Việc giao đất, cho thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất (SDĐ), gồm các nội dung: Căn cứ thẩm quyền, điều kiện giao đất cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích SDĐ; các trường hợp được giao đất không thu tiền SDĐ, giao đất có thu tiền SDĐ, cho thuê đất, chuyển mục đích SDĐ không phải xin phép, chuyển mục đích SDĐ phải xin phép cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Về giao đất không thu tiền SDĐ: Các tổ chức sự nghiệp công lập tự chủ về mặt tài chính phải chuyển sang thuê đất. Đó là các đơn vị sự nghiệp, các trường học, bệnh viện.
Về giao đất có thu tiền SDĐ: Các dự án sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp của các tổ chức, hộ gia đình cá nhân trong nước, các dự án nhà ở để bán, cho thuê, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài thực hiện giao đất có thu tiền SDĐ. Các tổ chức kinh tế được Nhà nước giao đất thực hiện dự án đầu tư hạ tầng nghĩa trang, nghĩa địa, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để chuyển nhượng quyền SDĐ gắn với hạ tầng cũng được giao đất có thu tiền SDĐ.
Về thuê đất: Các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân trong nước được quyền lựa chọn thuê đất, trả tiền thuê đất hàng năm hoặc trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê. Các tổ chức kinh tế, tổ chức sự nghiệp công lập tự chủ tài chính, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đều thuộc đối tượng được Nhà nước cho thuê đất để xây dựng công trình sự nghiệp.
Về căn cứ, điều kiện giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích SDĐ: Luật quy định, phải căn cứ vào kế hoạch SDĐ hàng năm cấp huyện; nhằm bảo đảm an ninh, quốc phòng, bảo vệ nghiêm ngặt đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu, đó là việc trình danh mục công trình đất lúa. Các công trình dự án chuyển mục đích từ 10 ha đất trồng lúa trở lên mới phải trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, còn các công trình sử dụng dưới 10 ha đất trồng lúa thì chỉ cần được HĐND cấp tỉnh thông qua. Đối với chủ đầu tư xin giao đất, thuê đất, chuyển mục đích SDĐ phải có năng lực tài chính, có ký quỹ, không vi phạm pháp luật nhằm khắc phục tình trạng nhiều địa phương đã giao đất, cho thuê đất nhưng các chủ đầu tư không SDĐ, chậm đưa đất vào sử dụng, dẫn đến lãng phí đất đai, gây bức xúc trong nhân dân. Đối với trường hợp cho hộ gia đình, cá nhân thuê đất, cho phép chuyển mục đích SDĐ nông nghiệp để sử dụng vào mục đích thương mại, dịch vụ với diện tích từ 0,5 ha trở lên thuộc thẩm quyền cấp huyện thì phải có thêm văn bản chấp thuận của UBND cấp tỉnh trước khi UBND cấp huyện quyết định theo thẩm quyền.
Chương trình này được Hội Luật gia tỉnh Bình Dương và Báo Bình Dương cùng phối hợp thực hiện theo Quyết định số 1539/ QĐ-UBND ngày 13-6-2017 của UBND tỉnh Bình Dương. Chúng tôi rất mong nhận được thư, bài góp ý hoặc yêu cầu tư vấn xin gửi về địa chỉ: Số 26 đường Đoàn Thị Liên, phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một tỉnh Bình Dương.