Gian nan tìm mua ngoại tệ

Cập nhật: 28-03-2011 | 00:00:00

Bài 1: Đỏ mắt tìm mua USD

Việc hạn chế giao dịch ngoại tệ tự do, quản lý thị trường ngoại hối là một trong những biện pháp được Chính phủ ban hành trong Nghị quyết 11/NQ-CP về kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Thời điểm này, những người có con du học, có người thân ốm đau, lỡ đã đặt vé đi du lịch đâu đó cần đến tờ USD thì “đỏ mắt” cũng không tìm ra nơi bán. Thị trường tự do đã đi vào im ắng, nhưng người có nhu cầu thực sự tìm đến ngân hàng (NH) thì đều được trả lời “không có nguồn”. 

Ngân hàng lắc đầu

NH Nhà nước cho biết, nếu có nhu cầu chính đáng như du học, chữa bệnh, du lịch... đến NH  nào cũng... mua được USD. Nhưng đến hàng chục chi nhánh NH để hỏi mua thì đều nhận được những cái lắc đầu, xua tay... Chỉ có NH  Á Châu (ACB) trả lời là có nhưng thủ tục để mua được USD lại rất rườm rà.

 

Đỏ mắt tìm mua USD

Gia đình chị Thùy Linh  chuẩn bị đi du lịch tại Singapore -Malaysia. Chị Linh mang vé máy bay và hộ chiếu đi đến hết NH này đến NH khác để đổi chỉ khoảng 2.000 USD nhưng đều nhận được những cái lắc đầu. Còn anh Trần Minh Hùng, một người có con đang phải thường xuyên đưa con đi điều trị bệnh điếc bẩm sinh tại Singapore đến một chi nhánh của NH  Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) ở Bình Dương để hỏi mua USD với mục đích mang đi chữa bệnh cho con thì được trả lời rằng “không có nguồn”. Sau khi tranh cãi với nhân viên NH về việc NH Nhà nước quy định các NH phải bán USD cho người có nhu cầu chính đáng thì chị được nhân viên ở đây trả lời “có ai bán USD cho NH đâu mà NH có nguồn bán lại cho anh?”. Tuy nhiên, sau một lúc năn nỉ, đại diện nhân viên ngoại hối ở đây cho biết, NH có thể “chiếu cố” trường hợp của anh với điều kiện anh phải mang đầy đủ hồ sơ chứng từ, gồm 6 loại sau: Hồ sơ bệnh án của cơ sở trong nước khám, yêu cầu chuyển ra nước ngoài khám của bác sĩ điều trị, Phía bệnh viện nước ngoài có giấy tờ chuyển về tiếp nhận, bản báo giá của bệnh viện, passport, vé máy bay... 

Anh Hùng cho biết, trước khi tìm đến BIDV, anh cũng đã tìm đến Vietcombank, Techcombank, Agribank... và vài tiệm vàng ở khu vực thị xã nhưng đều không thể nào mua được USD.

Thị trường tự do ngoảnh mặt

Các tiệm vàng vốn nhộn nhịp chuyện mua bán ngoại tệ như Kim Hồng, Kim Hoa, Kim Châu... và một số điểm chuyên thu đổi ngoại tệ khác trong tỉnh đều được báo là “không mua bán USD”. Rất nhiều người có nhu cầu đổi, mua, bán ngoại tệ đều bị từ chối, với lý do tạm ngừng không giao dịch theo theo chỉ đạo của chủ cửa hàng. Nhưng theo quan sát, một số khách hàng vẫn ra vào và giao dịch khá kín đáo. Đặc biệt, nếu khách hàng hỏi mua với số lượng lớn, từ 5.000 - 10.000 USD trở lên thì được tiệm vàng chấp thuận, với giá bán ra ở 21.650 đồng/USD.

 Trên thực tế, hầu hết các tiệm chỉ tạm nghỉ giao dịch với những khách hàng nhỏ, lẻ, chuyển vào giao dịch ngầm. Anh Đỗ Tiến Mạnh,  người đổi ngoại tệ ở một điểm gần khu vực chợ Thủ mách nước: “Muốn đổi ngoại tệ bây giờ, tốt nhất là nên tìm người quen giới thiệu, hoặc... hùn nhiều người lại mua nhiều, bán nhiều thì các điểm mới chịu đổi”.

Người dân gian nan xoay sở

Trong khi đó, nhiều chi nhánh, phòng giao dịch của NH Á Châu cho biết, các nhu cầu như chữa bệnh, du học nếu đầy đủ giấy tờ thì ACB sẽ giải quyết nhưng hạn mức chỉ nằm ở 7.000 USD/năm. Chị Huỳnh Minh Lý có con đang du học tại Mỹ, buồn rầu, kể: “Tôi có đến một số NH trình bày con tôi đang học ở Mỹ, muốn mua USD để chuyển cho con nhưng hầu hết các chi nhánh NH đều từ chối bán với lý do “không có nguồn để bán”. Có NH đồng ý nhưng lại đòi passport của con tôi, mà nó thì đang ở bên Mỹ, làm sao chuyển passport về được”.

Mua vài ngàn USD đã khó, những người muốn mua vài trăm USD đến 1.000 USD với nhu cầu đi du lịch lại còn khó hơn. Anh Nguyễn Hoàng Anh, chuẩn bị đi du lịch Thái Lan vào cuối tháng 3. Anh đến các NH trong tỉnh đổi khoảng 700 - 800 USD nhưng cũng không có hy vọng gì hơn. Anh kể: “Tích cóp mấy năm để cuối tháng 3 này đi Thái Lan để du lịch vài ngày, mà giờ mua USD tiền mặt thì chẳng nơi nào bán cả. Những người có nhu cầu mua USD chính đáng như chúng tôi thấy mệt mỏi với việc đến các NH để mua USD lắm rồi”.

Tuy nhiên, việc các NH đều từ chối bán USD cho các cá nhân có nhu cầu không phải vì họ không có nguồn như đã trả lời. Lãnh đạo một NH có lượng ngoại hối dồi dào tiết lộ rằng, NH không bao giờ mua USD với giá 20.890 đồng/USD (giá ngày 23-3) và cũng không cá nhân, đơn vị nào chịu bán cho NH ở mức đó nên họ phải “cân nhắc kỹ” trước các quyết định bán USD cho các cá nhân, bởi chẳng ai chịu lỗ cả.

Việc hạn chế giao dịch ngoại tệ tự do, quản lý thị trường ngoại hối là một trong những biện pháp được Chính phủ ban hành trong Nghị quyết 11/NQ-CP về kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Theo ý kiến một số chuyên gia NH, việc dừng các đại lý thu đổi ngoại tệ cũng cần được xem xét. Trước kia khi hệ thống phòng giao dịch của các NH còn thiếu và yếu, thì các quầy đại lý thu đổi ngoại tệ tồn tại là hợp lý. Khi hệ thống phòng giao dịch các NH đã phổ biến, cần thực hiện quy đổi ngoại tệ trong hệ thống phòng giao dịch để bảo đảm quản lý thị trường ngoại hối minh bạch, dễ kiểm soát, giảm những biến động bất thường.

NGỌC THANH - LINH HÀ

Bài 2: Gỡ nút thắt, cửa giao dịch vẫn hẹp

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên