Giáo dục STEM kích thích sáng tạo trong học sinh tiểu học

Cập nhật: 08-10-2022 | 09:33:36

Cùng với dạy học theo hướng tích hợp, những năm gần đây, việc triển khai thực hiện dạy học theo định hướng giáo dục STEM, chú trọng các hoạt động trang bị kỹ năng sống cho học sinh (HS) tiểu học (TH) luôn được ngành giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) tỉnh xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Giáo dục STEM trang bị nhiều kỹ năng mềm cần thiết cho HS, như: Kỹ năng giải quyết vấn đề, tư duy sáng tạo, tư duy phản biện, làm việc nhóm…


Một tiết dạy học theo phương pháp STEM của cô và trò trường TH Uyên Hưng B, TX.Tân Uyên

Tạo hứng thú cho HS

Năm học 2020-2021, trường TH Uyên Hưng B (phường Uyên Hưng, TX.Tân Uyên) được Sở GD-ĐT đầu tư phòng học STEM với các thiết bị mô hình robot, lắp ghép, màn hình cảm ứng tương tác Smart TV, máy tính bảng, bộ thu thập dữ liệu di động… Được biết, phòng học STEM này chủ yếu dành cho HS khối lớp 4 và lớp 5 của trường học tập thường xuyên, còn HS các khối lớp 1, 2 và 3 nhà trường mới chỉ cho làm quen với các thiết bị.

Được trực tiếp dự tiết học môn khoa học của HS lớp 5 dạy theo phương pháp STEM của nhà trường, chúng tôi cảm nhận được không khí học tập sổi nổi của lớp học. Các em HS tỏ ra hào hứng và thích thú khi được chủ động khám phá nội dung bài học thông qua các thiết bị điện tử thông minh. Em Nguyễn Tường Vy, HS lớp 5/7 nói: “Em rất vui và muốn được học các giờ học tại phòng học STEM. Học ở đây chúng em được trực tiếp thực hành trên các thiết bị thông minh và các mô hình thực tế để kích thích khả năng tư duy sáng tạo của bản thân”.

Cô Phạm Đặng Huỳnh Như, giáo viên chủ nhiệm lớp 3/7 chia sẻ, việc được tập huấn và tiến hành dạy học theo phương pháp STEM đã hỗ trợ rất nhiều cho đội ngũ giáo viên thông qua phương pháp dạy học hiện đại hơn. Việc dạy học theo phương pháp STEM sẽ giúp HS có được tư duy đa chiều thay vì một chiều như trước. HS sẽ không còn học theo lối mắt thấy tai nghe nữa mà được chạm vào, được tự mình trải nghiệm những hoạt động thực tế, từ đó các em sẽ nắm vững kiến thức hơn và hứng thú hơn với giờ học.

Thầy Cao Khắc Trí, Hiệu trưởng trường TH Uyên Hưng B cho biết: “Việc đưa phòng học thông minh vào sử dụng đã thực sự giúp nhà trường nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập. Điều này còn giúp cán bộ, giáo viên và HS từng bước tiếp cận với cuộc cách mạng công nghệ 4.0 theo mô hình giáo dục STEM. Hiện tại, 100% giáo viên của trường đã được tập huấn về tính năng, cách sử dụng của các thiết bị và hướng dẫn thiết kế hoạt động bài giảng tương tác, cách thức tổ chức lớp học, sử dụng bộ thiết bị robotics nhằm đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông theo định hướng mới”.

Tiếp tục đẩy mạnh

Ở bậc TH, giáo dục theo định hướng STEM sẽ tập trung vào việc giúp trẻ làm quen, tạo hứng khởi cho trẻ về các lĩnh vực STEM thông qua trải nghiệm làm những món đồ chơi, đồ dùng học tập… Hiện nay, toàn tỉnh có 27 phòng học STEM dành cho HS TH. Trong năm học 2022-2023, Sở GD-ĐT chỉ đạo đẩy mạnh hoạt động giáo dục theo định hướng dạy học STEM ở cấp TH. Đây là định hướng phù hợp với tinh thần chỉ đạo của Bộ GD-ĐT về hoạt động giáo dục STEM trong trường học.

Giáo dục STEM cho HS TH giúp nâng cao không chỉ kiến thức mà còn cả kỹ năng mềm như tư duy sáng tạo, tư duy logic, làm việc nhóm… Theo đó, tùy thuộc vào đặc thù môn học và điều kiện cơ sở vật chất, các trường có thể vận dụng linh hoạt các hình thức tổ chức giáo dục STEM như: Dạy học các môn khoa học theo bài học STEM; tổ chức hoạt động trải nghiệm STEM; tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học, kỹ thuật...

Trao đổi với chúng tôi, cô Trịnh Thị Nguyên, Hiệu trưởng trường TH Tương Bình Hiệp, TP.Thủ Dầu Một, nói: “Giáo dục STEM cho HS TH là xu hướng tất yếu và quan trọng của thời đại công nghệ 4.0. Đây cũng sẽ là nền tảng đầu tiên để các em HS làm quen với các thiết bị thông minh. Khi đã quen với việc sử dụng thiết bị để đáp ứng chương trình mới thì lên những bậc học sau, sẽ thuận tiện hơn cho bản thân các em và cho cả nhà trường”.

Bà Nguyễn Thị Kim Tuyết, Trưởng Phòng Giáo dục mầm non và tiểu học, Sở GD-ĐT, cho biết đối với cấp TH, giáo dục STEM cũng đang được ngành khuyến khích phát triển thông qua các hoạt động trải nghiệm dành cho HS. Các địa phương đã chủ động triển khai phương án tổ chức thực hiện giáo dục STEM tiếp cận theo yêu cầu trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 tại các cơ sở giáo dục TH phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương và khả năng đáp ứng của nhà trường. Các địa phương có thể liên kết tổ chức hoạt động giáo dục STEM theo hình thức xã hội hóa trên tinh thần tự nguyện.

Tuy vẫn còn một số khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ quá trình nghiên cứu, thực hành của giáo viên và HS; sĩ số HS các lớp học hiện khá đông; không gian lớp học ở một số đơn vị còn hạn chế nên phòng học STEM không đáp ứng học chung một lần mà phải chia lớp ra làm 2 ca học; đội ngũ giáo viên còn thiếu…, nhưng trên cơ sở đánh giá đúng tầm quan trọng của dạy học theo định hướng giáo dục STEM, ngành GD-ĐT tiếp tục động viên, khuyến khích các nhà trường chủ động khắc phục khó khăn, phấn đấu trong thời gian tới sẽ có 100% trường TH đưa giáo dục STEM vào triển khai thực hiện.

STEM (viết tắt của science (khoa học), technology (công nghệ), engineering (kỹ thuật), matHS (toán học). STEM là một chương trình giảng dạy dựa trên ý tưởng trang bị cho người học những kiến thức, kỹ năng liên quan đến khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học - theo cách tiếp cận liên môn (interdisciplinary) và người học có thể áp dụng để giải quyết vấn đề trong cuộc sống hàng ngày. Thay vì dạy 4 môn học như các đối tượng tách biệt và rời rạc, STEM kết hợp chúng thành một mô hình học tập gắn kết dựa trên các ứng dụng thực tế.

HỒNG PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=934
Quay lên trên
X