Giám sát tình hình giao thông và giữ gìn an ninh trật tự từ xa – Bài 2

Cập nhật: 23-03-2022 | 08:16:36

Bài 2: Ứng dụng hệ thống giám sát, điều hành thông minh

Để nâng cao hiệu quả của công tác quản lý, điều hành giao thông, ngành chức năng tỉnh đang triển khai thí điểm Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh (IOC - Intelligent Operations Center). Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực giao thông mở ra hướng phát triển cho giao thông đô thị, hạn chế tình trạng ùn tắc, nhất là các khu vực đang trở thành “điểm nóng” kẹt xe hiện nay.


Lực lượng chức năng khảo sát hệ thống camera an ninh tại phường Lái Thiêu, TP.Thuận An để tham khảo cho việc xây dựng IOC. Ảnh: QUỲNH ANH

Phù hợp với xu thế hiện nay

Nói về sự cần thiết khi triển khai IOC, ông Lê Tuấn Anh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, cho biết hiện nay các dữ liệu ở các ngành, địa phương đang bị phân tán, chưa được khai thác để phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh. Để giải quyết những hạn chế, bất cập này đòi hỏi phải có Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh mang tính tập trung để quản lý đồng bộ và toàn diện các dữ liệu rời rạc của các ngành, địa phương. Việc phát triển các ứng dụng tương tác giữa chính quyền với người dân nhằm nắm bắt, giải quyết kịp thời các phản ánh, kiến nghị, góp ý trên các lĩnh vực đời sống, xã hội, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân.

Sự ra đời của IOC sẽ là bước đột phá, tạo dựng được nền tảng cơ sở dữ liệu ban đầu để xây dựng chính quyền điện tử, nhằm hướng đến chính quyền số, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý, chỉ đạo điều hành, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn, thúc đẩy được ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trên mọi phương diện, lấy phát triển chính quyền điện tử làm trung tâm hướng tới chính quyền số.

Trong khi đó, Thượng tá Nguyễn Anh Kiệt, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, cho biết Bình Dương là tỉnh công nghiệp, kinh tế phát triển nên kéo theo đô thị hóa nhanh, từ đó nhu cầu vận tải gia tăng tạo áp lực lên hệ thống giao thông dẫn đến tình trạng kẹt xe vào giờ cao điểm, gây mất an toàn cho người tham gia giao thông. Do đó, việc xây dựng IOC để kết nối tất cả các dữ liệu, thông tin nhằm theo dõi, điều khiển từ xa thông qua hệ thống camera giám sát giao thông là cần thiết. Các ngành chức năng sẽ chủđộng hơn trong việc bao quát tình hình trật tựan toàn giao thông (ATGT) trên địa bàn; kiểm soát được các bất cập trong giao thông và từ đó có cách điều chỉnh phù hợp cũng như tăng cường lực lượng Cảnh sát giao thông đến các điểm ùn tắc để điều tiết.

Theo Thượng tá Kiệt, về lâu dài, giao thông thông minh giúp hoàn thiện kết cấu hạ tầng đường bộ và xử lý khẩn cấp các sự cố giao thông. Từ đó, giảm tai nạn, ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho việc di chuyển của người dân, doanh nghiệp khi vận chuyển hàng hóa. “Đây là xu hướng tất yếu để xây dựng hệ thống giao thông đô thị bền vững, có chất lượng phục vụ cao, mang lại nhiều tiện ích cho người dân, cải thiện môi trường và nâng cao hiệu quả xã hội”, Thượng tá Kiệt nhấn mạnh.

Đẩy mạnh xã hội hóa camera an ninh

Trong khi các ngành chức năng tỉnh tập trung triển khai IOC thì các địa phương đang đẩy mạnh thực hiện Đề án “Xã hội hóa camera an ninh” nhằm huy động các nguồn lực từ xã hội để sớm “phủ sóng” camera trên khắp các nẻo đường, địa bàn trọng điểm. Cụ thể như huyện Phú Giáo đã triển khai xong giai đoạn 1 và chuẩn bị triển khai giai đoạn 2 việc lắp đặt camera trên các tuyến đường trọng điểm.

Phát biểu tại hội nghị tổng kết công tác bảo đảm trật tự ATGT trên địa bàn huyện Phú Giáo năm 2021, ông Đoàn Văn Đồng, Chủ tịch UBND huyện Phú Giáo, cho biết nhờ có hệ thống camera này mà tình hình an ninh trật tự, trật tự ATGT trên địa bàn huyện có sự chuyển biến tích cực, giúp lực lượng chức năng điều tra, làm rõ nhiều vụ việc. Từ kết quả trên, ông Đồng đề nghị Công an huyện Phú Giáo sớm tham mưu UBND huyện xây dựng kế hoạch triển khai đề án xã hội hóa camera an ninh trong năm 2022; đồng thời khảo sát vị trí cần lắp đặt camera trên các tuyến đường do huyện quản lý nhằm phục vụ cho công tác giám sát, quản lý an ninh trật tự và trật tự ATGT từ xa.

“Một camera nếu lắp ở vị trí trọng điểm với chất lượng hình ảnh tốt và tầm quan sát rộng có thể thay thế cho việc tuần tra của lực lượng chức năng. Việc lưu giữ hình ảnh còn làm cơ sở cho quá trình phát hiện, truy xét, xử lý nhanh các hành vi vi phạm pháp luật”.

(Thượng tá Huỳnh Văn Thành, Trưởng Công an TX.Bến Cát)

Tại TX.Bến Cát, công tác triển khai Đề án “Xã hội hóa camera an ninh” được Công an địa phương xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Theo Thượng tá Huỳnh Văn Thành, Trưởng Công an TX.Bến Cát, thời gian qua có trên 25% vụ việc được phát hiện, xử lý qua hệ thống camera an ninh, góp phần hỗ trợ đắc lực cho công tác điều tra, phá án của lực lượng công an. “Một camera nếu lắp ở vị trí trọng điểm với chất lượng hình ảnh tốt và tầm quan sát rộng có thể thay thế cho việc tuần tra của lực lượng chức năng. Việc lưu giữ hình ảnh còn làm cơ sở cho quá trình phát hiện, truy xét, xử lý nhanh các hành vi vi phạm pháp luật. Với những kết quả trên, Công an thị xã tiếp tục tham mưu UBND TX.Bến Cát đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa nguồn kinh phí lắp đặt camera an ninh trên khắp các tuyến đường, địa bàn, phục vụ cho công tác phòng, chống tội phạm và bảo đảm trật tự ATGT, trật tự đô thị tại địa phương”, Thượng tá Thành cho biết thêm.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thành Úy, Phó Chủ tịch UBND TP.Thuận An, cho rằng việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác điều hành, tổ chức giao thông và bảo đảm an ninh trật tự bằng hệ thống camera là xu hướng tất yếu, phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay. Thực tế trong những năm qua, mô hình camera an ninh do Công an thành phố xây dựng, nhân rộng đã phát huy vai trò tích cực trong việc phòng ngừa, phát hiện, xử lý tội phạm và các vi phạm pháp luật khác, được người dân đánh giá cao. “Do đó, Công an TP.Thuận An cần tiếp tục nhân rộng mô hình này, đồng thời tiến hành khảo sát lại toàn bộ hệ thống camera an ninh trên địa bàn để phục vụ cho việc xây dựng trung tâm điều hành thông minh bằng hệ thống camera”, ông Uý phát biểu trong một hội nghị với các đơn vị chức năng TP.Thuận An cách đây không lâu.

Theo Kế hoạch về bảo đảm trật tự ATGT trong năm 2022 của Ban ATGT tỉnh đặt ra mục tiêu là kéo giảm tai nạn giao thông từ 5 - 10% về số vụ, số người chết và số người bị thương; tiếp tục khắc phục có hiệu quả tình trạng ùn tắc trên các trục giao thông chính, các đầu mối giao thông quan trọng, khu đô thị và không để xảy ra ùn tắc giao thông khi kiểm soát dịch bệnh…

Để thực hiện được chỉ tiêu trên, Ban ATGT tỉnh yêu cầu các đơn vị thành viên kiên trì, tích cực xây dựng văn hóa giao thông; đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự ATGT; đẩy mạnh tuyên truyền về văn hóa giao thông trên mạng xã hội và hạ tầng số. Điểm đáng chú ý trong kế hoạch bảo đảm trật tự ATGT trong năm 2022 của Ban ATGT tỉnh là yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, tổ chức giao thông, hướng dẫn người tham gia giao thông cũng như hỗ trợ công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm; tăng cường khả năng kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ công tác bảo đảm trật tự ATGT giữa các cơ quan chức năng, địa phương.

Q.ANH - N.HẬU

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên