Giáo dục kỹ năng giữ gìn hạnh phúc gia đình

Cập nhật: 26-10-2011 | 00:00:00

Đây là một trong những nội dung sinh hoạt ở các CLB gia đình (GĐ) phát triển bền vững. Những thành viên tham gia CLB luôn mong muốn được giao lưu, học hỏi để có cách xây dựng GĐ mình ngày càng ấm êm...  Cả nhà hạnh phúc bên nhau trong hội thi thể thao

Giáo dục kỹ năng giữ gìn hạnh phúc GĐ là việc cung cấp, tiếp nhận các kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm và vận dụng chúng một cách linh hoạt trong xử lý các tình huống của người chồng và người vợ nhằm không ngừng vun đắp cho tình yêu và hạnh phúc vợ chồng. Người hướng dẫn sinh hoạt thuyết trình những kiến thức về hôn nhân GĐ như sau: Hôn nhân là sự kiện xã hội quan trọng trong đời sống của con người; hôn nhân là nhằm có được người bạn chung sống, giúp đỡ lẫn nhau và cùng nhau đi hết chặng đường đời. Một cuộc hôn nhân hạnh phúc là sự cộng hưởng tình cảm yêu thương, tôn trọng, thấu hiểu và chia sẻ lẫn nhau giữa vợ và chồng.

Hôn nhân phải xuất phát từ tình yêu chân chính và không ép buộc. Điều này được xã hội thừa nhận thông qua tập quán dân tộc, nghi lễ tôn giáo và luật pháp của Nhà nước. Hôn nhân đồng nghĩa với mang lại niềm vui cho nhau. Có nhiều cặp vợ chồng đã sống chung với nhau rồi mà vẫn khao khát tìm hiểu nhau, vẫn yêu nhau như ngày đầu vì họ luôn biết mang lại niềm vui cho nhau. Hôn nhân đồng nghĩa với sự hy sinh. Chỉ có sự hy sinh mới xóa đi được khoảng cách giữa hai người. Phải biết hy sinh những thói quen của mình vì lợi ích chung. Hôn nhân cũng không có nghĩa là phải đồng quan điểm trong bất cứ vấn đề gì. Hôn nhân là sự bổ sung khuyết điểm cho nhau. Vì thế nếu hai vợ chồng có bất đồng thì đừng vội lấy đó làm điều đau khổ, đừng lấy đó là lý do để ly hôn.

Dưới đây là một tình huống ứng xử cần có... kỹ năng mà tôi ghi lại ở một lần sinh hoạt CLB xây dựng GĐ hạnh phúc. Tình huống đưa ra là: Anh Nam đi làm về (muộn hơn thường ngày) thấy vợ không vui liền hỏi xem có chuyện gì xảy ra, chị vợ đang sẵn bực việc ở cơ quan, về nhà lại thấy chồng về muộn, tức quá chị xẵng giọng: làm ăn gì mà giờ này mới về? Chắc lại nhậu nhẹt, chơi bời ở đâu chứ gì? Chưa hả giận, chị quát mắng tiếp các con và tiếp tục chì chiết chồng; lời qua tiếng lại, anh chồng thấy vợ lắm điều tức quá liền tát vợ một cái. Thế là vợ chồng giận nhau.   

Người hướng dẫn sinh hoạt tổng hợp kết quả thảo luận của các thành viên như sau. Trước hết là “tội” của người vợ là xử lý không đúng: Đem chuyện buồn bực ở cơ quan về nhà/ Không chịu tìm hiểu lý do chồng về muộn đã vội quy chụp là chồng đi nhậu nhẹt/  Bực tức nên đã dùng lời nói không hay/ Nói nhiều, chì chiết chồng/ Giận cá chém thớt, tức chồng mắng luôn cả con. Tưởng chồng nhiều “tội” nhưng hóa ra chỉ là:  Về muộn không báo cho vợ/ Đánh vợ. Coi xong tình huống này, các chị vợ mới... ngớ ra là tự mình khơi mào, tự mình gây chiến tranh và nhận lấy... hậu quả!

Mọi người thảo luận cùng nhau và đi đến kết luận xử lý tình huống rằng; chị vợ nên kìm nén bực tức hỏi rõ lý do tại sao chồng đi làm về muộn hoặc dùng lời nói dí dỏm (cái này hơi khó!) để đoán lý do về muộn của chồng nhằm tạo không khí đầm ấm trong gia đình và giúp cho người chồng  thấy việc mình về muộn là không nên như: Hôm nay chắc anh bận nhiều việc ở cơ quan nên về muộn? Anh về muộn thế này chắc mệt lắm? Chị không được xẵng giọng với chồng, nhất là trước mặt con cái. Chị cũng không nên nói nhiều, nói dai, chì chiết chồng. Và lỗi của người chồng là đánh vợ, nhất là trước mặt con cái. Người chồng không nên về nhà muộn, nếu muộn nên báo trước cho vợ biết 

Tất nhiên, khi xem tình huống xảy ra và xử lý thì... hay hơn nhiều khi chính mình là người trong cuộc. Thế nhưng vì cuộc sống hạnh phúc của GĐ thì ai cũng nên cố gắng, ai cũng cần trang bị một số kỹ năng cần thiết để sử dụng khi cần!

Hương Cần

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên