Gian nan thử… bản lĩnh

Cập nhật: 28-01-2022 | 11:51:57

Trong đợt dịch bệnh Covid-19 thứ 4, Bình Dương trở thành tâm dịch tại các tỉnh, thành phía Nam. Trải qua hơn 3 tháng cao điểm chống dịch, ngành y tế Bình Dương đã trải qua thời khắc hết sức khó khăn nhưng là bước phát triển quan trọng bằng cả 5 năm. Sự phát triển này không chỉ được đánh giá trên nền tảng cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc mà còn cả năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, bản lĩnh của đội ngũ y, bác sĩ.

Nỗ lực 200% sức mình

Trong những ngày dịch bệnh căng thẳng, đội ngũ y, bác sĩ tuyến cuối thuộc Khu điều trị Phú Chánh, TX.Tân Uyên (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) luôn cấp tập điều trị, dõi theo các chỉ số sinh tồn bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch. Trên đầu giường bệnh nhân, chiếc máy thở với bộ đèn nháy liên tục, tiếng bíp bíp kêu dồn dập. Các bác sĩ phải “chiến đấu” giành sự sống cho người bệnh từ những máy móc gắn chằng chịt trên người để theo dõi chỉ số sinh tồn.

 Lực lượng y tế TX.Tân Uyên phát túi thuốc cho F0 điều trị tại nhà

Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Hương, Khoa Lão học, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cho biết: “Trong những tình thế nguy cấp, đội ngũ y, bác sĩ phải làm việc xuyên đêm với hơn 200% sức lực và hơn bao giờ hết gánh nặng trên vai không chỉ là mạng sống người bệnh mà còn là mục tiêu giảm thấp nhất tỷ lệ tử vong. Do đó, những ca trực cứ hối hả gối đầu công việc. Các y, bác sĩ phải tranh thủ ăn, tranh thủ ngủ rồi có những ca nguy kịch lại lao vào cấp cứu mà chưa kịp lấy lại sức. Còn gì buồn đau hơn khi bệnh nhân đối diện với “tử thần” mà mọi nỗ lực níu kéo đến giây phút cuối cùng để bệnh nhân ở lại đều bị vô hiệu. Những lúc ấy, trái tim của những y, bác sĩ như bị bóp nghẹn, cảm giác như vừa mất đi một người thân và lặng lẽ làm nốt những phần việc còn lại”.

 Đằng sau niềm hạnh phúc và sức khỏe hồi phục tốt của người bệnh là những kinh nghiệm quý báu của hệ thống điều trị ngành y tế được đúc kết từ việc quản lý, theo sát diễn tiến sức khỏe người bệnh, nhất là những ca bệnh trở nặng. Đây cũng là cống hiến thầm lặng nhưng rất đáng trân quý của đội ngũ các y, bác sĩ, nhân viên y tế nơi tuyến đầu chống dịch - những người sẵn sàng quên mình cứu người, cũng như sự đồng lòng chung tay của cả hệ thống chính trị, của từng người dân trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh.

 

Nhiều tháng qua, đội ngũ nhân viên y tế của tỉnh đã âm thầm làm việc quên thời gian, có những nhân viên đã nhiễm bệnh, hy sinh trên mặt trận chống dịch khi tuổi còn rất trẻ. Đọc thư chia buồn của Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế gửi gia đình nữ hộ sinh Dương Nguyễn Thùy Trinh, người mất vì Covid-19 mà đẫm nước mắt: “Điều khủng khiếp nhất của dịch bệnh không chỉ là chia cách tình thân, cắt đứt mọi giao tiếp trong xã hội mà còn đẩy những người bị nhiễm và người bị chết vào hoàn cảnh đơn độc đến tận cùng. Nữ hộ sinh Dương Nguyễn Thùy Trinh và những bệnh nhân không may đã phải chấm dứt sự sống của mình trong sự tàn nhẫn của cái chết do dịch bệnh Covid-19. Chúng tôi rất đau xót nhưng cũng tự hào vì sự hy sinh của một người đồng nghiệp góp phần mang lại cuộc sống cho rất nhiều người ở lại”.

Bước phát triển 5 năm

Trao đổi với chúng tôi, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương cho biết thời gian qua, tỉnh tập trung điều trị F0 nặng có bệnh nền, sớm đưa hệ thống oxy dòng cao vào sử dụng, tránh bệnh nhân chuyển biến nặng và rút ngắn thời gian điều trị. Đặc biệt, ngành y tế đã điều phối, phân bổ nguồn lực y tế phù hợp, hạn chế thấp nhất tử vong và khắc phục tình trạng chậm trễ trong vận chuyển F0 khi chuyển biến nặng. Do đó, tỉnh liên tục ghi nhận hàng ngàn trường hợp bệnh nhân mắc Covid-19 được xuất viện mỗi ngày.

Thống kê đến thời điểm này, toàn tỉnh đã ghi nhận hơn 500.000 bệnh nhân Covid-19 khỏi bệnh được xuất viện về nhà. Đằng sau niềm hạnh phúc và sức khỏe hồi phục tốt của người bệnh là những kinh nghiệm quý báu của hệ thống điều trị ngành y tế được đúc kết từ việc quản lý, theo sát diễn tiến sức khỏe người bệnh, nhất là những ca bệnh trở nặng. Đây cũng là cống hiến thầm lặng nhưng rất đáng trân quý của đội ngũ các y, bác sĩ, nhân viên y tế nơi tuyến đầu chống dịch - những người sẵn sàng quên mình cứu người, cũng như sự đồng lòng chung tay của cả hệ thống chính trị, của từng người dân trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh.

Kết quả “trui rèn” trong hơn 3 tháng chống dịch, y tế Bình Dương có bước phát triển mạnh mẽ bằng 5 năm. Chỉ trong thời gian rất ngắn, trang thiết bị phục vụ y tế đã được tăng cường rất nhiều, từ xe cứu thương, máy thở đến máy xét nghiệm Realtime-PCR. Từ chỗ toàn tỉnh chỉ có 1 máy xét nghiệm PCR của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, đến nay đã có thêm 5 - 6 máy Realtime-PCR, hàng trăm máy thở và xe cứu thương phục vụ người bệnh. Bên cạnh đó, đội ngũ nhân lực y tế được cải thiện đáng kể về chuyên môn, nhất là về hồi sức tích cực. Toàn tỉnh triển khai hệ thống điều trị theo mô hình tháp 3 tầng, trang bị hệ thống oxy y tế, nhất là hệ thống oxy lỏng cho các bệnh viện, oxy bình cho các trạm y tế. Khu điều trị bệnh nhân Covid-19 được xây tại Phòng khám Đa khoa khu vực An Phú, TP.Thuận An đi vào hoạt động vừa qua là minh chứng cho sự phát triển và tiến tới mục tiêu mỗi huyện, thị, thành phố xây dựng khu điều trị chuyên biệt cho bệnh nhân Covid-19.

 Trong năm 2022, tỉnh sẽ thành lập và đưa vào hoạt động Trung tâm Cấp cứu ngoại viện theo đề án thành phố thông minh Bình Dương để hỗ trợ cho y tế tuyến cơ sở. Dự kiến trong tháng 1-2022, HĐND tỉnh sẽ thông qua nghị quyết chế độ chính sách cho cán bộ y tế cơ sở. Theo đó, 105 trạm y tế lưu động trên địa bàn tỉnh với 525 viên chức sẽ được hỗ trợ từ 2 - 3 triệu đồng/người/tháng với tổng kinh phí khoảng 94,5 tỷ đồng.

KIM HÀ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên