Gian nan tìm mua ngoại tệ

Cập nhật: 29-03-2011 | 00:00:00

Bài 2: Gỡ nút thắt, “cửa” giao dịch USD vẫn hẹp

Một số ngân hàng (NH) thương mại đã bắt đầu bán USD cho các cá nhân có nhu cầu thực sự,  nhưng giấy tờ và các thủ tục liên quan vẫn “vô cùng rắc rối”. Hầu hết các NH có bán USD cho khách hàng đều “không cam kết” sẽ bán “mọi lúc, mọi nơi”. Bài toán ngoại tệ vẫn vô vàn khó khăn khi NH đổ cho tâm lý chuộng USD, còn khách hàng cho rằng, NH gây khó chờ thu phí.

Gõ cửa nhà băng vẫn khó

Ngay khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho phép giao dịch thỏa thuận tỷ giá USD kỳ hạn 3 tháng đến 1 năm, một số NHTM đã mở cửa bán USD. Nhưng người có nhu cầu vẫn phải “vã mồ hôi” để mua ngoại tệ này. Ngoài việc phải có đủ giấy tờ cần thiết chứng minh mua ngoại tệ hợp pháp, người dân vẫn gặp không ít phiền phức khi mua ngoại tệ tại NH, như bị tính thêm phí (khiến giá mua USD tại NH cũng ngang bằng giá trên thị trường tự do), hoặc chỉ được mua một số lượng ngoại tệ nhất định, thậm chí không ít nhà băng từ chối đáp ứng nhu cầu mua ngoại tệ chính đáng của người dân. Lý do, nhiều NH đưa ra là khi dư dả mới có thể bán!

  Nhu cầu ngoại tệ của người dân phần lớn vẫn là mua USD đi du lịch, du học, trị bệnh

Vốn là khách hàng thường xuyên của Techcombank, phải đi công tác nước ngoài đột xuất, ngày 23-3, chị Nguyễn Thị Hải Yến có mặt ở một chi nhánh của NH Đầu tư - Phát triển (BIDV) để mua USD. Tại đây, chị được yêu cầu phải có hàng loạt các giấy tờ như: vé máy bay, giấy điều chuyển công tác, hạn mức và chi phí công tác, địa điểm công tác và bảng giá tiền nghỉ khách sạn... Sau cả buổi chờ đợi, chị Yến cũng được mua 2.000 USD, nhưng  số lượng này với công việc của chị là quá ít. Chị cho biết: “Được vậy cũng mừng rồi. Tuy nhiên, hồi trước ra tiệm vàng thì mua bao nhiêu cũng có, giờ mua ở tiệm vàng thì không bán, mua ở NH lại bị hạn chế...”.

Nhưng chị  vẫn còn may mắn hơn rất nhiều khách hàng đến giao dịch tại các NH khác như ACB, VCB, Agribank, Eximbank... Anh Đỗ Minh Hiếu, nhân viên của một công ty có vốn nước ngoài tại Bình Dương dở khóc dở cười khi mua USD tại ACB. “Tôi được cơ quan thưởng cho đi du lịch nước ngoài nên liên hệ ngay với NH để mua USD, nhưng hầu hết các NH đều “từ chối” bán. ACB có bán nhưng đòi quá nhiều giấy tờ. Nói chung phải mất nhiều công đoạn tôi mới mua được vài trăm USD”.

Cân nhắc thu phí

NH không đủ USD để bán hay không muốn bán cho khách hàng? Về việc này, ông Nguyễn Thanh Toại, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Á Châu (ACB), nói: “Nếu có nguồn USD thì chúng tôi bán, chúng tôi không cam kết với khách hàng là lúc nào cũng có USD đáp ứng nhu cầu ”. Trong khi đó, đại diện NH Đông Á, đơn vị đã “cam kết” bán ngoại tệ cho khách hàng, bà Nguyễn Thị Kim Xuyến, Phó Tổng Giám đốc nói: “Chúng tôi không hứa là bán USD cho khách hàng, mà chỉ hứa là khách hàng đi nước nào thì bán ngoại tệ nước đó cho họ”. Theo bà Xuyến, từ thực tế thì “nhu cầu ngoại tệ của người dân phần lớn vẫn là... mua USD, tâm lý chuộng USD đã khiến rổ ngoại tệ của các NH khó đáp ứng nổi”.

Ông Nguyễn Hưng - Tổng Giám đốc NHTMCP Việt Nam Thịnh Vượng cũng thừa nhận, người dân có quyền mua nhưng không phải lúc nào NH cũng có đủ nguồn để đáp ứng, bởi họ vẫn chưa chịu bán ngoại tệ cho NH. Ông Phan Đào Vũ - Tổng Giám đốc NHTMCP Bảo Việt (BaoVietBank) cũng cho biết, lượng ngoại tệ của cá nhân chảy vào ngân hàng rất nhỏ giọt, mặc dù đã có lác đác cá nhân bán ngoại tệ cho nhà băng khi thị trường ngoại tệ tự do đóng cửa.

Trong báo cáo mới đây của NHNN trình Chính phủ về quản lý ngoại tệ, đơn vị này đang cân nhắc cho phép tổ chức tín dụng thu phí 2% so với tỷ giá chuyển khoản niêm yết khi bán ngoại tệ cho nhu cầu chính đáng của cá nhân. Khoản phí này, theo NHNN, là để các NH bù đắp chi phí nhập khẩu, kiểm đếm, lưu kho.

Việc thu phí này được nhiều NHTM tán thành. Ông Trần Trọng Quốc Khanh - Giám đốc Trung tâm Vàng Á Châu, cho rằng, với USD thì phải nhập từ nước ngoài về. Nhập khẩu tiền mặt thì phải trả phí. Bên cạnh đó, khi sử dụng tiền mặt, NH phải chi thêm nhiều chi phí như: kiểm ngân, phí để duy trì tiền mặt tại quỹ... Với chi phí như thế thì NH sẽ không giữ nhiều tiền mặt tại quỹ, nhất là trong bối cảnh lạm phát thì các NH thường lại  phải cân đo đong đếm kỹ càng để tiết kiệm chi phí.

Đồng tình với quan điểm này, ông Trần Phương Bình, Tổng Giám đốc NH Đông Á, khẳng định, để có ngoại tệ bán cho người có nhu cầu chính đáng, NH phải dự trữ, dẫn đến phát sinh chi phí. Hơn nữa, tiền mặt nằm trong NH không sinh lời, nên cần thu phí mua bán. Nếu NH được phép bán ngoại tệ có thu phí, sẽ bảo đảm kinh doanh không thua lỗ, tỉ giá ngoại tệ uyển chuyển hơn.

Bài 3: Chống USD hóa song song với tạo thói quen sử dụng thẻ thanh toán quốc tế

 

NGỌC THANH - LINH HÀ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=277
Quay lên trên