Giao ban các hiệu trưởng THPT: Những bài học kinh nghiệm quý giá

Cập nhật: 02-08-2010 | 00:00:00

Một hội nghị “bàn tròn” giữa các trường THPT nhằm chia sẻ kinh nghiệm trong việc tổ chức giảng dạy để đạt kết quả cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, do Sở GD-ĐT chủ trì, đã diễn ra vào ngày 23-7 vừa qua. Như anh em trong một nhà, những bí quyết trong quản lý, tổ chức giảng dạy đã được các hiệu trưởng truyền đạt cho những người anh em khác. Tất cả cùng hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, đưa tỷ lệ tốt nghiệp THPT sánh ngang bằng hoặc cao hơn những tỉnh, thành khác.

Những kinh nghiệm quý giá

Mở màn chương trình, cô Đoàn Thị Ngọc Diệp, Hiệu phó trường THPT Thường Tân (Tân Uyên) cho biết: Năm 2009 trường có 90% học sinh (HS) tốt nghiệp THPT, năm học này có 93% HS tốt nghiệp. Kết quả đạt được là sự cộng lực từ nhiều phía: giáo viên nhiệt tình, tận tâm; tổ chức đoàn quản lý nề nếp học tập của HS, hàng tuần có đánh giá phong trào thi đua học tập; phụ huynh cùng nhà trường động viên HS cố gắng học tập; địa phương phối hợp với ban đại diện cha mẹ HS hỗ trợ HS có hoàn cảnh khó khăn bằng nhiều hình thức... Trong tổ chức giảng dạy, trường không cắt xén chương trình, thực hiện kiểm tra đánh giá nghiêm túc. Sau khi kết thúc chương trình, trường tổ chức ôn tập cho HS ở những môn quan trọng, đến khi Bộ GD-ĐT công bố các môn thi, trường tập trung xoáy sâu vào những môn này và chú ý nhiều hơn đến những HS yếu kém.

Là một trường vùng xa của Dầu Tiếng, cơ sở vật chất còn khó khăn, song trường THPT Phan Bội Châu cũng “lên hạng” trong kỳ thi tốt nghiệp năm nay. Một vị trong Ban giám hiệu (BGH) nói thật lòng, ở đây chúng tôi muốn chia sẻ những khó khăn nhiều hơn là truyền đạt kinh nghiệm, vì thật ra biện pháp thực hiện cũng có những điểm tương đồng như các trường bạn. Có khác chăng là trường lấy chữ nhẫn và chữ tâm làm phương châm hoạt động. Nghĩa là nhà trường tập trung bồi dưỡng HS ngay từ năm lớp 10. Còn tâm ở đây là sự tận tâm tận tụy của các thầy cô. Giáo viên của trường đa số còn trẻ, đầy nhiệt huyết, tận tâm, tận tụy với nghề, sẵn sàng dốc hết tâm sức truyền đạt kiến thức cho HS thân yêu.

Đạt tỷ lệ 100% HS tốt nghiệp THPT trong năm học này, kinh nghiệm của trường Tây Sơn (Phú Giáo) là rèn luyện HS có thói quen tự học, thầy cô không dạy theo kiểu nhồi nhét kiến thức; BGH dự giờ đột xuất, có như thế giáo viên sẽ không lơ là trong giảng dạy; nhà trường động viên khen thưởng kịp thời những HS giỏi, HS nghèo hiếu học nhằm khuyến khích tinh thần học tập của HS.

Những năm gần đây, trường THPT Phước Vĩnh (Phú Giáo) bất ngờ bứt phá khi liên tục thăng hạng trong các kỳ thi tốt nghiệp. Riêng năm học 2009-2010 có 98,5% HS tốt nghiệp THPT, đứng hàng thứ ba trong số 27 trường THPT trong tỉnh. Đây cũng là trường được... chất vấn nhiều nhất tại buổi chia sẻ kinh nghiệm này. Ông Trần Duy Tỵ, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Nhà trường có đề cương ôn tập chung cho cả khối và đề thi được lấy ra từ đề cương ấy. Đối với HS lớp 12 nhà trường tổ chức họp phụ huynh 9 lần trong năm học để thông tin tình hình học tập của HS. Những buổi họp ấy, giáo viên nào có HS yếu nhiều phải đến dự họp và nêu nguyên nhân vì sao HS yếu. Giáo viên mắc khuyết điểm thì BGH nhắc nhở riêng, nhưng khen thì công khai tại hội đồng. HS từ yếu kém nâng lên trung bình cũng được thưởng, lớp giỏi được tuyên dương dưới cờ, phần thưởng chỉ là bánh kẹo nhưng quan trọng là danh dự, như thế HS các lớp sẽ thi đua nhau học tập.

Vẫn còn trăn trở

Cũng tại hội nghị “bàn tròn” lần này, ngoài muốn nghe kinh nghiệm tổ chức giảng dạy từ các trường bạn, một số trường còn mong được những người anh em chia sẻ kinh nghiệm trong việc quản lý HS hư. Hiệu trưởng một trường THPT ở Thuận An đã than thở: “Hiện nay HS ở các vùng thành thị bị tác động từ xã hội dẫn đến hư hỏng, thích chơi hơn học. Phụ huynh bó tay nên phó thác việc dạy dỗ cho nhà trường, nhưng trường cũng đau đầu với các em này. Khi trường tổ chức dạy phụ đạo các em không đi học hoặc có đến lớp nhưng không thuộc bài. Với những trường hợp như vậy liệu rằng có trường nào dám mạnh dạn xử lý hạ hạnh kiểm để rồi các em không được thi tốt nghiệp, liệu rằng như vậy có yên được không? Thật sự chúng tôi đau đầu với số HS hư. Vậy ai có kinh nghiệm gì hay xin chia sẻ để chúng tôi học tập”.

Một vị khác ở một trường của huyện Dĩ An cũng tỏ ra khá bức xúc xung quanh bài toán làm thế nào để nâng cao chất lượng giáo dục. HS ở đây đa số là con em lao động nhập cư, phụ huynh không mấy quan tâm đến việc học của con em. Đã vậy, khu vực gần trường có nhiều điểm internet khiến cho HS càng ham mê vào các trò chơi game, xao lãng học hành. Thêm nữa, một số giáo viên còn bê trễ nhưng chưa được BGH xử lý mạnh tay, dẫn đến ảnh hưởng chất lượng giáo dục.

Từ cuộc họp giao ban lần này, chúng tôi nghiệm ra rằng: cơ sở vật chất tốt, trò nỗ lực học tập nhưng nếu như công tác quản lý chưa tốt, thầy không tận tâm, tận tụy thì có học tập kinh nghiệm hay cách mấy vẫn không thể làm chuyển biến được chất lượng giáo dục.

 A.SÁNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên
X