Ùn tắc giao thông đang là vấn đề gây bức xúc của các đô thị lớn. Kẹt xe, ùn tắc... gây rất nhiều ảnh hưởng đến xã hội và phát triển kinh tế mỗi địa phương. Trong chiến lược phát triển ngành giao thông của tỉnh nhà, việc khuyến khích người dân sử dụng vận tải công cộng đang được Bình Dương quan tâm.
Cần giảm bớt lưu thông bằng xe cá nhân
Một buổi chiều đầu tuần tháng 6, chúng tôi có mặt tại ngã tư Hòa Lân. Đây là giờ tan ca của công nhân và học sinh tan học, các phương tiện giao thông đang nhích từng mét một tại đường Thủ Khoa Huân. Ngã tư Hòa Lân là một trong số điểm nóng giao thông của Bình Dương, bên cạnh đó các cung đường Mỹ Phước - Tân Vạn - đoạn vòng xoay An Phú, ngã tư 550 - TX.Dĩ An… tình hình kẹt xe vào buổi chiều rất phổ biến. Nếu buổi chiều nào có mưa, thì tình hình kẹt xe ở khu vực ngã tư Hòa Lân càng trở nên trầm trọng, thông thường lực lượng chức năng phải mất thời gian ít nhất 2 giờ để điều tiết xe cộ lưu thông thông suốt. Có thể nhìn thấy trong dòng xe tấp nập đủ các loại phương tiện xe tải, xe buýt, ô tô cá nhân và xe máy.
Bình Dương đẩy mạnh phát triển hệ thống giao thông công cộng hướng đến mục tiêu xây dựng đô thị thông minh tương lai. Trong ảnh: Ngày càng nhiều người chọn xe buýt làm phương tiện đi lại tại Bình Dương. Ảnh: XUÂN THI
Theo các chuyên gia, không thể đổ lỗi cho xe máy gây ra ách tắc giao thông trong giờ cao điểm. Kẹt xe có nhiều nguyên nhân là hạ tầng giao thông, ý thức người đi đường, vai trò của giao thông công cộng chưa phát huy hết năng lực vận chuyển của mình… Tại các nước tiên tiến, tỷ lệ sử dụng phương tiện giao thông công cộng (buýt, xe điện ngầm…) chiếm tỷ lệ 30 - 40% nhu cầu lưu thông của người dân, nhưng tại Việt Nam con số này còn rất khiêm tốn.
Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) vừa công bố doanh số bán hàng quý I-2018 (tính từ tháng 1-2018 đến hết tháng 3-2018) là 803.204 xe, tăng 1,9% so với năm 2017. Như vậy, trung bình các thành viên này vẫn tiêu thụ hơn 8.000 chiếc xe 1 ngày... Số liệu tiêu thụ xe máy tại Bình Dương hàng năm cũng thuộc vào top đầu cả nước, với số lượng hàng chục ngàn chiếc xe máy mỗi năm. Nếu không sớm tăng cường thêm dịch vụ vận tải hành khách công cộng, với lợi thế giá vừa túi tiền đối với đại đa số, người dân sẽ tiếp tục mua sắm xe máy làm phương tiện đi lại, tiềm ẩn nguy cơ gây ùn tắc giao thông trong bối cảnh Bình Dương đang đẩy mạnh đô thị hóa. Chính vì thế Bình Dương cần nỗ lực phát triển thêm các phương tiện giao thông… để từng bước khuyến khích người dân hạn chế sử dụng các phương tiện.
Bình Dương có cách làm mới
Theo báo cáo của Hiệp hội Vận tải tỉnh Bình Dương, hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt được triển khai thực hiện từ năm 2003, đến nay, toàn tỉnh có 28 tuyến xe buýt, trong đó có 17 tuyến nội tỉnh, 11 tuyến liên tỉnh; 11 đơn vị kinh doanh vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt với 235 phương tiện. Tuy nhiên việc lựa chọn phương tiện công cộng đi lại của người dân vẫn còn nhiều hạn chế, trong đó có nguyên nhân là các phương tiện vận chuyển của các doanh nghiệp đã cũ kỹ, lạc hậu, chất lượng chưa cao.
Thực hiện Dự án “Nâng cao năng lực quản lý hệ thống giao thông tập trung chủ đạo và giao thông công cộng tỉnh Bình Dương”, Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Bình Dương đã và đang phối hợp với Đoàn nghiên cứu dự án của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) thực hiện các hoạt động nhằm thúc đẩy việc chuyển đổi từ phương tiện giao thông cá nhân sang phương tiện giao thông công cộng tại Bình Dương... đang được tỉnh nhà triển khai rất tốt.
Hiện xe buýt nhanh đô thị Becamex Tokyu đang vận hành song song 2 tuyến từ Tòa nhà Becamex Tower ở đại lộ Bình Dương đến Thư viện tỉnh, theo đường Phạm Ngọc Thạch đến Trung tâm Hội nghị - Triển lãm tỉnh, cổng chính Trung tâm Hành chính tập trung của tỉnh sang Tòa nhà Aroma và kết thúc tại Đại học Quốc tế Miền Đông. Tuyến thứ hai cũng khởi hành tại Becamex Tower mở rộng sang sân vận động Gò Đậu đến Bến xe khách tỉnh, theo đường Cách Mạng Tháng Tám vào trung tâm TP.Thủ Dầu Một liên thông sang Thành phố mới Bình Dương bằng đường Phạm Ngọc Thạch, đi qua các trường học, nhà văn hóa, khu dân cư và kết thúc hành trình như tuyến thứ nhất.
Để rút ngắn hành trình giữa các trục giao thông đô thị Bình Dương - TP.Hồ Chí Minh - Đồng Nai, tỉnh Bình Dương vừa lập Dự án Phát triển hạ tầng giao thông và tuyến xe buýt nhanh (BRT) Thành phố mới Bình Dương - Suối Tiên. Tuyến BRT này sẽ kết nối các đô thị Dĩ An, Thuận An, Thủ Dầu Một, Thành phố mới Bình Dương với TP.Hồ Chí Minh, góp phần gia tăng số người sử dụng tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), thúc đẩy việc sử dụng giao thông công cộng và là cơ sở để kéo dài tuyến metro số 1 về phía Bình Dương, Đồng Nai.
Trong đề xuất thực hiện dự án, tỉnh Bình Dương nhận định với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội và phát triển đô thị nhanh, cùng với việc hình thành nhiều khu công nghiệp tập trung, thu hút nhiều lao động từ các tỉnh đến làm việc, sinh sống nên sẽ gây áp lực với hệ thống giao thông trên địa bàn. Để giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông trong tương lai gần, đòi hỏi phải xây dựng hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn, tốc độ cao và không vận hành đồng mức với các tuyến đường bộ, đường sắt đô thị, tàu điện ngầm…
Quá trình quy hoạch phát triển đa dạng các loại hình, phương tiện giao thông công cộng của Bình Dương đang được các cơ quan nỗ lực thực hiện để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong tương lai. Ngay bây giờ việc thay đổi thói quen sử dụng phương tiện cá nhân của người dân sẽ góp phần giảm bớt áp lực ùn tắc giao thông là rất cần thiết.
XUÂN VĨ