Giao dịch lưu động: Tạo thuận lợi cho đối tượng chính sách

Thứ hai, ngày 18/11/2024
Theo dõi Báo Bình Dương trên

(BDO)  Việc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh thực hiện các điểm giao dịch lưu động tại các xã, phường, thị trấn giúp các đối tượng chính sách có nhiều thuận lợi hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay.

 Người dân xã Tân Hưng tiếp nhận vốn chính sách tại điểm giao dịch lưu động của Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Bàu Bàng

 Giải ngân nhanh

Thời gian qua, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Bàu Bàng đã phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền, hội, đoàn thể nhận ủy thác đẩy mạnh công tác tuyên truyền để triển khai chương trình tín dụng “Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn”.

Chị Tạ Thị Thu, ở khu phố Đồng Chèo, thị trấn Lai Uyên, huyện Bàu Bàng, cho hay vừa qua chị đến điểm giao dịch lưu động của Phòng Giao dịch NHCSXH tại thị trấn để làm thủ tục giải ngân khoản vay 50 triệu đồng. Trong quá trình thực hiện giao dịch, chị đã được cán bộ tín dụng Phòng Giao dịch NHCSXH huyện phổ biến cặn kẽ về lãi vay, thời hạn vay, quyền và nghĩa vụ của hộ vay vốn… Theo đó, chị được vay vốn chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, thời hạn vay 5 năm. Chị sử dụng vốn vay để mua bồn nước mới, xây lại hệ thống đường nước; thực hiện công trình vệ sinh hộ gia đình. Chia sẻ với chúng tôi, chị Thu phấn khởi cho biết các thủ tục tại điểm giao dịch được thực hiện nhanh chóng. Chương trình góp phần giữ gìn môi trường trong thôn sạch đẹp.

Vừa qua, chị Nguyễn Thị Hương, ở ấp Long Bình, xã Long Nguyên, huyện Bàu Bàng đến điểm giao dịch lưu động của Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Bàu Bàng để đóng tiền lãi khoản vay 100 triệu đồng từ chương trình tín dụng cho hộ nghèo. Chị Hương chia sẻ, điểm giao dịch lưu động tại xã có lịch giao dịch ấn định cụ thể, cơ sở vật chất được trang bị đầy đủ giúp người dân an tâm khi đến đây giao dịch. Bên cạnh đó, trên bảng thông báo, thông tin về các chương trình tín dụng ưu đãi đều được trình bày rõ ràng, dễ hiểu, rất thuận tiện cho người dân trong việc kiểm tra, đối chiếu thông tin. Nhờ nguồn vốn chính sách ban đầu giải ngân rất kịp thời, hiện nay vườn dưa lưới của gia đình chị canh tác được 3-4 vụ/ năm, đem lại thu nhập khá cho gia đình.

Bảo đảm an toàn

Ông Nguyễn Thành Hiệp, Phó Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Bàu Bàng, cho biết trước mỗi phiên giao dịch lưu động tại các xã, thị trấn, các tổ giao dịch đều tiến hành họp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác và các tổ trưởng tổ vay vốn tiết kiệm và vay vốn để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ tháng trước, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá giao dịch, bảo đảm quyền lợi cho người vay. Nhờ đó, chất lượng hoạt động tín dụng tại các điểm giao dịch lưu động của ngân hàng rất ổn định và ngày càng chuyên nghiệp. 10 tháng qua, phòng giao dịch ngân hàng đã tổ chức thành công trên 100 phiên giao dịch tại 7 điểm giao dịch cố định và 3 điểm giao dịch phát sinh tại các xã của huyện một cách an toàn, hiệu quả. Tổng doanh số cho vay đạt gần 227 tỷ đồng, với 9.017 khách hàng còn dư nợ…

Theo ông Đồng Quốc Khải, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH TP.Thuận An, ngoài 196 tổ tiết kiệm và vay vốn được thành lập tại 56 khu, ấp, đơn vị cũng tổ chức các điểm giao dịch trong khuôn viên trụ sở UBND các xã, phường với lịch giao dịch cố định hàng tháng/lần. Bên cạnh việc giải ngân, thu nợ, thu lãi ổn định tại điểm giao dịch, các tổ tiết kiệm và vay vốn tại các xã, phường còn tổ chức họp giao ban để tuyên tryền, phổ biến các văn bản nghiệp vụ mới có liên quan đến tín dụng ưu đãi… Với hình thức tổ chức giao dịch tại trụ sở UBND xã đã giúp người dân tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ NHCSXH đang triển khai thực hiện, tiết kiệm chi phí và thời gian đi lại, hạn chế rủi ro cho khách hàng. Đồng thời tăng cường công tác phối hợp giữa NHCSXH với chính quyền địa phương, hội, đoàn thể nhận ủy thác trong việc xử lý kịp thời những tồn tại phát sinh trên địa bàn các xã, thị trấn…

Hiện NHCSXH tỉnh có 89 điểm giao dịch tại 91 xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Tính đến nay, tổng dư nợ của NHCSXH tỉnh đạt gần 4.944 tỷ đồng, với 23.702 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, nâng tổng số đến nay có 85.018 khách hàng còn dư nợ. Hiện tỷ lệ giải ngân tại điểm giao dịch đạt 95,11%, thu nợ 92,15%, thu lãi 99,73%.

Ông Võ Văn Đức, Giám đốc NHCSXH tỉnh, cho biết hoạt động của các điểm giao dịch ngày càng ổn định và nề nếp, hiệu quả, luôn được nhân dân, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan, ban, ngành đánh giá cao, là một bước tiến trong cải cách thủ tục hành chính và là một đặc thù riêng thể hiện tinh thần trách nhiệm của cán bộ ngân hàng chính sách đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

 Ông Võ Văn Đức, Giám đốc NH CSXH tỉnh: Trong thời gian tới, NHCSXH tỉnh tiếp tục tuân thủ chặt chẽ, nghiêm chỉnh quy trình nghiệp vụ tín dụng, phân tích, xử lý kịp thời các khoản nợ quá hạn; đồng thời bồi dưỡng thêm kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ, kỹ năng giao tiếp cho cán bộ, nhân viên đơn vị, từ đó, nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ người dân. Bên cạnh đó, ngân hàng chủ động lồng ghép có hiệu quả các hoạt động vay vốn của khách hàng với các chương trình khuyến nông giúp người vay sử dụng hiệu quả nguồn vốn lưu đãi của Nhà nước, góp phần cùng các cấp, các ngành và địa phương đẩy mạnh phát triển kinh tế, giảm nghèo thực hiện hiệu quả công tác an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

 THANH HỒNG