Giao thông nông thôn là tiền đề quan trọng

Cập nhật: 24-06-2012 | 00:00:00

Nhờ có sự quan tâm đầu tư của các cấp chính quyền và sự đóng góp, hỗ trợ tích cực của người dân mà hệ thống GTNT tại Bình Dương đã có sự phát triển vượt bậc. Thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, tính đến nay 100% đường trục chính dẫn vào trung tâm các xã trên địa bàn tỉnh đều đã được nhựa hóa. Tại nhiều xã, hệ thống giao thông liên ấp được quan tâm đầu tư. Sự phát triển của hệ thống GTNT trong thời gian qua đã tạo ra tiền đề quan trọng cho sự phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội của các địa phương vùng nông thôn. Ngoài việc tạo sự thuận tiện trong đi lại của người dân, GTNT phát triển còn kéo theo sự phát triển trong việc sản xuất, kinh doanh của người dân vùng nông thôn; tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp hình thành phương thức sản xuất hàng hóa, qua đó khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương.

 Một tuyến đường giao thông nông thôn tại huyện Dầu Tiếng đang được thi công

Xã Bạch Đằng (huyện Tân Uyên) đã có thời gian hơn 10 năm xây dựng nông thôn. Nhờ vậy, hệ thống GTNT tại Bạch Đằng đã có bước phát triển mạnh. Trục hệ thống giao thông ven cù lao và đường dẫn vào trung tâm xã đã được nhựa hóa. Bên cạnh đó, các tuyến đường giao thông nội đồng cũng được nâng cấp nhằm đáp ứng tốt nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân. Cầu Bạch Đằng nối cù lao này với thị trấn Uyên Hưng đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc tạo điều kiện lưu thông hàng hóa của người dân trong xã. Giao thông phát triển lôi kéo các nhà đầu tư chú ý đến Bạch Đằng nhiều hơn và du khách cũng cảm thấy thuận lợi hơn khi đến với Bạch Đằng. Ông Phạm Văn Hoàng, Chủ tịch UBND xã Bạch Đằng, cho biết trước đây việc đi lại của người dân trong xã hết sức khó khăn. Đường sá vào mùa mưa thường lầy lội, xe máy vào xã đã rất khó khăn, vì vậy mà việc phát triển kinh tế tại Bạch Đằng bị hạn chế. Qua hơn 10 năm thực hiện xây dựng nông thôn, hệ thống GTNT tại Bạch Đằng đã từng bước được hoàn thiện. Trong thời gian tới, Bạch Đằng sẽ tập trung nâng cấp các tuyến đường GTNT, song song với việc hoàn thành các tiêu chí khác để Bạch Đằng có thể trở thành xã NTM.

Xã Hòa Lợi (huyện Bến Cát) cũng là địa phương đang thực hiện chương trình xây dựng NTM của Bình Dương. Nằm giáp ranh với các khu vực đô thị lớn của tỉnh, việc phát triển GTNT kết nối với các trục đường chính được xem là điều kiện rất quan trọng để Hòa Lợi có thể phát triển kinh tế. Thực tế cho thấy, hệ thống GTNT tại Hòa Lợi đang ngày càng được hoàn thiện. Các tuyến đường liên thông giữa xã và thành phố mới Bình Dương, Khu công nghiệp Mỹ Phước 3 đều được nhựa hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trên địa bàn xã và góp phần tích cực vào sự phát triển thương mại - dịch vụ. Hiện tại, hệ thống GTNT liên ấp của Hòa Lợi đều đã được trải sỏi đỏ và đang tiếp tục được nâng cấp. Bà Nguyễn Thị Thúy, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Lợi, cho biết thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, hệ thống GTNT tại Hòa Lợi thời gian qua đã nhận được sự đóng góp rất tích cực của người dân về đất đai và cây trồng. Trong thời gian tới, Hòa Lợi sẽ tiếp tục chỉnh trang hệ thống GTNT theo lộ trình xây dựng NTM. Có được sự đồng thuận cao giữa chính quyền và nhân dân trong việc xây dựng hệ thống GTNT là do Hòa Lợi đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động để nhân dân hiểu rõ các chủ chương, chính sách; giải thích cho người dân hiểu được lợi ích mà họ nhận được khi hệ thống GTNT được xây dựng hoàn chỉnh.

Tuy nhiên, ngoài một số địa phương kể trên, việc xây dựng GTNT trong tiến trình xây dựng NTM hiện nay cũng gặp không ít khó khăn. Ngoài việc phải đáp ứng theo đúng các quy định của tiêu chí thì công tác vận động người dân cũng gặp khó khăn bởi giá trị đất hiện đang ngày càng tăng cao. Tại nhiều địa phương, công tác giải phóng mặt bằng, đền bù cây trồng gặp nhiều khó khăn dẫn đến sự chậm trễ của công trình. Một vấn đề nữa là tại nhiều xã xây dựng NTM, chất lượng của các công trình GTNT đang được đặt trong tình trạng báo động. Nhiều công trình GTNT sau khi xây dựng đã mau chóng xuống cấp. Nguyên nhân là do sự lưu thông với số lượng nhiều, tần suất lớn của các loại xe ben, xe tải hoạt động trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, vận chuyển hàng hóa. Điều này đặt ra vấn đề cần quản lý, sử dụng các công trình GTNT sao cho hiệu quả. Nếu giải quyết tốt các vấn đề nêu trên thì việc phát huy vai trò của hệ thống GTNT đối với sự phát triển kinh tế - xã hội tại các vùng GTNT sẽ được nâng cao, tạo tiền đề thuận lợi cho việc thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM tại Bình Dương.

Hệ thống GTNT phát triển ngoài việc tạo sự thuận lợi trong lưu thông của người dân cũng kéo theo hệ lụy là tỷ lệ tai nạn giao thông tại nhiều địa phương tăng. Nguyên nhân là do có đường, mặt đường tốt thường kéo theo số lượng các phương tiện lưu thông tăng cao, người điều khiển phương tiện giao thông phóng nhanh, vượt ẩu... Do vậy, trách nhiệm của lực lượng công an tại các địa phương có hệ thống GTNT phát triển là cần tăng cường tuần tra, giữ gìn trật tự tại các tuyến đường trên địa bàn.  

 

ĐÀ BÌNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=226
Quay lên trên