Giáo dục trẻ em sử dụng mạng xã hội an toàn

Cập nhật: 10-03-2023 | 05:39:16

Những năm gần đây, mạng xã hội (MXH) Facebook, Zalo, Tiktok, YouTube… đã có bước phát triển mạnh mẽ; việc sử dụng MXH đã và đang trở thành xu thế được nhiều người lựa chọn. Sự tiện lợi, lợi ích của nó tác động rất lớn đối với con người, trong đó có trẻ em (TE). Tuy nhiên, nhiều phụ huynh lẫn nhà trường đang cảm thấy lo âu trong việc bảo vệ TE trước những tác động tiêu cực từ MXH.

 Cần hướng dẫn trẻ em tiếp cận, sử dụng mạng xã hội một cách an toàn, hiệu quả

 Nhiều rủi ro nhưng khó kiểm soát

Sự phát triển của MXH đặt ra nhiều thách thức cho con người, đặc biệt là TE, bởi độ tuổi này dễ bị lôi kéo và tổn thương nhất. Thực tế cho thấy, cùng với những mặt tích cực, MXH cũng kèm theo những mặt tiêu cực cho TE, như: Tiếp cận với thông tin giả, truy cập vào những nội dung xấu độc, nghiện sử dụng MXH... Nguy hiểm hơn là các em chưa ý thức được hết những nguy cơ mất an toàn khi sử dụng MXH.

Anh Nguyễn Văn Hải ở phường An Phú, TP.Thuận An, chia sẻ: “Con trai tôi mới học lớp 7 nhưng bé rất nghiện lướt Tiktok và lập hẳn một tài khoản riêng. Khi nghe bé nói vài câu liên quan đến MXH này, tôi giật mình bởi có những ngôn từ không phù hợp với lứa tuổi của bé. Hỏi ra thì tôi mới biết bé học theo trên Tiktok và khi xem tài khoản của bé tôi thấy có khá nhiều lượt theo dõi và toàn những người lạ mà bé không hề biết. Khi hỏi thì bé bảo hễ ai “follow” (theo dõi) con là con theo dõi lại”.

Anh Hải cũng thừa nhận, do cha mẹ mãi công việc buôn bán nên cũng có phần lơ là trong việc quản lý bé sử dụng điện thoại và khó lòng kiểm soát được con khi sử dụng MXH. Một phần là vì vợ chồng anh cũng không “rành” mấy về MXH như Tiktok nên không nghĩ nó lại nguy hại tới vậy.

Hiện pháp luật Việt Nam vẫn chưa có quy định nào về độ tuổi TE được sử dụng MXH. Mặc dù các ứng dụng MXH thường quy định tuổi lập tài khoản là từ 13 tuổi trở lên, nhưng nhóm từ 8 đến 11 tuổi vẫn có thể tìm cách “lách” quy định để đăng ký lập tài khoản MXH riêng chỉ với một chiếc điện thoại di động thông minh. Mặt trái của MXH không chỉ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển về tâm sinh lý, nhân cách TE mà còn là những mối đe dọa về khả năng đánh cắp thông tin cá nhân, lừa đảo và tội phạm.

Dạy TE tham gia MXH an toàn

Chị Nguyễn Thị Lệ ở phường Tân Đông Hiệp, TP.Dĩ An khá ngạc nhiên khi lướt Facebook cá nhân của mình thấy một tài khoản Facebook có tên và hình con gái chị gửi lời mời kết bạn. Chị ngạc nhiên bởi con gái mới học lớp 4 mà đã có thể tạo được tài khoản Facebook cá nhân. Vào xem thì thấy bé để thông tin cá nhân sinh năm 2000. Hỏi ra mới biết là bé được các bạn chỉ cách lập tài khoản. Khi hỏi bé lập Facebook làm gì thì bé chỉ bảo bạn bè con có hết nên con cũng lập để chơi với bạn cho vui.

“Mặc dù hiện tại tôi kiểm tra thì thấy Facebook của con mới chỉ toàn người thân và bạn bè trong lớp. Nhưng trong phần bình luận mỗi bài viết, các bé thường bình luận, gửi các video clip ghi lại cảnh TE đánh nhau. Điều đáng nói, trong nhiều vụ việc, nguyên nhân dẫn đến ẩu đả là những mâu thuẫn nhỏ nhặt trên MXH nên tôi không thể yên tâm được. Tôi thường trao đổi với con về việc nên thích hoặc chia sẻ nội dung nào, đưa ảnh gì, nên kết bạn với những ai và hạn chế thời gian bé sử dụng điện thoại ít nhất có thể”, chị Nguyễn Thị Lệ nói thêm.

Hiện nay, các trường học cũng đang chú trọng truyền thông giúp học sinh nâng cao kiến thức, kỹ năng sử dụng mạng internet an toàn để các em tự bảo vệ mình, kịp thời tố giác hành vi xâm hại trên môi trường mạng, đặc biệt là kỹ năng chia sẻ, cầu cứu với người thân nếu gặp sự cố trên không gian mạng.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Văn Phong, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết trong xu hướng phát triển hội nhập thì việc tiếp cận và tìm hiểu những thông tin hữu ích trên mạng internet, MXH trở nên dễ dàng nhưng bên cạnh đó vẫn còn nỗi lo về các thông tin xấu, độc xâm hại bất cứ lúc nào, đặc biệt là với TE đang trong độ tuổi đi học. Do đó, các hoạt động ngoại khóa do các trường học phối hợp với các ban ngành, đoàn thể thực hiện luôn lồng ghép và hướng dẫn các em quá trình truy cập mạng an toàn, hiệu quả để tìm hiểu thông tin. Các em được định hướng cần lựa chọn tiếp cận những thông tin chính thống, trang mạng được cơ quan có thẩm quyền cấp phép nhằm bảo đảm an toàn về thông tin.

Thiết nghĩ, thời gian tới chúng ta cần tăng cường vai trò của cả gia đình và trường học trong việc giám sát, hướng dẫn TE sử dụng MXH an toàn, biết cách nên và không nên khi sử dụng các tiện ích, ứng dụng trên MXH cũng như cách nhận biết các thông tin, video clip độc hại, không phù hợp, cách kiểm soát thông tin cá nhân để chủ động bảo vệ TE. Đối với những hành vi xâm hại TE trên môi trường mạng, cần có những chế tài xử lý mạnh hơn.

 Luật An ninh mạng ban hành năm 2017 quy định TE (dưới 16 tuổi) được bảo vệ khi sử dụng không gian mạng. Luật TE năm 2016 cũng quy định việc bảo vệ thông tin riêng tư của TE trên MXH. Cụ thể là TE phải được bảo vệ, tránh thu thập thông tin cá nhân khi sử dụng các nền tảng trực tuyến. Thế nhưng, các MXH phổ biến hiện nay, như: Facebook, TikTok, YouTube… vẫn là môi trường khiến TE dễ bị lộ thông tin cá nhân.

 HỒNG PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=735
Quay lên trên