Giáo sư Trần Văn Khê: Những câu chuyện từ trái tim

Cập nhật: 11-01-2011 | 00:00:00

Đầu năm 2011, sinh viên (SV) trường Đại học Bình Dương thật may mắn khi được diện kiến với giáo sư - viện sĩ Trần Văn Khê. Lần này, GS không nói chuyện về văn hóa hay âm nhạc dân tộc mà GS đã chia sẻ với SV những kinh nghiệm sống mà ông đã đúc rút ra từ cuộc đời mình. “Những câu chuyện từ trái tim”, đó cũng là tựa đề của quyển tự truyện của GS Trần Văn Khê vừa được phát hành vào cuối năm 2010 vừa qua. Theo lời GS, những câu chuyện GS viết ra cốt để tặng thanh niên, đây không phải là bài học, mà là những lời tâm huyết của một người đi trước nhắc nhở người đi sau, tránh những khó khăn trong cuộc đời, luôn luyện tập tu tâm dưỡng tính để có được một sức khỏe tốt, vật chất và tinh thần, thực hiện được hoài bão của mình...

 Ở tuổi 90, cái tuổi xưa nay hiếm, ngoại trừ đôi chân hơi yếu, GS Khê vẫn còn minh mẫn như xưa, giọng nói ấm áp, đều đều. Mấy ai biết được, thuở còn trẻ, GS Khê đã trải qua nhiều cơn bạo bệnh như đau ban bạch, lao màng phổi, thấp khớp toàn thân, lệch cột sống. Nhưng với ý chí quyết tâm, có niềm tin vào cuộc sống, GS đã chiến thắng bệnh tật. GS tâm niệm, nếu chúng ta buông xuôi trước sự tấn công của bệnh tật thì sẽ dễ bị suy sụp. Nếu quyết tâm bền chí thì cái yếu biến thành cái mạnh, cái thiếu thành ra cái đủ, từ không thành có, từ khó thành dễ.  Đó là điều GS muốn nhắn gửi đến thế hệ trẻ ngày nay. Là người có trí nhớ tốt, nhưng GS cho rằng trí nhớ của ông chỉ có 30%, còn lại là do luyện tập. Trong chuyện học, GS nhắc nhở: học phải ghi chép, học 1 phải biết 3, học 1 nhớ 3, đơn giản hóa những kiến thức tạp và phải có bí quyết để nhớ như đưa thơ ca, diễn xuất... vào để việc học thêm thú vị. Trong mỗi bài học, GS vận dụng tất cả các cách để nhớ: nghe, nhìn, chép, đọc lại. Ví dụ như, người miền Nam không phân biệt được dấu hỏi và dấu ngã do cách phát âm khi nói. Nhà ngữ văn học Nguyễn Ngọc Trụ và học giả Hồ Hữu Tường đưa ra một số quy luật về thanh giọng trong những điệp từ: ngang - sắc - hỏi, huyền - nặng - ngã. Còn trong từ điển Hán Việt nhận thấy đại đa số những tiếng Việt bắt đầu bằng chữ cái: d, v, l, m, n, ng, nh là dấu ngã; còn đa số những chữ bắt đầu bằng chữ cái: ch, gi, kh, s, x là dấu hỏi. Để dễ nhớ, GS tự đặt ra 2 câu thơ: “dễ và lễ mình nói ngã nhé, cha già không sợ xấu”. Chữ cái đầu tiên trong các chữ của câu cũng chính là những chữ cái phải nhớ. Đây cũng là mẹo GS đặt ra để giúp dễ nhớ khi bỏ dấu.

GS Trần Văn Khê được ví như cây đại thụ đối với âm nhạc truyền thống Việc Nam. Là người có tình yêu đối với âm nhạc, khi còn học tú tài nhất, GS tập sáng tác nhạc ở một số bài thơ. Mỗi lần được giáo viên mời lên đọc thơ, GS thường đề nghị cho mình hát thay vì đọc. Với sự sáng tạo ấy giúp ông dễ nhớ bài học và việc học thêm thú vị.

GS đã đúc kết ra rằng, việc học là suốt đời, học là vô tận, học vì đất nước, như lời GS đã nói: còn gì hạnh phúc hơn khi tìm được niềm vui trong sự học và đem tinh hoa chắt lọc từ sự học ấy dâng hiến trọn vẹn cho đời.

Tự lực cánh sinh, đó là điều GS cũng muốn nhắn gửi đến thế hệ trẻ. Trong cuộc đời mình, GS đã trải qua nhiều công việc như diễn viên, thông dịch phim, lồng tiếng, đàn trong các tiệm ăn... những công việc ấy GS chỉ xem là phụ để giúp ông thực hiện mục đích gìn giữ và giới thiệu âm nhạc truyền thống Việt Nam đến bạn bè thế giới. Và trong những môi trường ấy tất nhiên không tránh khỏi những cạm bẫy. Nhưng với tình yêu quê hương đất nước, GS đã không để vật chất cám dỗ. GS còn nhớ, có lần một hãng phim mời GS đờn trong 5 phút để làm nền cho cảnh người phu xe Việt Nam đổ mồ hôi kéo xe chở một người Pháp to lớn với mức thù lao 30.000 Frane (cũ). GS đã thẳng thừng từ chối, vì không thể dùng tiếng đờn để góp phần thể hiện hình ảnh đồng bào dưới ách thực dân thuộc địa. Và lời dạy của GS đối với SV là “khó khăn, cám dỗ vốn dĩ là một phần của cuộc sống, lòng kiên định với mục tiêu của mình sẽ giúp ta vượt qua những điều ấy...”.

Trong cuộc đời mỗi người không tránh khỏi “hỉ, nộ, ái, ố”, GS Khê đã khuyên chúng ta nên biết chế ngự nó để tìm được thanh thản trong tâm hồn. Trong cuộc đời GS, chưa bao giờ vì một cuộc vui nào đó mà bỏ dở công việc. Theo GS, để không vui quá đà, không buồn quá sức thì phải biết chọn bạn mà chơi; có bản ngã trong đời, GS luôn xem xét mọi việc cẩn thận, không để bị bạn bè lôi kéo. Để ức chế cơn nóng giận, GS có thói quen uống hai, ba ly nước lạnh, hít thở sâu, đi chầm chậm vài ba bước và điều quan trọng là biết kềm chế cơn nóng giận. Nhờ năng tập luyện mà GS mất chứng nóng giận trước đây. Trong tình yêu, GS không để tình cảm lấn át lý trí mà đánh mất đi sự nghiệp, gia đình. Và qua kinh nghiệm cuộc sống, GS đã đúc kết ra rằng, chúng ta không nên vì những bất mãn trong nghề nghiệp mà làm tổn thương đến tình cảm  giữa người với người.

“Những câu chuyện từ trái tim” gồm có 13 câu chuyện GS Trần Văn Khê đã đúc kết ra từ cuộc đời mình. Mỗi câu chuyện là một thông điệp GS Trần Văn Khê gửi đến các bạn trẻ mong chia sẻ những kinh nghiệm trong cuộc sống của người đi trước. Thiết nghĩ, những bạn SV nếu không có cơ hội được nghe GS nói chuyện thì hãy tìm đọc quyển tự truyện trên, sách hiện có bán ở các nhà sách trong cả nước.

A.SÁNG (ghi)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên