Giao thông hoàn thiện, thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển

Cập nhật: 09-03-2023 | 09:04:22

Đường sá đi lại thuận tiện sẽ giúp việc giao thương hàng hóa thông suốt, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Đối với các hợp tác xã (HTX), đặc biệt là các HTX về nông nghiệp thường nằm ở vùng “sâu xa” nên việc cứng hóa các tuyến đường giao thông là điều kiện thuận lợi để hoạt động. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, các HTX đóng góp kinh phí cùng địa phương để hoàn thành các tuyến đường.

Việc chú trọng đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông tại các địa phương đã tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế phát triển. Trong ảnh: Tuyến đường giao thông nông thôn Tân Định 52 nhánh 1 nối dài Nhà nước đầu tư vốn, nhân dân, doanh nghiệp, HTX đóng góp kinh phí lắp đèn chiếu sáng

 Giao thông “đi trước”

Trước đây, về xã Tân Định (huyện Bắc Tân Uyên) đi lại hết sức khó khăn. Địa bàn xã rộng, hệ thống giao thông nông thôn (GTNT) của xã với 162 tuyến, hầu hết là đường đất đỏ mùa mưa lầy lội, mùa nắng bụi bặm khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh kém phát triển. Hiện nay, diện mạo xã Tân Định đã hoàn toàn đổi thay với các tuyến đường GTNT khang trang, rộng rãi giúp người dân đi lại dễ dàng, nông sản được thương lái đến tận vườn thu mua.

Bà Lê Thị Hoài Thương, Giám đốc HTX Thương mại và Dịch vụ Đồng Phát, cho biết: “Hoạt động trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ nên việc phát triển hạ tầng giao thông là điều kiện để HTX phát triển kinh doanh”. Ông Nguyễn Huỳnh Thanh, Phó Giám đốc HTX Hùng Thuận, chia sẻ: “HTX sản xuất cây ăn trái có múi, nông nghiệp là nguồn thu nhập chính của các thành viên. Trước đây, đường sá bất tiện khiến việc vận chuyển, thu mua trái cây gặp nhiều khó khăn. Nay giao thông thuận lợi, đến vụ thu hoạch thương lái có thể đánh xe tải vào tận vườn để thu mua”.

Nằm trên địa bàn vùng xa của huyện Phú Giáo, HTX Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long (ấp Cà Na, xã An Bình) là một trong những HTX điển hình của tỉnh về ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Để có được thành công và chỗ đứng trên thị trường, ngoài sự nỗ lực của các thành viên HTX cần có sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương. Ông Nguyễn Hồng Quyết, chia sẻ: “Muốn phát triển thì cơ sở hạ tầng là yếu tố rất quan trọng, giao thông khó khăn sẽ khiến chi phí tăng lên, khả năng cạnh tranh sẽ kém đi. HTX muốn phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với du lịch việc xây dựng các tuyến đường thuận tiện sẽ giúp thu hút du khách tham quan...”.

Chung tay xây dựng

Nhận thấy rõ lợi ích từ xây dựng GTNT không chỉ thuận tiện đi lại cho người dân mà là “đòn bẩy” để thúc đẩy kinh tế phát triển, các HTX và thành viên đã không ngại ngần góp sức cùng địa phương xây dựng, hoàn thiện các tuyến đường bằng nhiều hình thức khác nhau.

Ông Nguyễn Bảo Toàn, cán bộ phụ trách nông thôn mới xã Tân Định, cho biết trong đóng góp xây dựng đường GTNT nếu phần đất của HTX, hay thành viên rơi vào tuyến đường xây dựng thì người dân sẵn sàng hiến đất. Bên cạnh đó, các HTX còn tích cực đóng góp kinh phí vào ngân sách địa phương. Trong năm 2022, xã Tân Định được huyện đầu tư xây dựng tuyến đường Tân Định 52 nhánh 1 nối dài (thuộc ấp Bằng Lăng và ấp 3), người dân, doanh nghiệp, HTX đóng góp kinh phí lắp đèn chiếu sáng. “Trong quá trình xây dựng đường GTNT gia đình tôi đã không ngại ngần hiến đất, vừa chung tay góp sức với địa phương vừa giúp việc vận chuyển hàng hóa của gia đình thuận lợi”, ông Nguyễn Văn Cơ, thành viên HTX Nông nghiệp Đồng Thuận Phát (xã Thường Tân, huyện Bắc Tân Uyên) tâm sự.

Để phát triển kinh tế nông thôn, hiện nay các địa phương nhất là các huyện vùng xa đã tập trung huy động các nguồn lực xã hội khác nhau để nâng cấp, hoàn chỉnh hạ tầng giao thông. Từ đó, tạo ra sự kết nối giữa các vùng, rút ngắn khoảng cách đi lại, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của các HTX và thành viên. Điển hình như huyện Bắc Tân Uyên, có tổng cộng 1.100 tuyến đường xã, với tổng chiều dài hơn 666km. Đến năm 2022, huyện đã thực hiện nâng cấp bê tông xi măng, bê tông nhựa được 124km, còn lại được cứng hóa bằng cấp phối đá dăm, sỏi đỏ, bảo đảm lưu thông thuận tiện. Bên cạnh đó, UBND các xã đã đầu tư một số công trình GTNT trên cơ sở vận động các doanh nghiệp, nhân dân đóng góp cùng với chính quyền, như: Hiến đất, tài sản trên đất, nhân công, vật liệu…

 Những năm qua, cơ sở hạ tầng giao thông trên địa bàn huyện được đầu tư đồng bộ nhằm bảo đảm sự kết nối giao thông với các khu vực lân cận và nội bộ thông suốt, thuận tiện; phục vụ tốt cho nhu cầu đi lại, sản xuất và lưu thông hàng hóa của người dân, doanh nghiệp. H ạ tầng giao thông phát triển là động lực góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của các địa phương”, ông Thái Thanh Bình, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Bắc Tân Uyên cho bi ết.

 TIẾN HẠNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên