Giám sát và phản biện xã hội: Tôn trọng và phát huy tiếng nói nhân dân

Cập nhật: 14-11-2020 | 08:24:41

Trong lịch sử 90 năm đồng hành cùng dân tộc, MTTQ luôn là trung tâm của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là nơi phản ánh tâm tư, nguyện vọng và tiếng nói của nhân dân. Để phát huy hiệu quả các vai trò trên, MTTQ luôn đổi mới nội dung và phương thức hoạt động để sát thực hơn với tình hình mới. Trong đó, hoạt động giám sát và phản biện xã hội đã được hệ thống MTTQ các cấp, trong đó có MTTQ Việt Nam tỉnh triển khai thực hiện ngày càng hiệu quả.


Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chủ trì tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với 2 dự thảo nghị quyết của HĐND tỉnh bằng hình thức trực tuyến

Tăng cường giám sát

Công tác giám sát và phản biện xã hội là một trong những hoạt động thường xuyên, trọng tâm của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội. Tuy nhiên, có thể thấy, từ khi Ban Chấp hành Trung ương ban hành Quyết định 217-QĐ/TW về việc ban hành quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội thì công tác giám sát và phản biện xã hội mới thực sự đi vào quy củ và bài bản.

Trong những năm qua, tại Bình Dương, MTTQ cấp tỉnh, huyện tổ chức 2-3 cuộc giám sát xã hội mỗi năm. Trong đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh giám sát nội dung các vấn đề liên quan đến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Các tổ chức đoàn thể thực hiện các nội dung giám sát các vấn đề liên quan thiết thân đến đoàn viên, hội viên. Trong khi đó, MTTQ cấp cơ sở thông qua Ban thanh tra nhân dân và Ban giám sát đầu tư cộng đồng cũng đã thực hiện các hoạt động giám sát đặc thù của từng địa phương.

Ông Nguyễn Huỳnh Đình, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho biết, thời gian qua cấp ủy, chính quyền các cấp đã quan tâm xây dựng, ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp hoạt động giám sát, phản biện xã hội; đặc biệt quan tâm xây dựng cơ chế, điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động giám sát, phản biện xã hội. Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã làm tốt vai trò chủ trì phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức thành viên khác. Chính quyền các cấp, các ngành cũng đã phối hợp với MTTQ các cấp thực hiện tốt nội dung này. Trong đó, trong kế hoạch giám sát, MTTQ các cấp đã chọn các vấn đề “nóng” về dân sinh; các nội dung người dân bức xúc nhất về môi trường, sức khỏe… Qua giám sát, MTTQ đã thông báo kết luận giám sát đến cơ quan chịu giám sát và cấp trên của cơ quan này. Các cơ quan, đơn vị được giám sát đã có tiếp thu, chấn chỉnh các nội dung được giám sát cho phù hợp hơn.

Phát huy hiệu quả phản biện

Cùng với hoạt động giám sát xã hội, thời gian qua, hoạt động phản biện xã hội cũng đã được MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội triển khai ngày càng hiệu quả. Theo ông Nguyễn Huỳnh Đình, ngày 18-6-2020, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2021. Trong đó, quy định về phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam trong quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, sửa đổi, bổ sung Điều 6 của luật năm 2015 để quy định về phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam trong quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Cụ thể, khoản 2 Điều 6 quy định rõ thời điểm thực hiện phản biện xã hội được thực hiện trong giai đoạn tổ chức lấy ý kiến về dự thảo quy phạm pháp luật và trường hợp dự thảo quy phạm pháp luật đã được phản biện xã hội thì hồ sơ dự án, dự thảo gửi thẩm định, thẩm tra, trình cơ quan có thẩm quyền phải bao gồm văn bản phản biện xã hội; đồng thời bổ sung trách nhiệm của cơ quan chủ trì soạn thảo trong việc nghiên cứu, giải trình, tiếp thu ý kiến phản biện xã hội khi chỉnh lý dự thảo văn bản. Các nội dung khác liên quan đến phản biện xã hội được thực hiện theo quy định của Luật MTTQ Việt Nam. Theo ông Đình, với quy định đổi mới trên, vai trò hoạt động phản biện xã hội của MTTQ đã được nâng lên ở mức cao hơn.

Thời gian qua, MTTQ các cấp trên địa bàn tỉnh đã thực hiện nhiều nội dung phản biện có chất lượng và đáp ứng được sự mong đợi từ nhân dân. Trong đó có thể kể đến một số hoạt động phản biện xã hội tiêu biểu như phản biện “chủ trương quy hoạch khai thác xuống độ sâu 150m và kéo dài thời gian khai thác đá tại cụm mỏ đá Tân Đông Hiệp”; phản biện quy định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép nuôi, vùng nuôi chim yến và chính sách hỗ trợ di dời cơ sở nuôi yến ra khỏi khu vực không được phép nuôi trên địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Huỳnh Đình thông tin thêm, hoạt động phản biện xã hội trong thời gian qua đã được mở rộng cả về mức độ, quy mô và đối tượng, trong đó có sự tham gia của đông đảo người dân. Điều này cho thấy, tiếng nói của người dân đã ngày càng được tôn trọng. Điển hình như hoạt động phản biện quy định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi, vùng nuôi chim yến và chính sách hỗ trợ di dời cơ sở nuôi yến ra khỏi khu vực không được phép nuôi trên địa bàn tỉnh được tổ chức theo hình thức trực tuyến rộng rãi đến các địa phương. Tại hội nghị phản biện này, rất nhiều ý kiến phản biện của cán bộ và nhân dân đã được tiếp thu; tinh thần dân chủ được phát huy.

Theo đó, các đại biểu nhấn mạnh, việc nuôi chim yến tại tỉnh trong những năm gần đây phát triển mạnh mẽ bởi giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, việc phát triển nuôi chim yến ồ ạt cũng phát sinh nhiều vấn đề cần phải xem xét, nghiên cứu như quy định quản lý, quy hoạch vùng nuôi chim yến, ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm môi trường, quản lý dịch bệnh, cảnh quan đô thị… Các ý kiến phản biện tập trung vào quy định các khu vực không được phép nuôi; vùng nuôi yến; chính sách hỗ trợ di dời và phương án di dời các trang trại nuôi yến… Một số ý kiến cho rằng cần phải quy hoạch phân vùng nuôi yến theo hướng khu vực có tiềm năng, mang tính lâu dài và phải có lộ trình; tuyên truyền đến người dân nâng cao nhận thức, ý thức trong nuôi yến để không gây ảnh hưởng đến môi trường sống xung quanh; có biện pháp ngăn chặn việc nuôi tự phát, săn bắt chim yến trong tự nhiên…

Hoạt động giám sát và phản biện xã hội tuy có nhiều đổi mới, tích cực nhưng theo ông Nguyễn Huỳnh Đình, vẫn có những hạn chế nhất định. Trong đó có hạn chế về mặt nhân lực khi năng lực của cán bộ mặt trận, tổ chức chức chính trị - xã hội một số nơi chưa cao, chưa đồng đều, chưa mời được các chuyên gia có chuyên môn sâu trên các lĩnh vực tham gia; lực lượng tham gia giám sát còn mỏng; hoạt động giám sát ở cơ sở còn mang tính nể nang, việc phát hiện vấn đề và kiến nghị còn hạn chế; hoạt động phản biện với các dự án dân sinh chưa nhiều.

Để công tác giám sát và phản biện xã hội của MTTQ trong thời gian tới phát huy hiệu quả, theo ông Đình cần tăng cường công tác lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác này; nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp giữa MTTQ với chính quyền các cấp và các ban, ngành; tập huấn cho đội ngũ cán bộ mặt trận các cấp…

Cùng với MTTQ tỉnh, MTTQ các huyện, thị, thành phố cũng đã mạnh dạn, chủ động lựa chọn đề xuất các nội dung, lĩnh vực để tổ chức phản biện xã hội. MTTQ các địa phương đã xây dựng kế hoạch và tổ chức phản biện hiệu quả như: Phản biện dự thảo kế hoạch thực hiện chương trình phát triển đô thị Thuận An giai đoạn 2016- 2020; phản biện dự án mở rộng Nghĩa trang nhân dân TP.Dĩ An giai đoạn 2; phản biện dự thảo kế hoạch nâng cao chất lượng, hiệu quả việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một giai đoạn 2017- 2020; phản biện chủ trương xây dựng phòng học trường Tiểu học Duy Tân (TX.Bến Cát); phản biện phương án thu hồi đất trường Thiếu Niên 3 Trừ Văn Thố (huyện Bàu Bàng)...

 CAO SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên