Bài cuối: Chống USD hóa song song với tạo thói quen sử dụng thẻ thanh toán quốc tế
Bài 1: Đỏ mắt tìm mua USDNgân hàng Nhà nước (NHNN) đang cân nhắc việc thu phí 2% khi bán USD cho khách hàng cá nhân. Mới đây, một ngân hàng thương mại (NHTM) đã công bố hạn mức bán ngoại tệ cho khách hàng cá nhân có nhu cầu hợp pháp. Bên cạnh đó, việc tạo thói quen sử dụng thẻ thanh toán quốc tế để sử dụng ở nước ngoài được xem là những giải pháp khai thông việc mua bán ngoại tệ của người dân tại các NHTM hiện nay.
Chống đô-la hóa một cách triệt để
Câu chuyện đô-la chợ đen trong thời gian qua ngưng giao dịch được coi là chuyện lạ của thị trường tiền tệ, nhất là giữa lúc thị trường này đầy biến động. Sau thời gian dài để USD chợ đen làm mưa làm gió khiến thị trường tiền tệ hỗn loạn, có thể nói đây là lần mạnh tay của cơ quan quản lý, khi huy động cùng lúc cả hệ thống chính quyền kiểm soát và ổn định thị trường. Hiệu quả đầu tiên đã thấy, khi ngoại tệ tự do mấy ngày nay lặng sóng, dù đó chỉ là con sóng bề nổi. Mặc dù vậy, những căng thẳng về ngoại tệ, mà nhất là đồng USD cho nhu cầu hợp pháp vẫn chưa dừng. Nhu cầu đổi USD của một bộ phận người dân là có thật, rất chính đáng. Làm thế nào mua được ngoại tệ khi thị trường tự do không còn đang là bức xúc với nhiều người, khi NHNN khẳng định việc đáp ứng phụ thuộc vào khả năng của các NHTM, trong khi NHTM trả lời không có nguồn.
Đã đến lúc người Việt cần giảm phụ thuộc vào đồng USD
Chúng ta đã có Pháp lệnh Ngoại hối. Nhưng nhiều năm qua, sự quản lý quá lỏng lẻo, đã tạo điều kiện cho thị trường chợ đen có cơ hội làm mưa làm gió, dẫn dắt thị trường chính thống. Không có quốc gia nào mà khi giao dịch tỷ giá, các ngân hàng lại nhìn tỷ giá chợ đen chứ không phải tỷ giá liên ngân hàng. Chuyện quản lý thả nổi đã vô hình trung chấp nhận thị trường ngoại tệ chợ đen. Một phần cũng vì hệ thống mua bán, trao đổi ngoại tệ của các đơn vị chính thống yếu kém, không đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, khiến người có nhu cầu phải tìm đến thị trường chợ đen.
Cấm thì phải cấm triệt để, buộc người dân quay về với giao dịch bằng tiền đồng. Không thể chấp nhận chuyện chống đô-la hóa, nhưng tại các trung tâm ngoại ngữ, salon ô tô, nhà hàng, khách sạn, buôn bán, cho thuê nhà cửa, đất đai... cứ niêm yết bằng USD... Phải để người dân không còn thói quen mang tiền đồng đi mua USD để giao dịch, thì USD cất giữ trong dân sẽ ít đi, tạo điều kiện cho các ngân hàng huy động, thu hút nguồn USD nhàn rỗi.
Thực tế, nếu thị trường chính thức hoạt động tốt, sẽ lấn át chợ đen. Lúc này, các ngân hàng, đơn vị được phép buôn bán ngoại tệ phải đáp ứng được nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Biện pháp đã làm thì phải triệt để, đừng để “đầu voi đuôi chuột”, truy quét một thời gian rồi đâu lại vào đó. Làm được điều này mới mong minh bạch thị trường, kéo tỷ giá về đúng giá thực của nó.
Để giải quyết nhu cầu mua ngoại tệ chính đáng của người dân, ngày 21-3, NHTM Cổ phần Đông Á (DAB) là ngân hàng đầu tiên công bố hạn mức bán ngoại tệ mặt cho cá nhân có nhu cầu hợp pháp. Ngân hàng này cũng cho biết, khi khách hàng có nhu cầu mua ngoại tệ nhiều hơn hạn mức, ngân hàng sẽ xem xét từng trường hợp cụ thể để đáp ứng cao nhất yêu cầu của khách hàng. Đồng thời, DAB khuyến khích khách hàng mở thẻ tín dụng (loại sử dụng ngắn hạn), có ký quỹ VND để thanh toán các chi phí khi ở nước ngoài.
Thay đổi thói quen sử dụng thẻ tín dụng
Trong Văn bản số 2033/NHNN-QLNH ngày 12-3 gửi các tổ chức tín dụng (TCTD) được phép hoạt động ngoại hối, NHNN yêu cầu các TCTD chủ động bán ngoại tệ tiền mặt để đáp ứng các nhu cầu hợp pháp như công tác, học tập, chữa bệnh... của cá nhân theo các quy định của pháp luật. Đồng thời, tại văn bản này, để bảo đảm đáp ứng các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của các cá nhân, Thống đốc NHNN yêu cầu tổng giám đốc (giám đốc) các TCTD được phép hoạt động ngoại hối chỉ đạo toàn hệ thống tăng cường hoạt động mở thẻ thanh toán quốc tế để tạo điều kiện cho các cá nhân sử dụng thẻ thanh toán quốc tế khi có nhu cầu chi tiêu ở nước ngoài.
Phương thức thanh toán hiện đại này được sử dụng tại nhiều nước, vừa tiện dụng lại an toàn. Với thẻ ghi nợ (debit card), khách hàng nộp tiền VND vào tài khoản thẻ và sau đó có thể sử dụng thẻ để thanh toán ở nhiều quốc gia. Theo ông Nguyễn Hưng - Tổng Giám đốc VP Bank, thủ tục mở thẻ ghi nợ rất đơn giản, thường là chỉ sau một ngày làm thủ tục là khách hàng có thẻ để sử dụng. Đối với thẻ tín dụng (credit card), điều kiện mở thẻ phức tạp hơn (người mở thẻ phải có hợp đồng lao động dài hạn với cơ quan và được cơ quan bảo lãnh hoặc có tài sản thế chấp...) và cũng phải mất vài ngày mới nhận được thẻ. Nhưng đổi lại, khách hàng được dùng thẻ để “thanh toán trước, trả tiền sau” ở cả trong và ngoài nước. Hơn nữa, khi mang ngoại tệ tiền mặt ra nước ngoài, chúng ta bị giới hạn chỉ được cầm tối đa 7.000 USD, nếu nhiều hơn phải khai báo, với việc sử dụng thẻ, điều này sẽ không bị giới hạn. Đồng thời, khách hàng được hưởng nhiều tiện ích gia tăng khi sử dụng thẻ.
Trong Báo cáo số 20/BC-NHNN ngày 18-3 của NHNN trình Chính phủ và báo cáo với lãnh đạo các tỉnh, thành phố đối với vấn đề quản lý ngoại tệ, có một vấn đề liên quan đến việc cho phép TCTD thu phí 2% so với tỷ giá chuyển khoản niêm yết khi bán ngoại tệ cho nhu cầu chính đáng của cá nhân nhằm để ngân hàng bù đắp chi phí nhập khẩu, kiểm đếm, lưu kho.
Việc thu phí 2% được nhiều NHTM tán thành. Ông Trần Trọng Quốc Khanh - Giám đốc Trung tâm Vàng Á Châu cho biết: “Với USD thì chúng ta không in được mà phải nhập khẩu USD mặt từ nước ngoài về. Thường là Singapore. Nhập khẩu tiền mặt về thì phải trả phí. Cứ 1 USD chuyển khoản, thì nhận được hơn 0,9 USD tiền mặt. Bên cạnh đó, khi sử dụng tiền mặt tốn nhiều chi phí. Ví dụ ngân hàng phải có kiểm ngân, chi phí để duy trì tiền mặt tại quỹ... Với chi phí như thế thì ngân hàng sẽ không giữ nhiều tiền mặt tại quỹ. Nhất là trong bối cảnh lạm phát thì các ngân hàng thường sẽ phải cân đo đong đếm kỹ càng để tiết kiệm chi phí. Vì thế để có USD phục vụ mục đích chính đáng khi ra nước ngoài, chúng ta cần thay đổi thói quen sử dụng thẻ tín dụng. Với thẻ tín dụng vẫn có thể rút tiền mặt ở nước ngoài với đồng nội tệ của nước đó”.
Mới đây nhất, ngày 24-3, Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) có văn bản chỉ đạo Giám đốc sở giao dịch, Giám đốc các chi nhánh trên toàn hệ thống đáp ứng ngoại tệ tiền mặt theo giá niêm yết đối với các nhu cầu hợp pháp của khách hàng. Số lượng ngoại tệ mà Eximbank cam kết bán cho người dân cũng bằng với số lượng mà Ngân hàng Đông Á cam kết. Hiện nay, những ngân hàng trên cam kết bán ngoại tệ cho người dân đều chưa thu thêm bất kỳ một khoản phí nào. Tuy nhiên, lãnh đạo một số ngân hàng cho rằng, nếu NHNN cho phép các ngân hàng được thu thêm phí đối với ngoại tệ thì ngân hàng sẽ dễ thở hơn nhiều.
NGỌC THANH - LINH HÀ
Bài 1: Đỏ mắt tìm mua USD