ngành y tế tỉnh triển khai các biện pháp phòng dịch, chú trọng giám sát chặt các điểm giết mổ gia súc, gia cầm.
Sở Y tế yêu cầu các đơn vị giám sát chặt các điểm giết mổ gia súc, gia cầm để phòng bệnh
Không để dịch bệnh lây lan diện rộng
Bệnh cúm gia cầm trên người hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như chưa có vắc xin phòng bệnh. Thời điểm này đang là giai đoạn chuyển mùa, thời tiết thay đổi bất thường, là điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh phát triển, gia tăng sự tương tác giữa các chủng vi rút cúm cùng với nguy cơ lây nhiễm sang các loài động vật có vú. Ngành y tế tỉnh nhận định, trên địa bàn có khả năng tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm các chủng vi rút cúm gia cầm sang người.
Để chủ động các biện pháp phòng, chống dịch bệnh lây từ động vật sang người trên địa bàn tỉnh, Sở Y tế gửi công văn đến các đơn vị y tế trong tỉnh yêu cầu thực hiện nghiêm 5 nội dung cơ bản, đặc biệt là công tác giám sát các điểm giết mổ gia súc, gia cầm. Ông Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết Sở Y tế đã yêu cầu các đơn vị, các cơ sở khám, chữa bệnh tăng cường năng lực hệ thống giám sát; thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh lây truyền từ động vật sang người, khoanh vùng bao vây ổ dịch không để dịch lây lan ra diện rộng (nếu có). Các đơn vị y tế chủ động phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh ngay tại cộng đồng. Đặc biệt, các đơn vị cần phối hợp đoàn thanh tra liên ngành về an toàn thực phẩm giám sát các điểm giết mổ gia súc, gia cầm; chú trọng đến gia súc, gia cầm bị bệnh hoặc chết đem giết mổ, đưa ra thị trường tiêu thụ.
“Trong công tác xét nghiệm, điều trị, các đơn vị cần chuẩn bị đầy đủ môi trường bảo quản, nuôi cấy và vận chuyển mẫu bệnh phẩm xét nghiệm tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Trong trường hợp vượt quá khả năng chuyên môn, các đơn vị cần có kế hoạch vận chuyển đến Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh; chủ động bảo đảm đầy đủ cơ số thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị phòng, chống dịch bệnh. Ngành cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động truyền thông bằng nhiều hình thức, hướng dẫn cộng đồng thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng; thực hiện đầy đủ công tác báo cáo bệnh truyền nhiễm theo Thông tư của Bộ trưởng Bộ Y tế”, ông Huỳnh Minh Chín cho biết thêm.
Không để bệnh động vật lây sang người
Hiện nay, trên thế giới ghi nhận hơn 200 bệnh lây truyền từ động vật sang người, mức độ lây lan ngày càng tăng. Sự xuất hiện của các bệnh lây truyền từ động vật sang người rất phức tạp, không chỉ ghi nhận nhiều đợt bùng phát cúm trên gia cầm ở tất cả các khu vực mà còn ghi nhận sự lây truyền cho các loại động vật có vú ngày càng gia tăng.
Tại Mỹ, ghi nhận rải rác các trường hợp nhiễm cúm A (H5N1) lây từ gia súc ở nhiều bang. Tại châu Á, tiếp tục ghi nhận các đợt bùng phát dịch cúm trên gia cầm gây ra bởi nhiều chủng vi rút cúm A. Một số quốc gia giáp với Việt Nam tiếp tục ghi nhận các ca cúm gia cầm trên người bao gồm H5N1, H9N2. Từ năm 2015 đến nay, ở khu vực Tây Thái Bình Dương ghi nhận 98 trường hợp mắc cúm A (H9N2), bao gồm 2 trường hợp tử vong, đều là các bệnh nhân có bệnh nền. Trong đó, 96 trường hợp bệnh được ghi nhận ở Trung Quốc và 2 trường hợp bệnh được nghi nhận tại Campuchia. Hiện tại chưa có bằng chứng cho thấy cúm A (H9N2) lây từ người sang người.
Tại Việt Nam, vào tháng 3-2024, tỉnh Khánh Hòa đã ghi nhận 1 trường hợp tử vong do mắc cúm A (H5N1) trên người và hiện nay ghi nhận trường hợp mắc cúm A (H9) đầu tiên. Trước đây, vi rút cúm A (H9N2) lưu hành trên đàn gia cầm nhưng độc lực thấp, gây triệu chứng nhẹ và không gây chết gia cầm hàng loạt. Con người vẫn có thể bị lây nhiễm và mắc bệnh cúm gia cầm A (H9N2) nếu tiếp xúc và sử dụng gia cầm và các sản phẩm gia cầm nhiễm bệnh. Do vậy, cần tăng cường tuyên truyền, không để dịch bệnh từ động vật lây sang người.
KIM HÀ